3 phương tiện đổ bộ "siêu hạng" của Triều Tiên khiến Hàn Quốc bất lực

ANTĐ - Ngày 23-3, một nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đang phát triển một loại tàu xuyên sóng cao tốc mới để triển khai cho các đơn vị quân đội tiền phương nhằm tăng cường khả năng xâm nhập trên biển.

Theo tin cho biết, Bình Nhưỡng đã chế tạo một loại tàu rất gọn nhẹ là VSV, có thể di chuyển gần 100 km/giờ với một toán biệt kích trên tàu. Hiện Triều Tiên đã triển khai khoảng 70 tàu đệm khí trên bờ biển phía tây và 60 xuồng đổ bộ ở phía đông tại 4 căn cứ tàu đệm khí.

Theo một báo cáo của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, tàu VSV có hình trụ, dài khoảng 10-15 mét. Nó có tốc độ nhanh hơn nhiều so với các tàu đệm khí, có thể di chuyển tới 96 km/giờ.

Loại tàu này lần đầu tiên được phát hiện trên ảnh vệ tinh từ năm ngoái khi Triều Tiên tiến hành chạy thử lần đầu trên vùng biển phía Đông.

3 phương tiện đổ bộ "siêu hạng" của Triều Tiên khiến Hàn Quốc bất lực ảnh 1
Một cuộc diễn tập có sử dụng tàu đệm khí của Triều Tiên
“Triều Tiên đã và đang chế tạo loại tàu VSV này từ năm ngoái nhằm tăng cường khả năng xâm nhập bằng được biển của lực lượng biệt kích. Hiện rất có khả năng chúng đã sẵn sàng để triển khai” - nguồn tin giấu tên cho biết.

Các quan chức quân sự Hàn Quốc coi loại tàu cao tốc này là mối đe dọa lớn đối với các hòn đảo tiền tiêu khi được đưa vào sử dụng, đặc biệt là sau khi Triều Tiên phóng ngư lôi đánh chìm chiếc tàu hộ tống Cheonan của hải quân Hàn Quốc ở vùng biển phía tây 3 năm trước, làm 46 thủy thủ trên tàu thiệt mạng.

Các quan chức Hàn Quốc cho rằng, đối phương sẽ sớm triển khai loại tàu mới này cho các đơn vị tuyến đầu ở bờ biển phía đông, và nước này có thể sẽ sơn cho chúng một lớp sơn tàng hình để ngụy trang.

3 phương tiện đổ bộ "siêu hạng" của Triều Tiên khiến Hàn Quốc bất lực ảnh 2

Phần trước tàu tác chiến đổ bộ bán ngầm của Triều Tiên

Các quan chức quân sự Seoul cho rằng Bình Nhưỡng thường tiến hành luyện tập các hoạt động đổ bộ với các tàu loại này, để xâm nhập qua đường hải giới liên Triều, nhằm nhanh chóng xâm chiếm các hòn đảo biên giới của Hàn Quốc khi chiến sự xảy ra.

Ngoài ra, Triều Tiên còn 1 phương tiện đổ bộ bí mật rất đáng ngại là các tàu đột kích dạng bán ngầm. Loại tàu này có chiều dài 17m, rộng 4m, cao 2,2m, trang bị các ống phóng ngư lôi và được chuyên chở trên các tàu mẹ được ngụy trang như các tàu buôn.

Trong quá trình hải hành, chỉ có một phần rất nhỏ tầng thượng nhô lên trên mặt biển, đa phần thân tàu chìm dưới nước cùng với tốc độ rất cao làm cho các loại radar đối hải rất khó phát hiện và theo dõi được nó.

3 phương tiện đổ bộ "siêu hạng" của Triều Tiên khiến Hàn Quốc bất lực ảnh 3

Phần sau tàu tác chiến đổ bộ bán ngầm của Triều Tiên

Các tàu mẹ của đặc công Triều Tiên thường ghé vào các cảng của một nước thứ 3 để bổ sung nhiên liệu và hậu cần, sau đó đi đường vòng, vu hồi vào khu vực biển phía tây Hàn Quốc và thả các tàu đột nhập bán ngầm này để xâm nhập lên bờ.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng sở hữu rất nhiều tàu ngầm mini, có khả năng đột nhập qua các hệ thống tuần tra và bảo vệ bờ biển để đổ bộ người nhái lên dải bờ biển của Hàn Quốc, đặc biệt là khoảng 40 tàu ngầm mini lớp Sang-O. Tàu ngầm lớp này của Triều Tiên có chiều dài 34m, lượng giãn nước khi lặn là 370 tấn.

Trên thực tế, Bình Nhưỡng đã từng sử dụng tàu tàu ngầm mini lớp Sang-O để đổ bộ đặc công, xâm nhập Hàn Quốc. Ngày 15-9-1996, tàu ngầm mini lớp Sang-O của Triều Tiên đã bí mật xâm nhập bờ biển Hàn Quốc thả 3 nhóm lính đặc nhiệm lên bờ tiến hành hoạt động do thám các căn cứ của Hàn Quốc. 

3 phương tiện đổ bộ "siêu hạng" của Triều Tiên khiến Hàn Quốc bất lực ảnh 4

Tàu ngầm mini lớp Sang-O của Triều Tiên

Hai ngày sau, chiếc tàu ngầm này quay lại vị trí ban đầu để thu hồi nhóm lính đặc nhiệm. Nhiệm vụ sắp thành công nhưng không may chiếc tàu ngầm bị mắc cạn nên biệt kích Triều Tiên phải bỏ tàu lên bờ, rút lui bằng đường bộ. Vụ đột nhập và rút lui thành công (nếu không bị mắc cạn) này đã gây một cú sốc cho quân đội Hàn Quốc.

Các phương tiện đổ bộ có phần “kỳ quái” này của Triều Tiên làm Hàn Quốc rất lo lắng tình huống lực lượng đặc nhiệm của Bình Nhưỡng lợi dụng địa thế quanh co của dải bờ biển Hàn Quốc để vượt qua “giới tuyến quân sự” đột nhập lên đất liền, trinh sát hoặc tấn công phá hoại.