J-7 rơi - sự cáo chung của 3 loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3 Trung Quốc

ANTĐ - Sáng 4/12 một chiếc máy bay chiến đấu Trung Quốc đã bị rơi xuống một khu vực dân cư gần sân bay thành phố Sán Đầu - tỉnh Quảng Đông. Cục Thông tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận chiếc máy bay bị rơi hôm 4/12 là máy bay chiến đấu J-7 của Không quân Trung Quốc. 

J-7, một trong những loại máy bay đời đầu của Trung Quốc

J-7 là loại máy bay chiến đấu được Trung Quốc chế tạo trên nguyên mẫu Mig-21 của Liên Xô. Vào đầu thập niên 50, Mig-21 là loại máy bay tiêm kích hàng đầu thế giới, lúc đó công nghiệp sản xuất máy bay Trung Quốc mới chỉ là con số 0. Đầu thập niên 60, khi Liên Xô ồ ạt viện trợ quân sự cho các nước đồng minh nhằm nâng cao sức mạnh của khối XHCN, Trung Quốc và Liên Xô đã ký một hiệp định cho phép Trung Quốc được sản xuất máy bay chiến đấu Mig-21 F-13 và động cơ R-11F-300, theo dây chuyền công nghệ do Liên Xô cung cấp.

Ngày 30/03/1961, 2 nước lại ký tiếp một hiệp định sửa đổi, trong đó thêm một hạng mục là sản xuất tên lửa không đối không K-13 (Nato gọi là AA-2). Đầu tiên Trung Quốc định danh loại máy bay này thuộc kiểu 62, cho đến tháng 2/1964, cái tên J-7 mới chính thức được xác định và tồn tại cho đến ngày nay.

J-7 được sản xuất theo dây chuyền công nghệ Mig-21

Việc chế tạo J-7 do cả 3 nhà máy chế tạo máy bay nổi tiếng của Trung Quốc lúc đó là Thành Đô, Thẩm Dương và Quý Châu đồng loạt sản xuất, đến tháng 1/1966, chiếc J-7 đầu tiên chính thức bay thử tại nhà máy chế tạo máy bay Thẩm Dương (hiện là công ty tập đoàn công nghiệp hàng không Thẩm Dương thuộc Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc - AVIC). Từ khi bắt đầu chế tạo cho đến khi chấm dứt cải tiến năm 2006, Trung Quốc đã sản xuất 1500 chiếc với 7 phiên bản gồm 13 loại (một số loại không sử dụng trong lực lượng không quân Trung Quốc mà chỉ dành cho xuất khẩu sang Ai Cập, Iran, Myanmar, Triều Tiên, Pakistan…).

Hiện nay, đa số các loại máy bay đời đầu (I, II, III, A, B, D…) đã bị thải loại, Trung Quốc chỉ còn sử dụng khoảng 500 chiếc J-7 thuộc các phiên bản cải tiến sau cùng E/G/H/M và máy bay huấn luyện JL-7. Cùng với sự ra đời của các loại máy bay chiến đấu hiện đại hơn thuộc thế hệ J-10, J-11, JH-7, những chiếc còn lại đã bị đánh bật khỏi tuyến 1 của  không quân Trung Quốc, trở thành lực lượng dự bị, trực ban sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, làm quân xanh tập luyện…

Mig-21 của Việt Nam bị Trung Quốc coi là kém J-8, 
nhưng đã từng lập những chiến công lẫy lừng mà J-8 không bao giờ đạt được

J-7 là loại máy bay 1 chỗ ngồi, chiều dài 15,75m, sải cánh 7,15m, cao 4,1m; trọng lượng không tải 5,275 tấn, cất cánh thông thường 7,4 tấn, cất cánh tối đa 8,655 tấn (trọng lượng vũ khí 500kg). Nó có thể bay trên độ cao 18km (khi vứt thùng dầu phụ thì có thể lên tới 19,8km); hành trình tối đa 1400km (không có thùng dầu phụ), khả năng bay liên tục trong 1,47h, bán kính tác chiến 600km với vận tốc tối đa Mach2, vận tốc tuần tra 950km/h. J-7 được trang bị 1 khẩu pháo HP30 (cỡ đạn 30mm) và tên lửa không đối không K-13.

