Mỹ phát triển siêu tên lửa chuyên “trị” tàu sân bay

ANTĐ - Công ty Lockheed Martin của Mỹ đang phát triển tên lửa đối hạm tầm xa dùng trên tất cả các loại máy bay của không quân Mỹ, có khả năng tấn công hàng không mẫu hạm rất tốt.

Trên website của công ty Lockheed Martin vừa thông báo, công ty đã được Cục kế hoạch nghiên cứu cao cấp quốc phòng Mỹ (DARPA) ủy thác một hợp đồng trị giá 71 triệu USD để nghiên cứu, chế tạo tên lửa chống hạm tầm xa loại cải tiến LRASM (Long Range Anti-Ship Missile).

Hợp đồng còn quy định công ty phải đảm nhiệm cả hạng mục thử nghiệm phóng từ trên không và trên tàu mặt nước đối với loại tên lửa này, sau đó tiến hành đánh giá và có những điều chỉnh nhằm hạ thấp rủi ro trong quá trình phát triển.

Đây thực chất là một phần của bản hợp đồng phát triển LRASM giai đoạn 2 được ký kết năm 2010. Theo điều khoản của hợp đồng này, trong năm 2013 thử nghiệm phóng LRASM từ trên không sẽ do 1 chiếc máy bay ném bom B-1B tiến hành với 2 đợt thử nghiệm phóng.

Ngoài ra, công ty Lockheed Martin sẽ còn tiến hành 2 đợt thử nghiệm phiên bản LRASM phóng từ trên tàu mặt nước trong năm 2014. Trong hạng mục này, công tác kiểm tra các rủi ro phát sinh chủ yếu liên quan đến thử nghiệm khả năng tương thích điện từ và các hệ thống cảm biến tích hợp trên tên lửa trên đường bay của tên lửa.

Mô hình đồ họa của tên lửa tấn công chính xác ngoài khu vực phòng không LRASM 

Tên lửa LRASM thuộc loại vũ khí tấn công chính xác ngoài khu vực phòng không, được nghiên cứu trên cơ sở những thành tựu trong phát triển tên lửa JASSM-ER để đáp ứng yêu cầu tấn công đối hạm từ trên không, trên biển của hải, không quân Mỹ.

Ông Fleming – giám đốc dự án phát triển phiên bản LRASM phóng từ trên không thuộc Bộ phận hệ thống kiểm soát hỏa lực và tên lửa của công ty Lockheed Martin cho biết: “Hợp đồng cải tiến LRASM sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu LRSM. Hiện chúng tôi đang phát triển một loại vũ khí tiến công các mục tiêu mặt nước (OASuW) mới cho hải quân Mỹ, có thể được triển khai trên nhiều phương tiện phóng khác nhau”.

LRASM do DARPA và văn phòng nghiên cứu của hải quân Mỹ hợp tác nghiên cứu. Để thực hiện hợp đồng này, Lockheed Martin còn huy động cả kinh phí nghiên cứu riêng của công ty để nghiên cứu điều chỉnh, tích hợp LRASM với hệ thống điều khiển hỏa lực và hệ thống phóng thẳng đứng kiểu Mk-41.

Trong 1 phần của kế hoạch, Lockheed Martin đã sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực trên tàu mặt nước loại mô phỏng để trình diễn khả năng lập kế hoạch trong nhiệm vụ tiến công các mục tiêu mặt nước dựa trên cơ sở tên lửa LRASM.

Ông Callaway - giám đốc dự án phát triển phiên bản LRASM phóng từ trên hạm thuộc Bộ phận hệ thống kiểm soát hỏa lực và tên lửa của công ty Lockheed Martin cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình thử nghiệm phiên bản trên hạm của loại tên lửa này để tương thích với các hệ thống OASuW khác trên tàu chiến”.

LRASM sử dụng một loại đầu đạn động nặng xuyên thép và đầu đạn phá sát thương đã qua kiểm nghiệm thực tế, có thể tự hành trình tấn công trong mọi điều kiện thời tiết, trong cả ngày lẫn đêm. Loại tên lửa này sử dụng nhiều thiết bị cảm biến khác nhau, đường truyền số liệu 2 chiều và có khả năng chống gây nhiễu định vị vệ tinh.

LRASM có tầm bắn tới hơn 300 km, được đánh giá rất cao trong tấn công các chiến hạm hạng nặng và hàng không mẫu hạm. Loại tên lửa này có khả năng điều chỉnh lộ tuyến tấn công trong hành trình bay thông qua chuỗi số liệu 2 chiều, từ đó có thể lựa chọn phương hướng và hành trình tối ưu để tấn công tàu sân bay.

Tạp chí Kanwa số ra tháng 3 năm nay cho biết, LRASM sẽ được trang bị trên tất cả các máy bay ném bom Mỹ hiện đang sử dụng và phiên bản F-22, F-35B và F-35C trên tàu đổ bộ tấn công và tàu sân bay Mỹ.