Mỹ phát triển tên lửa hành trình tầm xa đối trọng với Nga

ANTĐ - Nhận thức được năng lực yếu kém của các loại tên lửa hành trình tầm xa của mình so với thế hệ tên lửa hành trình tầm xa 

tiên tiến của Nga là Kh-101 và Kh-102, không quân Mỹ đã triển khai kế hoạch phát triển một loại tên lửa hành trình tầm xa mới.

Ngày 10/12 vừa qua, quân đội Mỹ đã gửi thư mời thầu nghiên cứu chế tạo một loại tên lửa hành trình tầm xa mới (Long Range Standoff - LRSO) tới 4 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ là Boeing, Lockheed Martin, Northrop Grumman, và Raytheon. 4 công ty này sẽ phải hoàn tất hồ sơ dự thầu trước ngày 20/12, sau quá trình tranh thầu, sẽ chọn ra một người chiến thắng trở thành nhà sản xuất và cung ứng tên lửa duy nhất.

Nhà phân tích Mark Gunzinger thuộc Trung tâm đánh giá chiến lược và dự toán ngân sách cho biết, sự gấp rút của dự án xuất phát từ sự mong muốn nhận được một thế hệ tên lửa mới của không quân Mỹ để trang bị cho “hệ thống tấn công tầm xa tương lai”. Dự kiến, loại tên lửa mới này sẽ được sử dụng để thay thế cho loại tên lửa hành trình AGM-86 mang đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân, cũng có thể sẽ thay thế cho loại tên lửa hành trình tàng hình AGM-129.

AGM-129 là loại tên lửa có tầm bắn xa nhất của không quân Mỹ

Hiện nay, loại tên lửa hành trình có tầm bắn xa nhất của Mỹ chính là tên lửa hành trình tầm xa tàng hình AGM-129 nhưng phạm vi tấn công của nó chỉ đạt hơn 3000km, nhỉnh hơn một chút so với loại tên lửa đã cũ của Nga là Kh-555 (3000/2000km) và bằng 1/3 tầm bắn của 2 loại tên lửa hành trình tầm xa tiên tiến nhất của Nga là Kh-101 và Kh-102 (3000/10.000km).

Trong tương lai, các “hệ thống phòng không liên hợp” ngày càng phát huy tính hiệu quả của nó, đây là một sự thách thức không nhỏ đối với các loại tên lửa hành trình tầm xa hiện có của Mỹ. Vì vậy, so với các loại tên lửa thế hệ trước, loại tên lửa tương lai phải có tính năng tàng hình cao, có khả năng tự xử lý trước các tình huống đột xuất và các biện pháp đối phó của đối phương. Tên lửa mới cũng phải bay cao hơn và có tầm bắn xa hơn, khi cần phải có khả năng thực hiện mọi nhiệm vụ ngay giữa đường bay, thậm chí có khả năng bỏ mục tiêu cũ, tấn công một mục tiêu mới xuất hiện đột ngột trên đường bay.

Ông Mark Gunzinger hy vọng, kế hoạch này nên xem xét đến các nhu cầu của lực lượng hải quân, tức là phải trang bị cho nó khả năng tấn công từ trên máy bay, tàu mặt nước và tàu ngầm. Còn chuyên gia quân sự Dan Goure thì cho rằng, đây là điều rất khó vì nó liên quan đến rất nhiều vấn đề kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phóng từ các loại máy bay, tàu chiến khác nhau. Ông cũng hoài nghi không rõ loại tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hay không nhưng không quân Mỹ nên có định hướng thiết kế từ đầu là nó phải có khả năng tấn công hạt nhân khi cần thiết.