Con đường trở thành "đại gia" xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc

ANTĐ - Từ một nước nặng về nhập khẩu vũ khí, hiện nay, Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vũ khí nhanh nhất thế giới. Vậy nguyên nhân nào đã làm thay đổi tình hình này?

Theo thông tin ngày 16-4 của báo Wenweipo Hồng Kông, mấy ngày trước, cơ quan quản lý mua sắm quốc phòng của Hàn Quốc công bố, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 của ngành sản xuất công nghiệp quốc phòng đạt 3,4 tỷ USD, đạt mức cao nhất trong lịch sử, cao gấp hơn 13 lần năm 2006.

Bảy năm trở lại đây, ngành sản xuất công nghiệp quốc phòng tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, đã giúp Hàn Quốc ghi tên mình vào một trong những nước có mức tăng trưởng xuất khẩu vũ khí nhanh nhất thế giới.

Số liệu của viện nghiên cứu hòa bình quốc tế SIPRI cho thấy, từ năm 2008 đến năm 2012, Hàn Quốc là nước nhập khẩu vũ khí đứng thứ 4 toàn cầu, chiếm 5% tổng số giao dịch; xuất khẩu vũ khí cùng kỳ đứng thứ 16, chiếm 1% tổng số giao dịch.

Hiện nay, tuy kim ngạch xuất khẩu vũ khí còn kém rất xa so với Mỹ và Nga là 2  cường quốc xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, nhưng dấu hiệu này đã làm thay đổi cán cân thương mại vũ khí, trước đây thường nặng về nhập siêu của đất nước Kim Chi.

Máy bay huấn luyện-chiến đấu hạng nhẹ FA-50

Theo báo cáo, ngành sản xuất công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc tăng trưởng nhanh chủ yếu do 3 nguyên nhân sau:

Một là, Hàn Quốc đã thông qua nhập khẩu lượng lớn vũ khí trang bị nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, do đó, họ đã thu hút được một khối lượng lớn tinh hoa khoa học kỹ thuật hiện đại của các nước đó. Ngoài ra, dưới sự nỗ lực thúc đẩy của chính phủ, mức đầu tư nghiên cứu phát triển của các nhà sản xuất tư nhân từ 132,2 tỷ USD năm 2005, đã tăng lên 410,7 tỷ USD năm 2008.

Hai là, do nguyên nhân địa chính trị, ngoài việc Hàn Quốc lo sợ mối đe dọa quân sự từ phía Triều Tiên nên phải đẩy mạnh phát triển quốc phòng ra, tăng trưởng xuất khẩu vũ khí của Nam Hàn còn xuất phát từ một nguyên nhân nữa là, các quốc gia Đông Nam Á cũng thi nhau mua sắm trang thiết bị quân sự hiện đại để đối phó với một Trung Quốc đang “trỗi dậy”. Chính điều đó đã mang lại cơ hội lớn cho ngành sản xuất và xuất khẩu vũ khí của nước này.

Pháo tự hành K-9 trong một cuộc diễn tập trên đảo Yeonpyeong

Ví dụ như Philipin, do có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, năm ngoái, Manila đã đề xuất mua 12 chiếc máy bay chiến đấu FA-50; mấy năm trở lại đây, Malaysia cũng đã chi ra một khoản tiền 400 triệu USD để mua thêm trang bị quân sự của Nam Hàn.

Nguyên nhân thứ 3 đó là ưu thế về giá cả, tuy chất lượng vũ khí quân sự của Hàn Quốc không thể sánh được với các đối thủ cạnh tranh đến từ châu Âu và Mỹ, nhưng giá thành nhân công và linh kiện tương đối rẻ, nên đã thu hút được không ít quốc gia đang có ngân sách eo hẹp.

Ngoài ra, so với việc kiểm soát nghiêm ngặt về xuất khẩu công nghệ quân sự của Mỹ, thì việc chuyển giao công nghệ quân sự cho nước khác của Hàn Quốc được nới lỏng hơn nhiều. tất cả những điều này đã giúp ngành xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc tăng trưởng nhanh trong mấy năm trở lại đây.