Mỹ cấp tốc tái triển khai tàu sân bay hạt nhân CVN-71

ANTĐ - Ngày 29-8, Xưởng đóng tàu Newport News (NNS), một đơn vị của tập đoàn công nghiệp Huntington Ingalls, đã bàn giao lại chiếc tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt (CVN-71) cho Hải quân Mỹ.

Sự kiện này diễn ra sau khi chiếc tàu sân bay này thực hiện thành công các chuyến chạy thử trên biển, sau đợt đại tu toàn diện và thay nhiên liệu (RCOH) kéo dài 4 năm tại xưởng đóng tàu này.

Đợt đại tu toàn diện và tiếp nhiên liệu này có chi phí 2,622 tỷ USD, được tiến hành trong giai đoạn giữa tuổi thọ hoạt động khoảng 50 năm của tàu, là đợt đại tu tại xưởng toàn diện nhất, mà mỗi chiếc tàu sân bay phải trải qua.

Tất cả các hệ thống chính của tàu sân bay đều được thay thế, nâng cấp hoặc đại tu, và cả 2 lò phản ứng hạt nhân trên tàu đều được nạp lại nhiên liệu. Đợt nâng cấp này sẽ kéo dài thời gian hoạt động của tàu thêm 23 năm nữa.

Tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt (CVN-71)

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt là chiếc tàu thứ 4 trải qua quá trình đại tu toàn diện và tiếp nhiên liệu này, đều tại Xưởng đóng tàu Newport News ở Newport News, Virginia, nơi toàn bộ các tàu sân bay hiện tại được chế tạo.

“Chiếc tàu đã hoạt động tuyệt vời. Tất cả các hệ thống đều vận hành tốt”, ông Chris Miner, Phó Chủ tịch phụ trách các chương trình dịch vụ tàu sân bay của xưởng, cho biết hôm 29-8 khi tàu lên đường trở lại cảng Norfolk, tái nhập hạm đội Hải quân Mỹ.

Theo kế hoạch ban đầu, đợt đại tu toàn diện và thay nhiên liệu này dự kiến hoàn thành vào tháng 2-2013, nhưng đã được gia hạn 2 lần do phải cải tiến thêm.

Trước đó, 3 chiếc tàu sân bay đã hoàn thành quá trình đại tu toàn diện và tiếp nhiên liệu tại đây gồm: USS Nimitz (CVN 68) vào tháng 6-2001; USS Dwight D. Eisenhower (CVN 69) vào tháng 3-2005; và USS Carl Vinson (CVN 70) vào tháng 7-2009.