Áp lực lớn, Mỹ chưa dám “ấn nút” đánh Syria

ANTĐ - Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố giới chức nước này có đủ bằng chứng để buộc Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, tuy nhiên, ông Obama cho biết hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc khai hỏa tấn công vào quốc gia Trung Đông này.

Áp lực lớn, Mỹ chưa dám “ấn nút” đánh Syria  ảnh 1
Anh triển khai tàu sân bay trực thăng HMS Illustrious đến gần Syria


Phát biểu trên kênh truyền hình “PBS Newshour”, Tổng thống Barack Obama cho biết dù quyết định cuối cùng chưa được đưa ra, song Mỹ và các nước đồng minh không loại trừ kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria ở một quy mô hạn chế.  Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa John Boehner đã hối thúc Tổng thống Barack Obama giải trình trước Quốc hội về lý do của cuộc tấn công nhằm vào Syria. Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống Obama mặc dù là Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang và có quyền phát động chiến tranh, nhưng trước đó ông phải lấy ý kiến Quốc hội.  Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennadi Gatilov ngày 29-8 cho rằng hành động kêu gọi can thiệp quân sự vào Syria là sự “thách thức công khai” Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.  Nga cảnh báo sẽ là vội vàng nếu Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra bất cứ phản ứng nào liên quan tới cuộc tấn công vũ khí hóa học gần Thủ đô Damascus trước khi kết quả điều tra được các thanh sát viên LHQ công bố. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đã có cuộc điện đàm để thảo luận về cuộc xung đột ở Syria. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng hành động sử dụng vũ khí hóa học là không thể chấp nhận được, song giải pháp cho cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này chỉ nên bằng con đường chính trị - ngoại giao. Trước những động thái đe dọa can thiệp quân sự của phương Tây nhằm vào Syria, nhiều quốc gia, kể cả người dân ngay tại các nước phương Tây, đã lên tiếng phản đối kế hoạch như vậy, đồng thời kêu gọi tìm ra giải pháp hòa bình cho Syria. Tại London, hàng trăm người đã tham gia một cuộc biểu tình ngay trước dinh Thủ tướng Anh phản đối can thiệp quân sự vào Syria. Tại Pháp, đa số người dân cũng phản đối việc nước này can dự vào cuộc khủng hoảng ở Syria. Nhiều nước tại châu Âu như Bỉ, CH Czech, Áo… đã lên tiếng ủng hộ giải pháp ngoại giao thay cho hành động can thiệp quân sự vào Syria.