Cuộc sống ở Zimbabwe, đất nước lạm phát nhất thế giới

(ANTĐ) - Trời chưa tảng sáng, ông bà Rose Moyo chợt tỉnh giấc vì tiếng chuông đồng hồ reo. Lúc ấy mới 2h20. Họ rón rén bước qua lũ trẻ đang ngủ trên sàn nhà. Điểm đến là ngân hàng, người gác cổng phát số cho họ, số thứ tự 29. Bà Moyo lẩm nhẩm tính: Hôm nay mua bánh xà phòng, mai mua túi muối, ngày kia mua bao ngũ cốc...

Cuộc sống ở Zimbabwe, đất nước lạm phát nhất thế giới

(ANTĐ) - Trời chưa tảng sáng, ông bà Rose Moyo chợt tỉnh giấc vì tiếng chuông đồng hồ reo. Lúc ấy mới 2h20. Họ rón rén bước qua lũ trẻ đang ngủ trên sàn nhà. Điểm đến là ngân hàng, người gác cổng phát số cho họ, số thứ tự 29. Bà Moyo lẩm nhẩm tính: Hôm nay mua bánh xà phòng, mai mua túi muối, ngày kia mua bao ngũ cốc...

Cảnh thường thấy trước cửa ngân hàng ở Zimbabwe
Cảnh thường thấy trước cửa ngân hàng ở Zimbabwe

Chờ đợi rút tiền

Fortunate Nyabinde, một nhân viên bệnh viện đến muộn hơn, dù mới 5h15 mà đã nhận số 148. Số 132 là Stanford Mafumera, 35 tuổi, một nhân viên an ninh, người vẫn phải ngủ bên ngoài một cửa hàng nhỏ bởi không đủ tiền đón xe buýt về nhà. Mỗi ngày, Stanford Mafumera chỉ dám mua 1 túi hạt ngô để tiết kiệm đồng lương còm cõi 30 USD mỗi tháng nhưng giờ lạm phát chỉ còn một nửa.

Đó là cảnh thường nhật ở Zimbabwe. Người dân xếp hàng cả tiếng đồng hồ mỗi ngày trước cửa các ngân hàng để được rút một số tiền nhỏ nhoi, nhưng cũng có khi về tay không. Người ta nói, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Zimbabwe, ông Gideon Gono đã cử nhân viên đi khắp phố phường với những valy đầy tiền để thu mua đồng đôla Mỹ và đồng rand của Nam Phi tại chợ đen để phục vụ cho bộ máy chính quyền. Vì thế, dự trữ ngân hàng thiếu, tiền mặt trở nên khan hiếm.

Tiền cũng… vô dụng

Gần đây, các cửa hàng ở Zimbabwe tiếp tục từ chối nhận đồng tiền của chính nước mình do tiền Zimbabwe bị sụt giá từng giờ. Bên ngoài một siêu thị ở khu Harare, cầm số tiền lên tới 14 tỷ đôla Zimbabwe trong tay, một phụ nữ phải gạt nước mắt vì không thể mua hàng do người quản lý cửa hàng chỉ chấp nhận đồng đôla Mỹ.

“Rất kinh khủng khi phải nói với bà ấy điều này, bà ấy là một khách hàng tốt, nhưng hiện chúng tôi rất khó bán hàng bằng nội tệ bởi đồng đôla Zimbabwe đã trở nên vô dụng”, người bán hàng nói. Mọi hàng hóa như rau, quả giờ đều phải nhập khẩu nên bản thân người bán hàng chỉ dùng ngoại tệ trao đổi.

Nạn khủng hoảng lạm phát ở Zimbabwe đã được xếp vào 5 sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại, đỉnh điểm trong tháng 7-2008, lạm phát đã tăng 230 triệu%. Hồi tháng 8-2008, Chính phủ nước này đã phải bỏ đi 10 con số 0 trong tờ tiền để bình ổn đồng tiền, mặc dù vậy đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Zimbabwe hiện nay, 50.000 đôla, cũng là số tiền tối đa người dân được rút mỗi ngày chỉ đủ mua 2 quả chuối. Ngân hàng dự tính sẽ in loại tiền mệnh giá cao hơn, 100.000, 500.000 và 1 triệu đôla Zimbabwe (tương đương 8 USD) để dễ lưu thông hơn.

Đồng tiền mới
Đồng tiền mới

Dấu hiệu của tai ương

Nguồn gốc của tình trạng này bắt nguồn từ chính sách cải tổ đất đai của Chính phủ, trong đó những thương gia người da trắng - nguồn lực kinh tế của đất nước đã bị xua đuổi, kéo theo đó là nguồn tài trợ của Mỹ và phương Tây. Đất đai chia cho nhiều người nhưng họ không biết cách canh tác. Đất nước lâm vào cảnh thiếu lương thực, siêu lạm phát, kinh tế suy yếu, các dịch vụ công sụp đổ.

Tại một đất nước mà hệ thống giáo dục từng là niềm tự hào của châu lục, ngôi trường của những đứa trẻ nhà y tá Fortunate Nyabinde không còn giáo viên. Người mẹ gửi hai con đến một nhà giáo tư, mỗi ngày vài tiếng đồng hồ trong khi thù lao là 40 xu, đủ để mua một chiếc bánh mì. Trước đó, cô giáo Muponda không có sức khỏe để đi bộ đến trường cách nhà 7 cây số nên đành phải nghỉ dạy.

Ông Tendai Chikowore, Chủ tịch Hiệp hội giáo viên Zimbabwe cho biết, mức lương hàng tháng của một giáo viên không đủ mua hai chai dầu ăn. Những ai còn bám trụ lại được thường phải bán kèm bánh kẹo cho học sinh, hay chấp nhận để cha mẹ học sinh trả bằng ngũ cốc và dầu ăn.

Các ngành khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Bệnh viện Harare ở trung tâm Thủ đô giảm một nửa số bệnh nhân bởi hầu hết các nhân viên vệ sinh không còn làm việc. Hệ thống nước sạch không hoạt động do chính quyền ngừng trả kinh phí để vận chuyển các chất hóa học xử lý nguồn nước. Rác thải không được thu dọn, nguy cơ dịch bệnh từ môi trường ô nhiễm là rất lớn. 

Các nhà kinh tế cho rằng điều duy nhất có thể kiềm chế vòng xoáy lạm phát ở Zimbabwe chính là một giải pháp chính trị. Mặc dù ông Robert Mugabe, vị Tổng thống 84 tuổi với 28 năm cầm quyền và nhà lãnh đạo phe đối lập Morgan Tsvangirai đã ký kết vào một thỏa thuận chia sẻ quyền lực từ 15-9 nhưng mọi việc vẫn án binh bất động.

Yến Chi (Tổng hợp)