Người Mỹ sợ viễn cảnh hải quân Liên Xô hồi sinh (2):

Người Mỹ với nỗi sợ hãi mơ hồ mang tên Liên Xô

ANTĐ - Hiện nay Nga không đủ tiềm lực để khôi phục hình ảnh huy hoàng của hải quân Xô Viết, Trung Quốc và Ấn Độ mới chập chững bước đi trên con đường trở thành cường quốc hải quân. Thế nhưng trong lòng người Mỹ vẫn dấy lên một chút bất an mang tên Liên Xô.

Đến cuối thập niên 80, Liên Xô đã sở hữu 6 tàu sân bay, hoặc đã biên chế hoặc đang chế tạo, đến nay chỉ còn lại 3 chiếc. Chiếc Kuznetsov hiện đang là tàu sân bay duy nhất trong lực lượng hải quân Nga, hai chiếc khác đã được bán đi, cải tạo, nâng cấp và hiện đã có chủ nhân mới...
Xem kỳ 1: Sự hồi sinh của 2 tàu sân bay tưởng đã hết thời

Nước Nga ngày nay là trung tâm của Liên bang Xô Viết trước đây, có dân số bằng hơn một nửa dân số của Liên Xô. Ngọn cờ đầu của phe XHCN đã mất hàng chục năm để xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh đứng hàng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Mỹ), thế nhưng tất cả đã tan thành mây khói sau sự sụp đổ của nhà nước Xô Viết.

Khi ông Putin lên cầm quyền vào năm 2000, nền kinh tế Nga đã suy thoái trầm trọng, nền tảng kinh tế dưới thời Xô Viết bị xóa bỏ, nền kinh tế tư bản đang hình thành, định hình những bước đi đầu tiên, địa vị của Nga trên trường quốc tế bị giảm sút nghiêm trọng. Trong thời kỳ Mỹ và Nato không kích Nam Tư, Nga đã bất lực, không có cách gì để giúp đỡ đồng minh. Chỉ khi cuộc chiến kết thúc, Nga mới cử một phân đội nhỏ đánh chiếm trước sân bay Pristina – thủ phủ của Kosovo để làm chỗ dựa “nho nhỏ” để mặc cả với Nato. Thế nhưng, sau 2 nhiệm kỳ tổng thống và 1 nhiệm kỳ thủ tướng liên tiếp, ông Putin đã mang lại cho Nga một “diện mạo” mới, nền kinh tế tuy chưa có những bước tiến vượt bậc nhưng đã dần khôi phục lại, tiến những bước vững chắc, uy tín của Nga trên trường quốc tế cũng dần được nâng cao. Cùng với sự phát triển vững chắc của nền kinh tế, tiềm lực quân sự Nga cũng được nâng lên một tầm cao mới.

Biên đội tàu sân bay Kuznetsov của Nga hành trình trên biển

Lúc đó, Nga dù có cố gắng đến mấy cũng không thể khôi phục lại hình ảnh lực lượng hải quân hùng mạnh dưới thời Liên Xô, Trung Quốc và Ấn Độ có nỗ lực đến đâu, 2 tàu sân bay của họ được cải tạo hiện đại thế nào cũng không thể sánh được với biên đội tàu sân bay hùng hậu của Mỹ, thế nhưng trong lòng người Mỹ vẫn dấy lên một chút bất an, một sự lo lắng mơ hồ. Đến nay, điều đó ngày càng được định hình rõ hơn.

Sau khi ông Putin trở thành thủ tướng năm 2008, nhất là khi ông trở lại điện Kremlin tháng 7 năm 2012, Nga đã có hàng loạt động thái để nâng cao tiềm lực quân sự, trong đó điển hình là cuộc cải cách quốc phòng Nga mang tên “diện mạo mới”. Tháng 2 năm nay, Nga đã hoàn thành giai đoạn 1 là tái cơ cấu biên chế, tổ chức theo hướng tinh gọn, hiện đại và bước sang giai đoạn 2 là thay thế hàng loạt vũ khí, trang bị mới tiên tiến hơn.

