Cứu các đại dương

ANTĐ - Nguồn thủy sản giữ vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu khi góp phần đáng kể đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng ngày một tăng của nhân loại song lại đang bị khai thác quá mức.
Cứu các đại dương ảnh 1
Hải sản - nguồn cung cấp khoảng 17% nhu cầu protein cho thế giới -
giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực


Tại Hội nghị quốc tế hành động vì các đại dương diễn ra ở La Hay (Hà Lan) từ 22 đến 25-4, Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) đã kêu gọi các quốc gia và cộng đồng quốc tế cần khẩn cấp triển khai nhiều biện pháp phối hợp phục hồi “sức khỏe” của các đại dương đang bị khai thác quá mức trên Trái đất. Theo FAO, điều này sẽ bảo đảm sự thịnh vượng, an ninh lương thực trong dài hạn khi dân số thế giới ngày càng tăng cao.

Hội nghị được trông đợi sẽ tạo bước chuyển lớn để phục hồi các nguồn hải sản bị khai thác quá mức thời gian qua bởi có sự tham dự của các quan chức cấp cao các chính phủ, trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản, các cộng đồng ven biển, cộng đồng khoa học… Hội nghị thượng đỉnh thu hút sự chú ý và đầu tư để giải quyết 3 mối đe dọa chính đối với “sức khỏe” của các đại dương và an ninh lương thực là: tình trạng đánh bắt quá mức, phá hủy môi trường sống và ô nhiễm.

Hội nghị quốc tế hành động vì các đại dương diễn ra trong bối cảnh an ninh lương thực nuôi sống 7 tỷ người trên Trái đất hiện nay và khoảng 9 tỷ người vào năm 2050 đang trở thành một thách thức lớn với cả thế giới. Trong khi đó, thủy sản với sản lượng khai thác và khả năng cung cấp lượng dinh dưỡng là một nhân tố quan trong nhằm đảm bảo nhu cầu nuôi sống con người.

Theo FAO, trung bình 17% nguồn cung cấp protein động vật của thế giới đến từ nghề cá và nuôi trồng thủy sản, trong khi nhu cầu về protein từ cá sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới. Tại các nước thiếu lương thực và thu nhập thấp (LIFDC), lượng tiêu thụ cá lên tới 20% và ở một số khu vực khác, con số này thậm chí còn cao hơn, điển hình là châu Á (23%) và Tây Phi (50%).

Với ít nhất 30 quốc gia ven biển trên thế giới, hoạt động ngư nghiệp đóng góp tới hơn 1/3 nguồn cung protein động vật, 22 quốc gia trong số đó thuộc nhóm LIFDC. Điều này chứng tỏ vai trò của nghề cá trong việc bảo đảm quyền đối với lương thực của con người, bên cạnh lương thực. Ngoài ra, nghề cá còn cung cấp việc làm cho 54,8 triệu người và tạo sinh kế liên quan cho khoảng 150 triệu người.

Mặc dù có vai trò quan trọng như vậy song nguồn thủy sản đang đứng trước nguy cơ lớn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm, mất môi trường sống và đặc biệt là vấn nạn khai thác quá mức. Theo tính toán, từ thập niên 1970 đến năm 1990, năng suất đánh bắt cá toàn cầu đã tăng nhanh hơn 8 lần tỷ lệ sinh trưởng ở các bãi cá. Mức độ đánh bắt ít nhất cũng cao gấp đôi mức độ khai thác cá bền vững mà các nhà khoa học đã tính toán. Bên cạnh đó, việc sử dụng các phương pháp đánh bắt tận diệt như đánh cá bằng lưới rà đáy cũng khiến cho nạn khai thác quá mức trở nên trầm trọng.

Ông Arni Mathiesen, Phó Tổng Giám đốc FAO phụ trách về nghề cá và nuôi trồng thủy sản, kêu gọi khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững bởi “các đại dương ở trong tình trạng sức khỏe tốt có một vai trò trung tâm để giải quyết một trong những vấn đề lớn nhất của thế kỷ XXI: làm thế nào để nuôi sống 9 tỷ dân vào năm 2050”.