Nhìn chung các phiên bản cuối của J-7 có thể tiệm cận tính năng của Mig-21, những vẫn thua kém rất xa các phiên bản Mig-21 cải tiến của Liên Xô sau này, còn những loại đầu tiên chỉ đạt tiêu chuẩn của Mig-19. Trong các phiên bản của J-7 chỉ có những loạt sau cùng do nhà máy chế tạo máy bay Thành Đô (nay là công ty tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô – thuộc AVIC) áp dụng một số công nghệ của Israel là có chất lượng cao hơn được sử dụng cho đến bây giờ. Tuy vậy, các loại máy bay này cũng đã phục vụ trong lực lượng không quân Trung Quốc hàng chục năm, với trình độ công nghệ thấp, thiết bị dẫn đường và điều khiển lạc hậu nên nó gặp tai nạn trong khi bay cũng là điều không lạ.

Ngay cả J-11 cũng còn bị gẫy đôi nói gì đến J-7?

Sự cáo chung của các thế hệ máy bay chiến đấu thứ 3 Trung Quốc.

Hiện nay, ngoài J-7 ra, còn 2 loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 3 đang phục vụ trong lực lượng không quân Trung Quốc là Q-5 (chỉ còn Q-5E) và J-8.

Q-5 là loại máy bay cường kích 1 chỗ ngồi được Trung Quốc cải tiến trên cơ sở máy bay Mig-19 của Nga, sản xuất cùng giai đoạn với J-7. Từ năm 1968 đến khi chấm dứt sản xuất, Trung Quốc đã chế tạo hơn 1000 chiếc Q-5. Loại máy bay này có trọng lượng 11,8 tấn, được trang bị 2 khẩu pháo 23 mm, mang theo 2 tấn bom và tên lửa, riêng hải quân Trung Quốc thường sử dụng loại Q-5 lắp đặt tên lửa chống hạm.

Trong hơn 10 năm qua, lần lượt gần 200 chiếc Q-5 của Trung Quốc đã bị thải loại, để tránh xảy ra sự hụt hẫng quá lớn, 3 năm trước đây, không quân Trung Quốc đã tiến hành cải tạo, nâng cấp lớn loạt Q-5E, lắp đặt thêm hệ thống thiết bị điện tử (thiết bị đo cự li bằng lade, thiết bị hiển thị phía trên đầu phi công, một số máy bay còn được lắp đặt thiết bị ngắm chuẩn giống loại của Mỹ ), phát triển nó thành loại máy bay có thể mang theo các loại bom điều khiển vô tuyến KAB-500Kr (trọng lượng 500kg) do Nga sản xuất vào thập niên 80, ngoài ra còn tích hợp thêm hệ thống dẫn đường GPS của vệ tinh Bắc Đẩu.

Máy bay cường kích Q-5 đã bị chuyển đổi sang mục đích huấn luyện

Tuy vậy, sự cải tiến thế hệ máy bay cũng chỉ có giới hạn của nó, một loại máy bay đã quá cũ không thể chỉ thay đổi một vài tham số mà vụt biến nó thành loại hiện đại được. Sự khập khiễng về kết cấu máy bay, xuống cấp về khung sườn, lạc hậu về hệ thống điện tử và điều khiển là điều Trung Quốc không thể thay đổi được. Chính điều đó đã khiến những cố gắng “cải lão hoàn đồng” của họ trở nên vô nghĩa.

Giữa tháng 11 vừa qua, chuyên trang “Chiến lược” (Strategypage) của Mỹ thông báo, loạt Q-5E sản xuất đợt cuối cùng đã không còn nằm trong biên chế không quân chiến đấu Trung Quốc và được cải tạo thành loại 2 chỗ ngồi sử dụng trong công tác huấn luyện, chấm dứt sứ mệnh lịch sử 44 năm của nó. Thời điểm đào thải của nó đến sớm hơn dự kiến trước đây của Trung Quốc là năm 2020.