Máy bay Su-33 hạ cánh trên boong tàu sân bay Kuznetsov

Hiện nay, Nga không đủ lực để đua tranh với Mỹ. Nga chỉ còn một chiếc tàu sân bay duy nhất, mà khả năng hoạt động cũng rất hạn chế. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ bằng lòng với hiện trạng này, trong con đường phát triển hải quân của Nga, dường như người ta thấy có một chút nhẫn nại. 

Nga đang từng bước cải thiện cán cân quân sự với Mỹ và Nato bằng một phương thức hết sức khôn ngoan và linh hoạt: đầu tư phát triển hải quân có kế hoạch, tập trung đi tắt đón đầu vào các lĩnh vực trọng điểm như tàu ngầm hạt nhân chiến lược, tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn và các tên lửa đạn đạo chiến lược phóng từ tàu ngầm và tàu nổi. Trong “kế hoạch phát triển vũ khí, trang bị quốc gia giai đoạn 2011 - 2020”, đóng mới hàng không mẫu hạm là một trọng điểm của hải quân Nga. Theo tiết lộ của cựu tư lệnh hải quân Nga Vladimir Vysotsky, tàu sân bay mới sẽ đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tác chiến trên biển, không còn mang ý nghĩa đơn thuần là hàng không mẫu hạm kiểu cổ điển nữa.

Siêu tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ có lượng giãn nước 103.000 tấn,
có khả năng mang theo 80 máy bay tiêm kích hạm

Dự kiến, đến năm 2014 các nhà thiết kế Nga mới định hình xong kiểu dáng chế tạo của hàng không mẫu hạm tương lai, nhưng một điều có thể chắc chắn là nó vẫn theo xu hướng tàu sân bay hạng trung kiểu Nga cổ điển. Với nền tảng công nghệ sẵn có, không khó để Nga hoàn thành kế hoạch của mình, theo dự kiến đến năm 2025 nó sẽ được đưa vào phục vụ trong lực lượng hải quân Nga. Hiện Nga đang cải tiến, nâng cấp tàu sân bay INS Vikramaditya cho Ấn Độ không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa thương mại. Các chuyên gia quân sự không khó để chỉ ra rằng, Nga đang từng bước khôi phục lại nền tảng công nghệ đóng tàu sân bay của mình, tiếp thu những công nghệ tiên tiến của Mỹ và phương Tây vào mô hình tàu sân bay kiểu Nga, khi đó hàng không mẫu hạm tương lai của họ sẽ là đối thủ đáng gờm của tàu sân bay Mỹ.

Sự hồi sinh của hải quân Liên Xô không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào tàu sân bay Nga, mà còn quan hệ mật thiết với sự ra đời của 2 tàu sân bay Liêu Ninh và INS Vikramaditya, hồi sinh xu hướng phát triển hàng không mẫu hạm tầm trung và cỡ nhỏ nhưng có khả năng tác chiến độc lập và sự linh hoạt vượt trội so với các tàu sân bay hạng nặng, thậm chí là siêu nặng của Mỹ.

Có 1 chi tiết khiến ngưới ta chú ý, sự xuất hiện của cụm tàu sân bay này đều thuộc các nước trong “Tổ chức hợp tác Thượng Hải” (OSC). Đây là tổ chức được lập ra với mục đích không chính thức là làm đối trọng với Mỹ và Nato ở khu vực Trung Á, nhưng sau đó nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nga và Trung Quốc là thành viên nòng cốt, còn Ấn Độ đầu tiên được mời làm quan sát viên nhưng tại hội nghị thượng đỉnh "Tổ chức Hợp tác Thượng Hải" tổ chức ngày 05-06 vừa qua tại Bắc Kinh, cả Ấn Độ và Pakistan đều đã gửi đơn xin gia nhập tổ chức với tư cách là thành viên chính thức.

Sự phát triển của cụm tàu sân bay Nga - Trung - Ấn theo mô hình Nga dường như đã tái hiện lại sự ganh đua tàu sân bay giữa hai cường quốc đại diện cho hai phe thời kỳ chiến tranh lạnh. Có thể nói, lực lượng Hải quân hùng mạnh của Liên Xô đã hồi sinh trở lại dưới một tấm áo mới, đây chính là điều mà người Mỹ cảm thấy bất an.