Bạo lực trong giới trẻ Chicago

(ANTĐ) - Chicago là bang có hệ thống trường học lớn thứ 3 nước Mỹ, với 400.000 học sinh bao gồm cả cấp mầm non, nhưng con số đáng giật mình cũng tại các trường học ở bang này là có ít nhất 15 học sinh chết mỗi năm vì bị bắn bằng súng.

Bạo lực trong giới trẻ Chicago

(ANTĐ) - Chicago là bang có hệ thống trường học lớn thứ 3 nước Mỹ, với 400.000 học sinh bao gồm cả cấp mầm non, nhưng con số đáng giật mình cũng tại các trường học ở bang này là có ít nhất 15 học sinh chết mỗi năm vì bị bắn bằng súng.

Cú sốc tinh thần

Nạn nhân Corshana Hatter may mắn sống sót

Nạn nhân Corshana Hatter may mắn sống sót

Tháng 7-2010, Corshana Hatter bị bắn 6 phát trong cuộc xô xát giữa nhà hàng xóm và một băng nhóm. Corshana Hatter, 17 tuổi, sống ở Roseland, phía Nam Chicago, là một trong số nạn nhân may mắn sống sót, đã phải chịu đựng cú sốc tinh thần kéo dài dù sự việc đã xảy ra rất lâu.

Khi đang đi dạo với bạn trai, Corshana nhìn thấy 2 người đi trên đường. Một kẻ trong đó vượt lên trước cầm khẩu súng chĩa thẳng vào Corshana cùng người bạn trai. “Hắn bắn 3 phát vào bạn trai tôi, anh ấy giãy giụa trong vũng máu. Tôi thực sự sốc trước cảnh tượng đó. Sau đó, tên sát nhân quay sang bắn tôi”, Corshana kể lại. Cô đã bị bắn 6 phát đạn nhưng may mắn sống sót.

Tính từ đầu năm học 2007-2008 đến nay, có 67 học sinh ở thành phố Chicago, bang Illinois (Mỹ) bị giết chết; hàng trăm em khác thoát chết sau khi bị bắn hoặc đánh nhừ tử trên đường đi học và về nhà. Theo thống kê của Sở Cảnh sát Chicago, năm 2010 có 70 trẻ em trong độ tuổi đang đi học và cả trẻ bỏ học giữa chừng… bị giết chết trong các vụ nã súng. Hơn 600 em khác cũng bị thương. Điều đáng nói, thủ phạm và nạn nhân đều ở lứa tuổi thanh niên.

Giải pháp cấp bách

“Các trường hợp bị bắn hoặc đâm nhưng không tử vong đã chiếm tỷ lệ cao gấp 120 lần so với các vụ án giết người trong cùng lứa tuổi thanh niên tại Chicago”, nhà nghiên cứu Dexter Voisin tại Đại học Chicago cho biết.

Vì vậy dù được coi là may mắn sống sót nhưng những hậu quả, những nỗi đau tinh thần để lại cho các nạn nhân, các nhân chứng là không thể kể hết. Các bệnh như hoảng loạn, tâm thần, trầm cảm hay tự kỷ… là các bệnh thường thấy sau khi các em phải chứng kiến hoặc trải qua những cảnh tượng bạo lực. Không chỉ vậy, các chuyên gia cho rằng nhân chứng của các vụ bạo lực này có thể tiềm ẩn hành vi bạo lực do tâm lý bị ảnh hưởng.

Nhà nghiên cứu Dexter cũng cho biết: Sống trong môi trường có nguy cơ hay tỷ lệ tội phạm cao, thanh thiếu niên cần được học các phương pháp riêng đối phó với nạn bạo lực ngày một gia tăng. Tuy nhiên đây vẫn đang là vấn đề cấp bách cho nhà chức trách Chicago.

Học sinh trung học hiện có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của bạo lực hoặc thậm chí là thủ phạm. Đa số các vụ bạo lực này là những cuộc đụng độ giữa các băng đảng mà trong đó có các băng nhóm xã hội bao gồm nhiều thành viên kỳ cựu “máu mặt” đã từng ngồi tù và đang phải thi hành án lao động công ích, rất thích can thiệp vào những chuyện xung đột hay tuyên truyền những hành động liên quan đến bạo lực cho giới trẻ. Điều đáng nói, tất cả các vụ bạo lực hay giết người đều diễn ra ở xa trường học. Vì vậy thanh niên Chicago luôn coi trường học là nơi trú ngụ an toàn nhất.

Chicago đã chi 55 triệu USD để bảo đảm an ninh cho hệ thống trường học lớn thứ ba nước Mỹ này nhưng dường như điều đó chưa là nghĩa lý gì khi bạo lực trong giới trẻ ngày một gia tăng. Hơn hết cả đó là sự giáo dục của các bậc phụ huynh, sự quan tâm của nhà trường để tránh những trường hợp trẻ bị lôi kéo vào những hành vi bạo lực giữa các băng đảng.

Chu Hương

(Theo NPR)