Hệ thống tên lửa Bastion-P của Việt Nam khiến nhiều nước e dè

ANTĐ - “Hệ thống Bastion với tên lửa chống tàu Yakhont là phương tiện răn đe hữu hiệu, bất kỳ quốc gia nào khi lên kế hoạch tấn công đều phải tính đến nó”.

Đó là phát biểu của ông Anatoly Issaikin - Tổng giám đốc cơ quan xuất khẩu quốc phòng Nga, khi trả lời phỏng vấn với New York Times. Và không chỉ New York Times quan tâm tới hệ thống tên lửa có một không hai này.

Theo Defense-Update, Bastion là hệ thống vũ khí bờ biển hiện đại, được trang bị tên lửa chống tàu siêu thanh Yakhont - biến thể xuất khẩu của tên lửa Oniks. 

Trong thời gian tới, Oniks sẽ là vũ khí chống tàu nền tảng, được trang bị cho hầu hết các loại tàu mặt nước, tàu ngầm hạt nhân của Hải quân hạm đội Nga.

Army Recognition cho biết, năm 2005 Việt Nam đã đặt hàng Nga 2 tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion. Năm 2009 Việt Nam đã tiếp nhận 1 tiểu đoàn tên lửa chống tàu Yakhont. Đây là lần đầu tiên Nga xuất khẩu Yakhont ra nước ngoài. Hai bên cũng đã bắt đầu đặt hàng hệ thống bảo vệ bờ biển di động Bastion-P K300R.

Ngoài Việt Nam, Syria cũng là quốc gia sở hữu tên lửa Yakhont của Nga. Các hợp đồng xuất khẩu các hệ thống có trang bị tên lửa Yakhont cho Syria và Việt Nam chiếm vị trí thứ 4-5 trong danh sách các hợp đồng xuất khẩu quân sự của Nga năm 2011. 

Theo Global Security, tháng 12/2011 Nga đã cung cấp cho Syria hai tổ hợp Bastion theo hợp đồng đã ký trước đó trị giá hơn 300 triệu USD.
 
Các nhà xuất khẩu Nga khẳng định, "hệ thống Bastion sẽ cho phép Syria bảo vệ bờ biển của mình trước mọi cuộc tấn công từ biển". Điều này làm phương Tây, nhất là Israel đứng ngồi không yên. 

Phía Israel đã có những nỗ lực nhằm ngăn cản thương vụ này ở cấp lãnh đạo chính trị cấp cao nhất, nhưng đã không thành công. The Jerusalem Post dẫn lời Trung tướng quân đội Israel Gabi Ashkenazi, nói: "Chúng tôi đánh giá đây là sự phát triển tiêu cực của sự việc, và chúng tôi biết mình phải làm gì".

Đặc biệt là việc Nga cung cấp tên lửa chống tàu Yakhont cho Syria diễn ra đúng vào thời điểm Damacus đang bắt đầu xảy ra khủng hoảng bất ổn. Nếu Asad bị đánh đổ thì số vũ khí tối tân này chắc chắn sẽ rơi vào tay "kẻ thù của phương Tây và Israel" là Hezbola thân Iran và các nhánh phiến quân hồi giáo cực đoan, hoặc các tổ chức khủng bố ở khu vực.

Nhiều nhà phân tích nhận định, Yakhont là một trong những yếu tố then chốt khiến phương Tây ngần ngại trong dự định can thiệp quân sự vào Syria.
 
Trong cuộc phỏng vấn với New York Times, ông Anatoly Issaikin - Tổng giám đốc cơ quan xuất khẩu quốc phòng Nga, nhấn mạnh: "Hệ hống này quả thực là phương tiện phòng thủ tấn công từ biển và trên không tuyệt vời. Tuy nhiên, nó không phải là mối đe doạ, mà chính xác là phương tiện răn đe. Bất kỳ quốc gia nào khi lên kế hoạch tấn công đều phải tính đến nó".

Một đại đội Bastion tiêu chuẩn, bao gồm:

Bốn tổ hợp phóng tự hành К-340R với 2 ống phóng tên lửa chống tàu cho mỗi tổ hợp
Một hoặc hai xe điểu khiển tác chiến
Xe đảm bảo trực ban tác chiến К3242R
Bốn xe vân chuyển-nạp đạn К3242R
Tổ hợp các phương tiện phục vụ kỹ thuật
Tổ hợp huấn luyện, học tập

Một hệ thống Bastion bao gồm:

Các tên lửa trong ống mang phóng
Các tổ hợp phóng
Các xe điều khiển tác chiến
Các xe vận tải tiếp đạn
Máy điều chỉnh đồng bộ thông tin các phương tiện tác chiến với trạm chỉ huy trung tâm
Máy bay chỉ thị mục tiêu

Một số thông số kỹ - chiến thuật cơ bản của hệ thống Bastion:

Thời gian đưa hệ thống vào sẵn sàng chiến đấu từ trạng thái di chuyển - dưới 5 phút
Thời gian làm việc tự động – 5 ngày
Cự ly tối đa đến mục tiêu tính từ bờ - 200 km
Tầm hoạt động tối đa – 300 km
Tầm bay ở độ cao tối thiểu – 120 km
Tốc độ tối đa của tên lửa – 750 mét/giây
Góc phóng – 90 độ
Trọng lượng – 3000 kg
Chiều dài – 8900 mm
Đường kính – 720 mm
Khung gầm MZKT-7930
Tốc độ tối đa của xe 70 km/h
Tên lửa dự trữ tối đa – 24 quả
Tốc độ phóng liên tiếp – 2,5 giây