Đẩy lùi “căn bệnh thế kỷ”

ANTĐ - Cuộc chiến toàn cầu phòng chống HIV/AIDS đã đạt được những kết quả đáng khích lệ song thế giới còn phải rất nỗ lực để tiến tới xóa sổ “căn bệnh thế kỷ” này vào năm 2030.

Tưởng niệm các chuyên gia AIDS thiệt mạng trong vụ máy bay MH17 bị bắn rơi

Khoảng 12.000 đại biểu từ gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 20 tại Trung tâm hội nghị Melbourne của Australia đã dành một phút mặc niệm tại phiên khai mạc ngày 20-7 để tưởng nhớ 6 chuyên gia  thiệt mạng trong vụ máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine ngày 17-7 vừa qua. 6 chuyên gia này gặp nạn khi đang trên đường tới Melbourne tham dự hội nghị.

Sự ra đi của các chuyên gia AIDS, trong đó có nhà nghiên cứu nổi tiếng người Hà Lan Joep Lange - Chủ tịch Hội quốc tế về AIDS nhiệm kỳ 2002-2004, là một tổn thất lớn trong  nỗ lực chống lại “căn bệnh thế kỷ” trên thế giới. Theo thống kê của Cơ quan phòng chống AIDS thuộc LHQ (UNAIDS), số ca tử vong liên quan căn bệnh này vào khoảng 1,5 triệu người trong năm 2013.

Điều đáng nói là con số tử vong trên trong năm 2013 đã giảm đáng kể so với năm 2012, năm có 1,7 triệu người chết vì “căn bệnh thế kỷ”. Đây là sự sụt giảm mạnh nhất kể từ khi tỷ lệ người chết vì AIDS trên thế giới lên đến đỉnh điểm trong các năm 2004-2005. Số trường hợp lây nhiễm HIV mới cũng giảm xuống còn 2,1 triệu ca trong năm 2013, giảm tới 38% so với mức 3,4 triệu ca trong năm 2011.

Số nhiễm mới và ca tử vong vì HIV/AIDS đang liên tục giảm những năm gần đây là nhờ vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc chống lại “căn bệnh thế kỷ”. Trong 5 năm qua, thế giới đã đạt được nhiều bước tiến trong việc phòng chống AIDS như tăng số người được sử dụng thuốc kháng HIV lên 12,9 triệu người hiện nay so với mức 5,2 triệu người trong năm 2009; tỷ lệ nhiễm mới liên tục giảm bình quân 20%/năm.

Dù số nhiễm mới đã giảm mạnh song đến hết năm 2013 vẫn ghi nhận 35 triệu người sống chung với HIV trên toàn cầu, tăng so với 34,6 triệu trường hợp trong năm trước. Trong số này có 19 triệu người không biết mình bị lây nhiễm. Châu Phi vẫn là nơi “căn bệnh thế kỷ” hoành hành mạnh nhất với 1,1 triệu trường hợp tử vong vì AIDS, 1,5 triệu ca lây nhiễm mới và 24,7 triệu người sống chung với HIV. 

Chính vì thế, người đứng đầu UNAIDS Michel Sidibe cho biết dù nỗ lực của cộng đồng quốc tế chống HIV/AIDS đã đạt những bước tiến lớn nhưng cuộc chiến này còn lâu mới kết thúc khi thế giới vẫn còn 35 triệu người chung sống với HIV. Muốn đạt mục tiêu “thanh toán” đại dịch AIDS vào năm 2030 thông qua những tiến bộ đạt được trong việc điều trị cũng như kiểm soát dịch bệnh, cộng đồng quốc tế cần đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm.

Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị quốc tế về AIDS tại Melbourne là huy động nguồn tài chính cho cuộc chiến chống “căn bệnh thế kỷ” trên toàn cầu. Năm 2013, 16,8 tỷ USD đã được huy động phục vụ công tác phòng chống HIV/AIDS, song để kiểm soát, tiến tới xóa bỏ căn bệnh này cần khoảng 22-24 tỷ USD/năm.