Mỹ sẽ tấn công Syria theo kịch bản nào?

ANTĐ - Tờ Kommersant của Nga ngày 29/08 cho biết, sau rất nhiều những ý kiến đồng thuận của lãnh đạo các quốc gia phương Tây, hành động quân sự chống Syria gần như không thể tránh khỏi. Tờ báo Nga đã tổng hợp ý kiến của các chuyên gia quân sự Nga và đưa ra 3 phương án cơ bản mà Mỹ sẽ áp dụng để đối phó với Syria.

Phương án 1: Tấn công có giới hạn mang ý nghĩa tượng trưng

Phương án thứ nhất được tóm tắt là: Tấn công có giới hạn, mức độ ác liệt không cao, chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng. Phương án này được phần lớn các chuyên gia quân sự tán đồng.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 27/08 cho biết, sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường là hành động mà nhà cầm quyền Syria “không thể phủ nhận”, điều này cũng đồng nghĩa với việc tiến hành một đòn tiến công trừng phạt là điều không thể tránh khỏi.

Trong vòng 1 vài ngày tới, tàu chiến Mỹ sẽ phóng tên lửa hành trình tấn công vào đầu não chỉ huy, các công trình quân sự quan trọng như: Phủ Tổng thống, Trụ sở Bộ Quốc phòng, Bộ tổng tham mưu, sân bay, căn cứ quân sự… Nhưng các hoạt động này không thể duy trì lâu dài và cũng khó thu được kết quả như ý, mục đích của Washington là chỉ muốn cảnh cáo Damascus, nếu như còn tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học sẽ phải nhận đòn trừng phạt thảm khốc hơn nhiều.

Bài báo chỉ ra, lí do được nhiều người chấp nhận là do sự thận trọng của Tổng thống Obama, ông không muốn Mỹ bị sa lầy vào một cuộc chiến mới có quy mô lớn ở Trung Đông. Để yên lòng một số đồng minh phương Tây và các nhà phê bình trong Quốc hội, Tổng thống Mỹ sẽ phê chuẩn một hành động quân sự đối với Syria, nhưng nếu đẩy mức độ leo thang của chiến tranh lên một mức độ cao hơn, thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cục diện khu vực và thế giới.

Phương án này có vẻ rất giống hành động oanh tạc Iraq trong vòng 4 ngày dưới thời Tổng thống Clinton năm 1998 để gây ra các hiệu ứng tâm lý, nhưng chế độ của Saddam đã không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Các nhà phân tích khi bình luận về các chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama thường cho rằng, ông có nét gì đó giống cựu Tổng thống Clinton, khác hẳn với tác phong cứng rắn của tổng thống Bush (con).

Mỹ sẽ tấn công Syria theo kịch bản nào? ảnh 1
Tàu chiến USS Gettysburg và tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ trên đường đến Địa Trung Hải hồi đầu tháng. Ảnh: AFP

Vì vậy, nhiều nhà phân tích đã thẳng tay loại bỏ phương án Mỹ sử dụng lục quân tấn công vào Syria như các cuộc chiến Afghanítan và Iraq trước đây.

Phương án 2: Tái hiện các hành động đã sử dụng đối với Lybia

Một vài đồng minh châu Âu của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước quân chủ ở vũng Vịnh Ba Tư (đặc biệt là Qatar và Saudi Arabia) đều mong muốn Mỹ thực hiện phương án 2, tiến hành không kích dài hạn, tương tự như hành động đã áp dụng đối với Syria năm 2011, khi máy bay của NATO đã tiến hành chi viện trên không cho quân nổi dậy trong tác chiến với quân đội chính phủ Gaddafi.

Trong chiến tranh Lybia, Mỹ chỉ đóng vai trò bổ trợ, đóng vai trò tác chiến chủ lực là không quân Anh, Pháp. Nhưng nếu phương án này được lựa chọn để tấn công Syria, có lẽ phân công nhiệm vụ sẽ không phải như vậy. Syria có lực lượng phòng không, không quân mạnh hơn Lybia rất nhiều, nếu không có sự tham gia tác chiến của Mỹ để phá vỡ các hệ thống phòng không của Syria thì Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thế nhưng, nếu lựa chọn phương án này, dường như phương Tây đã bị cuốn vào cuộc nội chiến ở Syria, ra mặt hỗ trợ phe đối lập, hạ bệ chính phủ của Tổng thống Assad. Tình huống này cũng tương tự như cuộc chiến Lybia, không quân đồng minh trực tiếp chi viện hỏa lực trên không, giúp quân nổi dậy đánh chiếm thủ đô Tripoli và lật đổ chính phủ Gaddafi. Nếu áp dụng hình thức này, có lẽ một số quốc gia kiên quyết chống lại chính phủ của ông Assad, như Qatar và Thổ Nhĩ kỳ sẽ tham gia vào hoạt động.

Phương án 3: Thổ Nhĩ kỳ sẽ đánh trận đầu?

Đây là một phương án trung gian, Mỹ sẽ tiến hành mật tập bằng bom và tên lửa trong một khoảng thời gian nhất định, làm suy yếu khả năng phòng ngự của Syria, sau đó sẽ rút lui vào hậu trường, phát huy vai trò bổ trợ, nhường vũ đài chính cho một số nước trong khu vực muốn lật đổ chính phủ của Tổng thống Assad. Ở đây, vai trò chủ đạo sẽ được giao cho Thổ Nhĩ Kỳ - nước có tiềm lực quân sự mạnh nhất trong khu vực.

Mỹ sẽ tấn công Syria theo kịch bản nào? ảnh 2
Máy bay quân sự F4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: globalmilitary)

Không quân nước này có thể sử dụng các căn cứ Incirlik, Diyarbakir, Konya và Malatya, cung cấp sự chi viện hỏa lực trên không tốt nhất cho lực lượng đối lập ở Syria, trên những trận tuyến then chốt. Lục quân Thổ cũng có thể tham gia vào 1 số chiến dịch quan trọng ở khu vực giáp biên. Ngoài ra, không quân và các cơ quan tình báo một số nước Ả Rập khác, cũng có thể tham gia với quy mô nhỏ hơn Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong giai đoạn này, sự tham dự của Mỹ, Pháp, Anh chủ yếu mang tính tượng trưng. Họ có thể điều một số chi đội máy bay đến các căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc có thể sử dụng các máy bay tiêm kích hạm trên tàu sân bay ở Địa Trung Hải, nhưng chủ yếu đóng vai trò dự bị chiến lược, nhường đất diễn chính lại cho Thổ Nhĩ Kỳ và người Ả Rập xử lý Syria.

Mấy ngày trở lại đây, Mỹ chủ yếu làm công tác kết nối liên minh, nhưng có lẽ hành động này sẽ khó thống nhất được trong nội bộ NATO. Một vị quan chức ngoại giao của một quốc gia lớn thuộc NATO đã tiết lộ với Kommersant là Mỹ, Anh, Pháp đang tích cực vận động từng thành viên NATO, nhưng không ít quốc gia từ chối tham gia hoạt động này với lí do, Washington đưa ra kết luận, quân chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học là hơi vội vã.

Kommersant kết luận, dưới góc độ chính trị và ngoại giao, hành động của phương Tây đối với Damascus sẽ giống với các cuộc chiến tranh chống Nam Tư và Iraq vào các năm 1999 và 2003. Điều này có nghĩa là Mỹ và đồng minh sẽ không cần thông qua sự phê chuẩn, thậm chí là không thèm đếm xỉa đến Nghị quyết của Liên Hợp Quốc, đơn phương tiến hành hoạt động chiến tranh chống Syria.