Nga bịt miệng những kẻ chỉ trích hiệu quả của Pantsir-S

ANTĐ - Thời gian qua, có rất nhiều sự nghi ngờ về tính hiệu quả của hệ thống phòng không tầm gần Pantsir-S của Nga, thậm chí lục quân Nga cũng từ b

ỏ ý định mua sản phẩm "cây nhà lá vườn" này. Vì vậy, Nga đã quyết tâm chứng tỏ Pantsir-S không phải là đồ bỏ đi.


Báo cáo chi tiết của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ngày 19-10 vừa qua, lực lượng phòng không Nga đã sử dụng 2 quả tên lửa của hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir-S để bắn hạ 1 quả tên lửa hành trình.

Cuộc thử nghiệm bắn đạn thật diễn ra tại trường bắn tên lửa Pemboy ở bắc Nga đã xác nhận tính năng hoàn hảo của hệ thống phòng không tầm ngắn này, dập tắt những tiếng chê bai về tính năng của nó.

Hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir-S trên khung gầm xe bánh xích

Để chứng minh tính năng đánh chặn tên lửa hành trình của Pantsir-S, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định sử dụng một loại tên lửa thật với tất cả tính năng của nó chứ không dùng mục tiêu bay thay thế. Loại tên lửa này được phóng từ máy bay ném bom tầm xa chiến lược Tu-95MS. Thời gian và địa điểm phóng tên lửa cũng không được báo trước để tưởng định diễn tập đúng với tính huống bị tập kích bất ngờ. Mục tiêu bảo vệ của Pantsir-S1 là một công trình kiến trúc bị máy bay địch tấn công bằng tên lửa hành trình từ khoảng cách 800km (khoảng 500 dặm Anh).

Bộ Quốc phòng Nga không nêu tên loại tên lửa hành trình họ sử dụng, nhưng cho biết đây là loại tên lửa hành trình có thể tích nhỏ, tốc độ bay cực nhanh, hành trình ở tầm rất thấp, các đặc trưng hồng ngoại và radar của tên lửa rất yếu nên cực khó bị radar phát hiện và đánh chặn.

Máy bay ném bom chiến lược TU-95MS của không quân Nga
tham gia thử nghiệm tính năng của Pantsir-S

Hiện Tu-95MS đang sử dụng 2 loại tên lửa hành trình là Kh-55 và phiên bản nâng cấp của nó là Kh-555. Còn tên lửa Kh-102 đã từng được thử nghiệm trên Tu-95MS nhưng chắc chắn trong cuộc thử nghiệm có tính chất quan trọng thế này không ai dại gì sử dụng 1 loại tên lửa đang trong quá trình thử nghiệm, chưa hoàn thiện về tính năng. Dựa trên các đặt tính được tiết lộ, các chuyên gia quân sự phỏng đoán Nga đã sử dụng loại tên lửa Kh-55. Cả 2 loại tên lửa này đều có tính năng tương tự nhau nhưng Kh-555 có trọng lượng lớn hơn Kh-55 (1,6 tấn so với 1,2 tấn), hơn nữa Kh-55 có tầm bay thấp nhất là 40m, tốc độ cận âm 920km/h, dẫn đường quán tính với bản đồ địa hình số tương đối phù hợp với loại tên lửa nêu trên.

Tên lửa Kh-55 có khả năng đã được sử dụng để làm mục tiêu đánh chặn của Pantsir-S

Tổ hợp phòng không tầm ngắn Pantsir-S (Nato gọi là SA-22 Greyhound) do Viện nghiên cứu thiết bị kỹ thuật KBP của Nga nghiên cứu, chế tạo. Đây là tổ hợp phòng không tầm ngắn trên xe cơ động, được tích hợp pháo và tên lửa phòng không.

Mỗi tổ hợp bao gồm: hệ thống cảm biến quang học - điện tử và hệ thống điều khiển hỏa lực; 2 bệ pháo phòng không tự động 30mm 2A72 tầm bắn 5km (3 dặm Anh) và 12 ống phóng tên lửa đối không 57E6-1, có thể phóng đồng loạt 12 quả hoặc phóng lần lượt. Loại tên lửa này có vận tốc 1300m/s (tương đương mach4), tầm bắn 20km (12 dặm Anh), trần bắn tối đa 15km. Tên lửa được dẫn đường bằng vô tuyến, cùng lúc có thể theo dõi và ngắm bắn đồng thời nhiều mục tiêu. Mỗi tổ hợp Pantsir-S còn có 2 loạt tên lửa dự trữ, ngoài ra còn có thể sử dụng xe vận tải tên lửa đi kèm các tổ hợp.

Nga đã ký hợp đồng bán 50 tổ hợp Pantsir-S1 cho Iraq với giá 4,2 tỷ USD

KBP khẳng định hệ thống này có thể bắn hạ cả máy bay tàng hình, UAV tàng hình và tên lửa hành trình. Tuy vậy, thời gian qua lực lượng lục quân Nga đã  tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của nó và dự định sẽ không mua các hệ thống Pantsir-S. Thế nhưng, qua lần thử nghiệm đánh chặn thành công này, có thể họ sẽ phải suy nghĩ lại.

Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định trong vài năm tới sẽ trang bị 100 tổ hợp Pantsir-S cho lực lượng phòng thủ không gian vũ trụ (ASD) của mình, phiên bản xuất khẩu của nó là Pantsir-S1 cũng đã được bán cho Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Syria và Algeria. Gần đây Nga cũng đã ký hợp đồng bán 50 tổ hợp phòng không tầm ngắn này cho Iraq với giá 4,2 tỷ USD.