Tăng Type 96 thua, Trung Quốc “chữa ngượng” là “giữ thể diện cho Nga”

ANTĐ - “Tank Biathlon 2014” kết thúc đã hơn 1 tuần nhưng dường như người Trung Quốc vẫn chưa “tiêu hóa” nổi thất bại của tăng Type 96A trong cuộc thi đấu với xe tăng T-72 của Nga mà họ đánh giá là “kém hơn xe tăng mình rất nhiều”.

Mặc dù hiện nay dòng xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99 Trung Quốc mới có sức mạnh sánh ngang với các dòng tăng M1A2 Abram của Mỹ và Leopard 2A6 của Đức nhưng loại xe tăng kém hơn 1 chút Type 96A mới là xe tăng chiến đấu chủ lực trong lục quân Trung Quốc, có số lượng vượt trội tăng Type 99.

Chuyên gia Trung Quốc Tống Trung Bình cho rằng, Trung Quốc chọn tăng Type 96A chứ không phải là Type 99 tham dự giải thi đấu xe tăng quốc tế 2014 (Tank Biathlon 2014) tổ chức tại Nga, ngoài việc “giữ thể diện” đội chủ nhà Nga, vấn đề quan trọng hơn là để kiểm nghiệm tính năng cơ động cũng như hỏa lực dòng xe tăng chủ lực của quân đội nước này.

Sau khi khai mạc giải đấu, Type 96A có thành tích không được tốt, kết quả chung cuộc chỉ đứng thứ 3, mất phần thưởng là một chiếc tăng T-90 phiên bản mới nhất của Nga vào tay đội xếp thứ 2 là Armenia, khiến không ít người Trung Quốc thất vọng.

Giải đáp về vấn đề này, nguyên phó tư lệnh quân khu Nam Kinh, trung tướng Vương Hồng Quang, trên cương vị là một người lính lái xe tăng kỳ cựu và cũng chính là người lãnh đạo công tác nghiên cứu, đánh giá về tăng Type 96 đã đưa ra những phân tích trong một tài liệu do chính ông biên soạn.

Trong tài liệu của mình, Vương Hồng Quang cho biết, điểm mạnh của tăng Type 96 chính là hỏa lực và năng lực phòng ngự, tuy nhiên động cơ dòng tăng nay tương đối kém, nhưng về tốc độ, sức mạnh và độ chính xác của pháo chính, Type 96 không hề thua sút so với dòng tăng M1, M60A3 của Mỹ.

Tăng Type 96 thua, Trung Quốc “chữa ngượng” là “giữ thể diện cho Nga” ảnh 1
Dàn xe tăng khủng trước giờ thi đấu tại “Tank Biathlon 2014”

Ông Vương đánh giá, hỏa lực tăng Type 96 mạnh hơn T-72 của Nga rất nhiều, độ chính xác cũng hơn, khi chạy ở tốc độ dưới 30 km Type 96 có thể bắn trúng mục tiêu đang di chuyển với tốc độ cao.

“Khả năng phòng vệ của dòng tăng chủ lực Trung Quốc có thể nói là vững chắc nhất trên thế giới, vượt trội xe tăng T-72 của Nga. Ngoài đạn xuyên giáp Uranium làm nghèo, các loại đạn pháo khác rất khó xuyên thủng được mặt trước của tháp pháo” - vị chuyên gia về xe tăng này khẳng định.

Tuy nhiên, trong khi thi đấu, tăng Trung Quốc đã không thể hiện được năng lực phòng vệ. Nguyên nhân chủ yếu là do tuy tháp pháo là của tăng thế hệ 3 nhưng tăng Type 96A sử dụng khung gầm của xe tăng thế hệ 2, nên trong thi đấu, tăng Type 96 khởi động chậm, tăng tốc kém, leo dốc nhọc nhằn, khó vượt chướng ngại vật.

Trên thực tế, để cải thiện tính năng của động cơ Type 96 không phải là điều quá khó, có thể thay thế bằng động cơ diesel có công suất lớn như động cơ 1500 mã lực của Type 99, động cơ này không hề thua kém các dòng tăng của phương Tây.