Còn J-8 là phiên bản nâng cấp của J-7, được Trung Quốc chế tạo với tưởng định là đối chọi với các loại máy bay tiêm kích bom F-105 và máy bay ném bom tầm trung B-58 của Mỹ. Kế hoạch nghiên cứu phát triển J-8 được nhà máy sản xuất máy bay Thẩm Dương triển khai từ tháng 5 năm 1964 dựa trên nguyên mẫu chiếc máy bay thử nghiệm J-7 đầu tiên (kiểu 62). Đến tháng 7/1968, 2 chiếc J-8 đầu tiên đã hoàn thành, tháng 7/1969 chính thức bay thử, mất thêm 10 năm loay hoay điều chỉnh công nghệ, đến năm 1979 nó mới được định hình thiết kế, bước sang năm 1981 mới đưa vào trang bị trong lực lược không quân.

J-8 bị các chuyên gia quân sự đánh giá không hơn gì nguyên mẫu của nó là J-7

J-8 có chiều dài 21,52m, sải cánh 9,34m, chiều cao 5,41m, trọng lượng cất cánh thông thường 13,85 tấn, vận tốc tối đa 2,2M, tầm bay cao 20km, tầm bay thông thường 1500km, tối đa 2000km với vận tốc tuần tra Mach1, bán kính tác chiến 800km. Về vũ khí trang bị, những kiểu J-8 đầu tiên sử dụng 1 khẩu pháo kiểu 30-1, cỡ đạn 30mm (sau đổi thành kiểu 30-2) và 4 quả tên lửa quốc nội PL-2. Các thế hệ tiếp theo được trang bị tên lửa đối không tầm trung PL-4A/B dẫn đường bằng radar bán chủ động và tên lửa không đối không tầm ngắn PL-2 và PL-5 dẫn đường hồng ngoại, các nỗ lực sản xuất PL-4Z phỏng chế AIM-7B Sparrow của Mỹ không thành công nên loại tên lửa này đã bị loại bỏ. Trên thực tế, chất lượng các loại tên lửa này chỉ ngang ngửa tên lửa K-5 hay còn gọi là RS-1U (NATO gọi là AA-1 Alkali trên Mig-17PM và kém xa tên lửa Atoll của Mig-21. J-8 chỉ trội hơn J-7 một chút về các tính năng cơ học và số lượng vũ khí, còn cơ bản không có khác biệt gì về công nghệ.

J-8 được Trung Quốc tán tụng là có tính năng vượt trội so với Mig-21 của Liên Xô, nhưng trên thực tế, hồi đó công nghệ sản xuất máy bay của Trung Quốc còn quá lạc hậu, họ lại dựa trên mẫu thiết kế J-7 chỉ ngang ngửa với Mig-19 nên dù có cố gắng đến mấy, các kiểu J-8 sau này cũng chỉ chạm tới trình độ của Mig-21 mà thôi. Hơn nữa, các phiên bản của J-8 đều sử dụng động cơ quốc nội, từ WS-6 đến WP-7B có lực đẩy vỏn vẹn 43.150Hp (gia lực mới đạt đến 58.800Hp), còn kém xa động cơ R-11F-300 của Liên Xô về cả tốc độ và độ bền. Thực tế cũng chứng tỏ, J-8 được coi là hiện đại hơn so với J-7 mà số lượng hiện đang sử dụng chỉ bằng hơn nửa của J-7 (300/500 chiếc) và bị đình chỉ sản xuất sớm hơn rất nhiều (1987).

Hình ảnh giống như chiếc J-10 bị gẫy càng này không phải là hiếm nhưng ít khi
xuất hiện trên mặt báo chí Trung Quốc.

Từ thực trạng yếu kém và xuống cấp của các loại máy bay này, tiếp theo sự đào thải của Q-5 và sự cố tai nạn khi huấn luyện của J-7, có thể nhận thấy, thời điểm cáo chung của các loại máy bay này đã điểm. Hiện Trung Quốc còn sử dụng khoảng 1000 máy bay thế hệ thứ 3 (J-7 là 500 chiếc, J-8: 300 chiếc và Q-5 là 200 chiếc). Sự hụt hẫng số lượng máy bay quá lớn trong khi các loại máy bay thế hệ thứ 4 mới chỉ có 800 chiếc sẽ tạo thành cú sốc lớn nhất cho không quân Trung Quốc, phải mất trên 15 năm nữa họ mới bù đắp được số lượng này. Đến thời điểm trước năm 2025, lực lượng không quân chiến thuật Trung Quốc sẽ có một khoảng trống rất lớn không thể lấp đầy.