Chính sách tung tàu cá lấn chiếm Biển Đông

ANTĐ - Trong một phóng sự điều tra công bố ngày 27-7, hãng tin Anh Reuters đã vạch trần chiến lược của Trung Quốc nhằm biến đội tàu đánh cá của họ thành công cụ áp đặt chủ quyền trên Biển Đông. Chiến lược này đi từ việc cung cấp thiết bị liên lạc qua vệ tinh cho từng chiếc tàu, trợ cấp xăng dầu, hỗ trợ tài chính để khuyến khích ngư dân đi đến đánh bắt tại những vùng mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Phóng sự điều tra của Reuters cho hay, chính quyền Trung Quốc đã trang bị cho các tàu cá một hệ thống định vị bằng vệ tinh rất hiện đại, sử dụng mạng lưới vệ tinh định vị Bắc Đẩu (Beidou) mà Trung Quốc đã phóng lên không gian trong gần hai năm qua. Hệ thống trên tàu lại có tuyến liên lạc trực tiếp với lực lượng tuần duyên Trung Quốc, giúp ngư dân Trung Quốc báo động khi gặp thời tiết xấu hoặc chạm trán với tàu tuần tra của Việt Nam hay Phi-líp-pin khi đi đánh bắt trong các vùng tranh chấp trên Biển Đông.

Theo báo chí chính thức Trung Quốc, đến cuối năm 2013, hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu đã được lắp đặt trên khoảng 50.000 chiếc tàu cá Trung Quốc. Chính sách của Bắc Kinh trong lĩnh vực này rất rõ. Tại Hải Nam, cửa ngõ mở ra Biển Đông, các thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc chỉ phải trả tối đa là 10% chi phí mua hệ thống định vị qua vệ tinh này. Phần còn lại do chính quyền bù đắp.

Các tàu cá Trung Quốc đều được lắp hệ thống định vị vệ tinh

Ngoài vấn đề thiết bị thông tin liên lạc, chính quyền Trung Quốc còn có chính sách hỗ trợ xăng dầu để khuyến khích ngư dân xuống Biển Đông đánh bắt cá. Trả lời nhà báo của hãng Reuters, rất nhiều thuyền trưởng tàu cá tại cảng Đàm Môn (Hải Nam) tiết lộ rằng, chính quyền tỉnh này đã khuyến khích ngư dân xuống đánh bắt cá trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Ông Zhang Jie, Phó giám đốc Cục An toàn Hàng hải Hải Nam, xác nhận thông tin này với Reuters. Không chỉ động viên suông, chính quyền Trung Quốc còn hỗ trợ xăng dầu để các tàu cá có thể đánh bắt xa bờ.

Giáo sư A. Đuy-pông (Alan Dupont), chuyên gia về an ninh quốc tế thuộc Đại học New South Wales (Ô-xtrây-li-a) nói rằng: “Rõ ràng là đội tàu cá Trung Quốc được chính quyền nước này động viên và tài trợ để đánh bắt cá trong vùng biển tranh chấp”. Đối với chuyên gia này, việc tung tàu cá xuống lấn chiếm các vùng tranh chấp đã “trở thành một chính sách”, không còn là những quyết định mang tính chất cơ hội. Chính sách đó, theo ông Đuy-pông, xuất phát từ cả các lý do địa chính trị lẫn kinh tế, thương mại.

Liên quan đến các hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua, ngày 29-7, Ngoại trưởng Phi-líp-pin A. Đen Rô-xa-ri-ô (Albert del Rosario) một lần nữa nhắc lại việc Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) khi ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5.

Cùng ngày, trang Wlstock, chuyên viết về tài chính ở Quảng Đông có một bài phân tích về nguyên nhân Trung Quốc rút giàn khoan hạ đặt trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Tờ này phân tích, thời tiết xấu là lý do khách quan để di dời giàn khoan. Bên cạnh đó, Wlstock cũng cho rằng, Trung Quốc không thể ngờ Việt Nam phản ứng mạnh mẽ khi Cảnh sát biển Việt Nam ngày đêm đấu tranh trên thực địa quanh giàn khoan. Tờ này cho rằng, Bắc Kinh nhận ra Việt Nam không có dấu hiệu nhượng bộ. Khi sự kiên nhẫn đã cạn, Việt Nam có thể nhân vụ này kiện ra quốc tế thì sẽ không hay cho Trung Quốc chút nào, nhất là thời điểm cộng đồng quốc tế đều ủng hộ và bênh vực quan điểm của Việt Nam.

Và lý do thứ ba mà tờ này tin tưởng nhất là Trung Quốc đang sợ thái độ thù địch của các nước trên thế giới và trong khu vực. Tờ này dùng nguyên văn cụm từ “việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam khiến một loạt nước như: Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, Phi-líp-pin thay đổi chính sách quân sự nhằm đáp ứng hiệu quả hơn hành vi của Trung Quốc”. Nhìn sự thay đổi mang tính bất lợi đó thì Trung Quốc cần phải điều chỉnh.