Tàu ngầm Ấn Độ và Trung Quốc 22 lần "đối mặt" trên biển

ANTĐ - Trong năm 2012, tàu ngầm Ấn Độ và Trung Quốc đã “chạm mặt” nhau tổng cộng 22 lần trên Ấn Độ Dương.

Trong một bản báo cáo mới đây nhất, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã bày tỏ sự lo lắng về việc tàu ngầm Trung Quốc đang gia tăng hiện diện tại Ấn Độ Dương làm xuất hiện ngày càng nhiều những vụ “đụng độ” bất đắc dĩ, đe dọa đến an ninh trên biển và lợi ích hải dương của Ấn Độ.

Bản báo cáo này được Ấn Độ chia sẻ với Mỹ về những số liệu về những vụ tiếp xúc bất đắc dĩ với những tàu ngầm khả nghi. Theo báo cáo này, trong năm 2012 đã xảy ra tổng cộng 22 vụ, đây có khả năng là các tàu ngầm tấn công Trung Quốc đang tuần tra ngoài phạm vi lãnh hải của mình.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cảnh báo: “Sự bành trướng của tàu ngầm Trung Quốc tại Ấn Độ Dương hiển nhiên đã phá hoại ưu thế của tàu ngầm Ấn Độ tại khu vực này, là sự uy hiếp rất lớn đối với an ninh trên tuyến vận tải biển chiến lược qua Ấn Độ Dương”.

Tàu ngầm Ấn Độ và Trung Quốc 22 lần "đối mặt" trên biển ảnh 1

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo “Nerpa” lớp Akula-II Ấn Độ thuê của Nga

Bản báo cáo này có tiêu đề: “Hải quân Ấn Độ đứng trước sự thách thức về khả năng răn đe dưới nước và trạng thái sẵn sàng chiến đấu”, dự đoán trong vòng 3 năm tới, lực lượng New Dehli sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt, khi Bắc Kinh gia tăng sự hiện diện của lực lượng tàu ngầm chiến lược.

Báo cáo chỉ ra: “Sự gia tăng hiện diện của tàu ngầm Trung Quốc sẽ làm phát sinh hiện tượng chồng chéo và lấn sân phạm vi hoạt động của tàu ngầm Ấn Độ”. Tàu ngầm Trung Quốc với động cơ hạt nhân và khả năng “chống tiếp cận” (chỉ tên lửa đối hạm và đối ngầm) đã nâng cao khả năng tác chiến tầm xa trên biển, mưu đồ lập cứ điểm đứng chân tại Ấn Độ Dương.

Báo cáo đưa ra lời cảnh báo: “Cảng Gwadar mà Trung Quốc thuê của Pakistan sẽ nâng cao rất lớn khả năng chỉ huy và kiểm soát của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương”. Hiện Bắc Kinh đã xây dựng một mạng lưới hải cảng tại Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka, Pakistan và đang có ý định chiếm quyền kiểm soát cảng Seychelles, chiến lược này được gọi là thiết lập “Chuỗi ngọc trai” trên biển.

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Tấn (094) của Trung Quốc

Về vấn đề này, một số chuyên gia quân sự Ấn Độ cho rằng, chiến lược này đã bị thổi phồng và nó khó có thể làm suy yếu ảnh hưởng của hải quân Ấn Độ tại khu vực này. “Việc lấy 1 cảng hoặc chuyển đổi các công trình tại cảng thành 1 căn cứ hải quân là một bước nhảy vọt về chiến lược, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không làm như vậy” - chuyên gia phân tích chiến lược, Thiếu tướng, Đô đốc hải quân về hưu Menon cho biết.

Nhà phân tích quốc phòng, chuẩn tướng hải quân về hưu Bhaskar khẳng định: “Bất cứ quốc gia nào cho phép Trung Quốc làm như vậy cũng đều gây nên sự thù địch với Ấn Độ. Tôi cho rằng, lập luận Trung Quốc đang dùng "Chuỗi ngọc trai" để bóp chết hải quân Ấn Độ là một luận điểm thiếu căn cứ và quá phóng đại”.