Indonesia đưa Su-27/30 ra đảo trên biển Đông, đối phó Trung Quốc

ANTĐ - Để đối phó với nguy cơ bất ổn và những mối đe dọa ngày càng tăng tại biển Đông, Indonesia đã tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự, như triển khai các máy bay chiến đấu Sukhoi và trực thăng tấn công ở quần đảo Natuna.

Ngày 27-3, tư lệnh căn cứ không quân trên đảo Ranai thuộc quần đảo Riau trên biển Đông của Indonesia, Trung tá Andri Gandy, cho biết, không quân Indonesia có kế hoạch sẽ nâng cấp căn cứ không quân này để cho máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 có thể cất và hạ cánh.

Trung tá Andry Gandy còn tiết lộ, căn cứ không quân này gần đây đã hoàn thành một phần công việc nâng cấp, bao gồm lắp đặt đèn báo hiệu trên đường băng, đường taxi và hệ thống radar tích hợp. Không quân Indonesia còn có kế hoạch kéo dài đường băng so với độ dài hiện tại là 2.500m.

Các cơ sở mới tại căn cứ không quân này còn bao gồm nhà chứa máy bay nằm ở phía tây căn cứ. Indonesia sẽ xây dựng mới những cơ sở hạ tầng và những thiết bị nhằm thực hiện mục tiêu dài hạn là triển khai thường trực một phi đội máy bay chiến đấu Sukhoi ở Quần đảo Natuna.

Không quân Indonesia hiện đang được biên chế cả máy bay chiến đấu Su-27SK và Su-30MK, dự kiến sẽ còn đặt mua thêm một số máy bay chiến đấu loại này nữa. 

Hiện nay, trong biên chế trang bị của không lực Indonesia đã có một phi đội 16 chiếc máy bay chiến đấu dòng Sukhoi, bao gồm 5 chiếc máy bay chiến đấu Su-27SKM và 11 chiếc máy bay chiến đấu Su-30 MK2 hai chỗ ngồi, bố trí trong căn cứ không quân "Sultan Hasanuddin" ở Makassar, tỉnh Nam Sulawesi.

Phi đội máy bay chiến đấu dòng Su của không quân Indonesia

Ngoài máy bay chiến đấu Sukhoi, Quân đội Indonesia còn có kế hoạch sẽ triển khai một nửa phi đội máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache sắp nhận của Mỹ tại căn cứ này, đó là tuyên bố cùng ngày tại của Tham mưu trưởng Lục quân Indonesia, Tướng Budiman, tại căn cứ lục quân Semarang.

Hiện, Indonesia đang chuẩn bị tiếp nhận 8 chiếc máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache đã đặt mua của Mỹ từ năm 2013 trị giá 500 triệu USD. Theo kế hoạch, số trực thăng này sẽ được bàn giao cho lục quân Indonesia trước năm 2017.

Thứ trưởng Bộ điều phối chính trị, pháp luật và hòa bình Indonesia Fahru Zaini đã miêu tả triển vọng triển khai máy bay chiến đấu Sukhoi tới quần đảo Natuna như là một phần trong mục tiêu phát triển "sức mạnh quân sự cần thiết tối thiểu" của nước này.

Khái niệm này, được Tổng thống Indonesia Susilo Bambang công bố vào năm 2005, nhằm thiết lập bản chất và quy mô tối thiểu sức mạnh quân sự mà Indonesia cần có để triển khai đối phó với một mối đe dọa chiến lược.

Trước đó, hôm 27-2, tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia, Tướng Moeldoko, cũng tuyên bố hải quân nước này sẽ triển khai thêm một số phương tiện tới vùng biển ngoài khơi Quần đảo Natuna thuộc tỉnh Riau như một biện pháp phủ đầu nhằm sẵn sàng đối phó với sự bất ổn trên biển Đông.

Máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache

Quần đảo Natuna, với tổng diện tích (phần đất liền) 2.631km2, nằm giữa đường hải giới của Indonesia với Brunei, Malaysia, và Việt Nam ở cực nam của biển Đông. Đây cũng chính là khu vực diễn ra cuộc diễn tập quân sự đa phương “Komodo-2014” giữa 10 quốc gia Asean cùng 8 đối tác của Hiệp hội ASEAN trong “Nhóm thượng đỉnh đông Á” bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, cùng với Ấn Độ, Australia, New Zealand và Nga, Mỹ.

Mặc dù Indonesia không liên quan đến những tranh chấp đang diễn ra trên biển Đông đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng “đường chín đoạn” vô lý do Bắc Kinh đặt ra nằm chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của Indonesia đối với một vùng kinh tế đặc quyền tại khu vực Quần đảo Natuna. Khu vực biển Natuna có chứa một trong những mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, ước tính khoảng 1,3 nghìn tỷ m3 khí đốt.

Hôm 28-2, trang mạng "Học giả ngoại giao" của Nhật Bản đăng bài viết nhan đề "Sự lựa chọn Biển Đông của Indonesia", cho rằng, trước khả năng Trung Quốc chuẩn bị thiết lập “Vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông” sẽ gây tác động ảnh hưởng tới Indonesia, với thực lực quân sự tự thân và tiềm lực phát triển chưa đủ, Indonesia cần tăng cường liên minh quân sự với các nước lớn trong khu vực.

Nhưng có lẽ trước mắt, Indonesia sẽ tập trung tăng cường sức mạnh quân sự bằng các kế hoạch mua sắm và tự phát triển các trang bị hiện đại, khi mà các nước lớn như Nhật Bản, Australia và Mỹ đều chưa sẵn sàng liên kết với Indonesia do không có lợi ích trực tiếp trên biển Đông.