Mỹ đang “ru ngủ”, khiến Trung Quốc "lạc bước" trong không gian?

ANTĐ - Washington lớn tiếng tuyên bố là Bắc Kinh đang phát triển và liên tiếp thử nghiệm công nghệ tên lửa, đặc biệt là tên lửa diệt vệ tinh để thách thức Mỹ trong không gian. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định còn rất xa tham vọng này mới được thực hiện.

Tin tức của Bộ Ngoại giao Mỹ dựa theo các dữ liệu tình báo mà họ có được cho biết, ngày 23-7, Trung Quốc đã tiến hành một vũ thử tên lửa mới được thiết kế để tiêu diệt các vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất. Vào tháng 5-2013, Bắc Kinh cũng đã tiến hành cuộc thử nghiệm đầu tiên của tên lửa diệt vệ tinh này.

Đặc biệt là vào tháng 4 năm nay, trong chuyến đi thị sát một đơn vị không quân, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên tuyên bố công khai rằng, Trung Quốc phải có khả năng đáp trả quá trình quân sự hóa vũ trụ do các đối thủ của mình, mà trước hết là Mỹ đang thực hiện.

Các chuyên gia Mỹ đã nghiên cứu kỹ lưỡng các bức ảnh vệ tinh về vụ thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh này và đưa ra kết luận, Bắc Kinh đã đưa lên quỹ đạo một thiết bị có năng lực chống vệ tinh, được thiết kế trên nền tảng một tên lửa đạn đạo kiểu cơ động, cho thấy bước đột phá đáng kể trong năng lực chống vệ tinh (ASAT) của Trung Quốc.

Washington đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại về việc Bắc Kinh đang phát triển các hệ thống chống vệ tinh. Họ kêu gọi ban lãnh đạo Trung Quốc ngừng phát triển và thử nghiệm các loại vũ khí tấn công trên vũ trụ và giải thích thêm rằng, phải làm như vậy để phục vụ lợi ích an ninh trong không gian.

Theo ý kiến của thiếu tướng nghỉ hưu Vladimir Dvorkin, chuyên viên của Viện IMEMO, Mỹ lo ngại rằng, Trung Quốc có thể thực hiện bước nhảy vọt vào không gian, khi nhanh chóng thành lập các hệ thống chống vệ tinh có thể cản trở việc chỉ huy quân đội Mỹ thông qua phương thức liên lạc này.

Mỹ đang “ru ngủ”, khiến Trung Quốc "lạc bước" trong không gian? ảnh 1

Trung Quốc đang nỗ lực nghiên cứu, chế tạo tên lửa chống vệ tinh


Ông nhận định là bất kỳ hoạt động quân sự nào của Hoa Kỳ, đặc biệt các chiến dịch tình báo và kiểm soát, đều phụ thuộc vào không gian. Vì vậy, Washington rất lo lắng, khi những quốc gia khác bắt đầu phát triển hay thử nghiệm thiết bị có thể bằng cách nào đó, gây tác động tiêu cực đến các hoạt động không gian của mình.

Chuyên gia Pavel Zolotarev - phó Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ và Canada của Nga, nhận định là Trung Quốc chưa có bước đột phá nào, mà họ chỉ lặp lại các giải pháp kỹ thuật đã tồn tại từ 2-3 thập kỷ trước đây, ví dụ như là các giải pháp tấn công phá hủy mà Liên Xô đã từng sử dụng.

Nguyên tắc hoạt động của vũ khí tiêu diệt vệ tinh là rất đơn giản: Phóng đầu đạn đưa lên quỹ đạo, đầu đạn sẽ phá mảnh và bay tung tóe trong không gian. Những mảnh đạn sớm hay muộn sẽ va chạm thiết bị vũ trụ của đối phương và phá hủy nó.

Hiện nay, các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc mới đủ khả năng giúp họ chế tạo ra một loại tên lửa đánh chặn vệ tinh đạt độ cao trên 10.000km, chứ chưa có loại nào có thể lên tầm 20.000km, chứ đừng nói là quỹ đạo địa tĩnh, cách trái đất 36.000km.

Tên lửa chống vệ tinh mạnh nhất của Trung Quốc hiện nay là DN-2. Đây là mô hình lắp đặt trên tên lửa đẩy KT-2 hoặc KT-2A, được phát triển trên cơ sở mô hình tên lửa đạn đạo liên lục địa, dạng tổ hợp phóng cơ động DF-31A. Tầm phóng của DF-31A chỉ trên 10.000km, nên DN-2 không thể vươn tới quỹ đạo địa tĩnh ở độ cao trên 30.000km.

Mỹ đang “ru ngủ”, khiến Trung Quốc "lạc bước" trong không gian? ảnh 2

Mô hình bắn hạ vệ tinh của hệ thống tên lửa chống vệ tinh 


Ví dụ chứng minh điều đó là sự kiện ngày 11-01-2007, Trung Quốc đã tiến hành cuộc thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh lần đầu tiên, sử dụng tên lửa chống vệ tinh Song Thành-19 (SC-19). SC-19 chính là biến thể chống vệ tinh của tên lửa đạn đạo DF-21C (có tầm phóng 1.700km, độ cao tối đa 1.250km).

Trong cuộc thử nghiệm này Song Thành-19 đã bắn hạ thành công vệ tinh khí tượng FY-1C của Trung Quốc đã hết hạn sử dụng, chỉ đạt độ cao gần 1.000 km. Ngoài ra, loại tên lửa chống vệ tinh này vẫn còn bảo lưu khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định hiện phương án tiêu diệt tàu vũ trụ và vệ tinh của đối phương không phải là sự lựa chọn hiệu quả nhất, mà phương pháp sử dụng vũ khí điện tử hoặc laser để gây nhiễu điện tử, vô hiệu hóa hoạt động của nó mới là thượng sách. Ví dụ như đưa các vệ tinh mini tới thiết bị vũ trụ của đối phương, rồi bao vây và làm mù chúng.

Xét về tính mục đích, đó là mục tiêu cuối cùng của dự án này, còn sử dụng các phương tiện nào là tùy vào trình độ khoa học công nghệ của mỗi nước. Nhiều chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh chưa đủ khả năng bắn hạ vệ tinh địa tĩnh và cũng chưa có năng lực vô hiệu hóa hoạt động các vệ tinh đối phương trong không gian.

Từ trước đến nay, các quân chức quốc phòng Mỹ thường phóng đại quá mức sức mạnh quân sự của Trung Quốc để ru ngủ đối phương và kêu gọi đầu tư lớn hơn cho quốc phòng. Hiện tại, Bắc Kinh mới chỉ có năng lực hạn chế một phần khả năng chiến đấu của Washington trong không gian chứ không thể phá hoại năng lực này của họ.