Tuy nhiên, vị cựu Phó tư lệnh quân khu Nam Kinh cũng cho rằng, không nhất thiết phải làm như thế, bởi vì giá thành một chiếc tăng Type 99 gấp 3 lần chiếc Type 96, với cùng một số tiền, nên chọn mua 1 chiếc Type 99 hay 3 chiếc tăng Type 96, cái nào lợi hơn?

Tăng Type 96 thua, Trung Quốc “chữa ngượng” là “giữ thể diện cho Nga” ảnh 2
Xe tăng T-72B3M của Kuwait trong phần thi xạ kích

Vương Hồng Quang cho hay, tăng Type 96 chủ yếu được bố trí tại khu vực thuộc vùng đông nam Trung Quốc, ở đây hệ thống giao thông dày đặc, kênh rạch lẫn đồi núi chằng chịt, xe tăng không thể chạy nhanh được, nên tính năng này ở tăng Type 96 không quá quan trọng.

Hơn nữa, việc tác chiến đổ bộ hoặc trên các đảo lớn, không gian chiến trường không lớn, chiều sâu tấn công không quá 100-200 km nên tăng Type 96 có khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà không cần phải tiếp thêm dầu, vì thế không nhất thiết phải chọn loại xe có động cơ công suất cao, tiêu hao nhiên liệu lớn.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không hoàn toàn tán thành với quan điểm trên của vị chuyên gia này. Những người phản đối nêu lên 4 vấn đề phản bác lại ông Vương Hồng Quang.

Thứ nhất là, Nga và 10 nước khác đều sử dụng tăng thế hệ cũ là T-72 mà không sử dụng loại tăng hiện đại nhất của họ thuộc dòng T-90. Nếu Trung Quốc mang tăng Type 99 sang đấu thì khác nào “hạ thấp uy danh xe tăng Trung Quốc”, nếu thắng cũng không vẻ vang gì, nếu thua lại quá mất mặt. Đây không phải là Trung Quốc “nể mặt” Nga mà thực ra là “giữ thể diện” cho mình.

Tăng Type 96 thua, Trung Quốc “chữa ngượng” là “giữ thể diện cho Nga” ảnh 3

Xe tăng Type 96A mang số hiệu 809 của Trung Quốc bị hỏng trong ngày thi đấu thứ 2

Thứ 2 là, một trong ba tiêu chí cơ bản của xe tăng chính là tính cơ động tốt, đặc biệt là khả năng tăng tốc, chuyển hướng vì sau khi ngắm bắn xong mục tiêu, cần phải nhanh chóng cơ động tránh sự phản kích của đối phương, nếu không sẽ bị các loại hỏa lực khác tiêu diệt.

Thứ 3 là, ông Vương ca ngợi khả năng hỏa lực của Type 96A tốt hơn nhiều so với T-72 nhưng các trang mạng Nga đã chứng thực, trong thi đấu việt dã, tăng Trung Quốc bị hỏng, trong thi đấu hỏa lực, các kíp xe của PLA cũng bắn rất thiếu chính xác, không tiêu diệt gọn mục tiêu.

Thứ 4 là, trước đây, các chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng Nga “chơi không đẹp” khi mang phiên bản tối tân nhất của T-72, có tính năng tiệm cận T-90 là T-71B3M ra thi đấu nên mới đạt vị trí quán quân tuyệt đối. Thế nhưng họ không giải thích được là tại sao đội thi đấu của mình lại kém xa đội xếp thứ 2 là Armenia.

Hơn nữa, Bắc Kinh nói người mà không nghĩ đến ta. Tăng T-72 và Type 96 được coi là cùng một thế hệ, dù Nga có nâng cấp nó mạnh đến đâu thì cũng vẫn trên cơ sở khung gầm của T-72 chứ không phải của T-90. Nga nâng cấp được phiên bản mạnh như vậy, sao Trung Quốc không làm được mà lại kêu Nga “ăn gian”?