Mỹ, Ấn, Nhật diễn tập quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục tàu chiến

ANTĐ - Ngày 24-7, hải quân Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã khai mạc cuộc diễn tập hải quân chung mang tên Malabar kéo dài một tuần ở Thái Bình Dương, sau lễ khai mạc chính thức được tổ chức tại căn cứ hải quân Sasebo ở miền nam Nhật Bản, nhằm tăng cường mối quan hệ hải quân sẵn sàng đối phó với Trung Quốc.

Malabar là cuộc diễn tập hải quân song phương thường niên giữa Ấn Độ và Mỹ, nhưng năm nay có sự tham gia của hải quân phòng vệ Nhật Bản. Đây là lần thứ 3 Nhật Bản tham gia diễn tập sau các năm 2007 và năm 2009.

Theo kế hoạch, cuộc diễn tập này sẽ kéo dài từ ngày 24 đến 30-7 và được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn diễn tập trên bến cảng sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 26-7 trong khi giai đoạn diễn tập thực binh trên biển sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 30-7 ở ngoài khơi bờ biển phía nam Nhật Bản.

Lực lượng Mỹ tham gia diễn tập bao gồm: tàu sân bay hạt nhân USS George Washington, tàu khu trục lớp Ticonderoga USS Shiloh, tàu khu trục lớp Arleigh Burke USS John S McCain và tàu ngầm USS Columbus, cùng với các máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3 Orion và trực thăng MH-60R.

Mỹ, Ấn, Nhật diễn tập quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục tàu chiến ảnh 1
Các tàu chiến Mỹ và Ấn Độ tham gia một cuộc diễn tập Malabar ở Ấn Độ Dương


Các tàu chiến của hải quân Ấn Độ tham gia gồm: tàu khu trục mang tên lửa điều khiển INS Ranvijay, khinh hạm tàng hình INS Shivalik và tàu chở dầu INS Shakti, cùng với các máy bay trực thăng Kamov-28 và Chetak. Các tàu này đã cập cảng Sasebo của Nhật Bản hôm 23-7.

Trong khi đó, Nhật Bản cử 2 tàu chiến tham gia gồm các tàu khu trục JS Kurama và JS Ashigara. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ cử thủy phi cơ US-2i ShinMaywa tham gia diễn tập, loại thủy phi cơ mà nước này dự định bán cho Ấn Độ.

Cuộc diễn tập năm nay chủ yếu tập trung vào các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, chống cướp biển và chông khủng bố, với các khoa mục gồm trao đổi chuyên môn, diễn tập thông tin liên lạc, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, di tản bằng trực thăng, tiếp tế, diễn tập bắn đạn thật, và hoạt động áp mạn, lên tàu, lục soát và bắt giữ (VBSS).