Ukraine muốn quy chế “đồng minh quan trọng” để Mỹ bán vũ khí, cấp viện trợ

ANTĐ - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng có thể ông sẽ yêu cầu Mỹ cung cấp cho Ukraine quy chế của một "đồng minh quan trọng không thuộc NATO". 

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN ngày 22-7, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng, cơ sở cho ông làm điều này sẽ thuộc vào trường hợp, nếu các biện pháp trừng phạt chống Nga sẽ không dẫn đến ổn định tình hình ở đông Ukraine.

Quốc hội Mỹ đã xem xét dự luật, trong đó dự kiến ​​cấp cơ chế “đồng minh quan trọng” cho Ukraine, Gruzia và Moldova. Tài liệu được Thượng nghị sĩ Rob Corker trình bày hồi tháng 5 năm nay, hiện đang được Ủy ban Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ xem xét.

Quy chế "đồng minh quan trọng bên ngoài NATO" (Major Non-NATO Ally, MNNA) là nói về quốc gia hợp tác quân sự chặt chẽ với Mỹ, bao gồm cả triển vọng tham gia các sáng kiến ​​phòng thủ chung, tiến hành các nghiên cứu chung có tính chất quân sự, tham gia vào một số biện pháp chống khủng bố và cung cấp hạn chế một số vũ khí quan trọng.

Quy chế này được xác định một cách hợp pháp tại Hoa Kỳ từ năm 1989. Tại thời điểm hiện nay các quốc gia được hưởng quy chế này này là Australia, Argentina, Afghanistan, Bahrain, Ai Cập, Israel, Jordan, Kuwait, Morocco, New Zealand, Pakistan, Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines và Nhật Bản.

Ukraine muốn quy chế “đồng minh quan trọng” để Mỹ bán vũ khí, cấp viện trợ ảnh 1
Nếu được nhận quy chế "đồng minh quan trọng không thuộc NATO", Ukraine sẽ được Mỹ ưu tiên bán vũ khí (Ảnh minh họa)


Nếu được Mỹ chấp thuận, Ukraine sẽ có tên trong nhóm một số ít nước khác như Israel, Nhật, Thái Lan, Pakistan… được ưu tiên nhận viện trợ hoặc mua vũ khí của Mỹ rộng rãi hơn, hoặc Mỹ có thể triển khai một số loại vũ khí để bảo vệ đồng minh.

Trong điều kiện Ukraine vẫn chưa được kết nạp vào làm thành viên của khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương, việc nhận được quy chế "đồng minh quan trọng không thuộc NATO" của Mỹ sẽ là một bảo đảm quan trọng đối với an ninh nước này.

Trong bối cảnh Mỹ-Ukraine đang kết tội Nga và lực lượng dân quân miền đông bắn hạ chiếc Boeing 777 thuộc chuyến bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia và tình hình chiến sự ở đông nam nước này đang ngày càng căng thẳng, rất có thể đề nghị của Kiev sẽ được Washington chấp thuận.