Ấn Độ tự tin trước Trung Quốc trong tranh chấp biên giới

ANTĐ - Mấy năm gần đây, Trung Quốc liên tục yêu cầu Ấn Độ phải trao trả phần lãnh thổ tranh chấp Arunachal Pradesh thuộc lãnh thổ phía đông bắc Ấn Độ (phía nam Tây Tạng) mà Trung Quốc tuyên bố là một bộ phận không thể tách rời của khu tự trị Tây Tạng, thuộc chủ quyền của Trung Quốc. 

Đề phòng chiến lược “Tiên chiếm, hậu đàm” của Bắc Kinh

Yêu sách này của Trung Quốc đã kéo dài hàng mấy thập kỷ qua nhưng trong 4 năm gần đây nó đã leo thang ngày càng quyết liệt. Thời gian qua, để từng bước gia tăng sức ép, họ đã ngăn cấm không cho người dân Ấn Độ ở khu vực này sang thăm Trung Quốc. Hành động này của Bắc Kinh đã khiến New Dehli rất tức giận, đây cũng là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy Ấn Độ tăng cường đầu tư cho quốc phòng và hai năm trước họ đã triển khai một kế hoạch 5 năm, chú trọng nâng cao khả năng đối phó với sự xâm lược của Trung Quốc vào khu vực Arunachal Pradesh.

Bản đồ địa lý khu vực Arunachal Pradesh

Arunachal Pradesh nằm trên độ cao hơn 4000m so với mực nước biển, dân số hơn 1 triệu người, phân bố trên một khu vực toàn núi rừng và thung lũng diện tích khoảng 84 nghìn km2. Cả 2 quốc gia này đều không có ý định phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân vì Arunachal Pradesh nên chiến lược “tiên chiếm, hậu đàm” là phương án dễ được Trung Quốc sử dụng nhất, đồng thời Bắc Kinh cũng sẽ tìm đủ mọi biện pháp để khích nộ New Dehli về vấn đề này.

Người Ấn Độ cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng (vài ngày cho đến một tuần) rồi sau đó đưa ra các điều kiện ngừng bắn (có thể là Trung Quốc được sở hữu toàn bộ hoặc một phần Arunachal Pradesh). Đây là thủ đoạn rất ưa chuộng của Bắc Kinh nhằm đặt đối thủ vào thế yếu trong đàm phán và phải nhân nhượng khi sự đã rồi.

Swordfish là radar phòng thủ chống tên lửa đạn đạo của Ấn Độ

Có thể nhận thấy điều này trong chiến lược “gặm nhấm biển Đông” của Trung Quốc khi họ bất ngờ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay ngụy quyền Việt Nam năm 1956 và 1974; tấn công chiếm giữ 6 đảo Chữ Thập, Xu Bi, Gaven, Châu Viên, Gạc Ma, Huy Gơ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, đảo Vành Khăn của Philippines năm 1995… hoặc cuộc chiến biên giới Việt - Trung ngày 17/02/1979.

Ấn Độ hơn Trung Quốc về tác chiến rừng núi

Thế nhưng, dường như Ấn Độ cũng rất tin tưởng họ có đủ khả năng để đối phó với Trung Quốc, một phần nguyên nhân vì Ấn Độ chủ động phòng thủ ở khu vực này, mà thủ bao giờ cũng dễ hơn công, địa hình hiểm trở của “Vạn lý trường thành tự nhiên” là dãy Himalaya sẽ giúp Ấn Độ chiếm ưu thế rõ rệt. Tuy nhiên, ưu thế quan trọng nhất của Ấn Độ chính là kinh nghiệm tác chiến rừng núi họ đúc rút được từ cuộc chiến biên giới với Pakistan năm 1999.

Máy bay dự cảnh Phalcon Ấn Độ mua của Israel.

Không mấy người biết được những kinh nghiệm quý báu của cuộc chiến này đã có ảnh hưởng lớn thế nào đến cuộc cải cách trên quy mô lớn của quân đội Ấn Độ, bởi vì rất ít thông tin được công khai về cuộc chiến Kargil năm 1999. Điều này cũng không quá khó hiểu khi chính địch thủ của Ấn Độ là Pakistan cũng chưa từng thừa nhận vai trò của mình trong cuộc chiến.

Họ một mực phủ nhận và khẳng định Ấn Độ đã đánh nhau với các phần tử khủng bố Hồi giáo đòi độc lập cho Kashmir. Mãi đến năm 2010 tên, tuổi và đơn vị của 453 binh lính thiệt mạng trong cuộc chiến ở Kargil mới được chính thức công khai trên Website của lục quân Pakistan.

Dãy Himalaya trải dài từ Jammu và Kashmir ở phía bắc tới Arunachal Pradesh ở phía đông
tạo thành “Vạn lý trường thành tự nhiên” của Ấn Độ

Còn Trung Quốc đã không động thủ với ai kể từ sau chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979, mà khi đó hình thái chiến tranh khác xa so với chiến tranh hiện nay. 

Bài học Kargil và sự chuẩn bị kịp thời của Ấn Độ

Quân đội Ấn Độ đã đánh bại quân đội Pakistan nhưng khi cuộc chiến bùng nổ, lục quân và không quân của họ cũng bị bất ngờ về tình huống dẫn đến các mặt bảo đảm trang bị, chiến thuật tác chiến và công tác huấn luyện không đáp ứng yêu cầu; sự phối hợp, hiệp đồng giữa 2 quân chủng cũng không ăn khớp, dẫn đến tổn thất 550 binh lính. Tuy quân đội Ấn Độ không đề cập quá nhiều đến những vấn đề bộc lộ trong cuộc chiến 74 ngày ở Kargil nhưng trong suốt 10 năm qua họ luôn quan tâm khắc phục những yếu điểm đó.

Binh lính Ấn Độ đi tuần dọc hàng rào ngăn cách biên giới Ấn Độ - Pakistan

Hệ quả tất yếu sau cuộc xung đột Kargil là lục quân Ấn Độ đã đầu tư mua sắm rất nhiều trang bị công nghệ cao, đổi mới phương pháp huấn luyện, thậm chí thay đổi cả tổ chức biên chế của các tiểu đoàn lục quân. Họ cũng tăng cường tìm tòi các phương án chiến thuật đổ bộ và chống đổ bộ từ trực thăng, đồng thời thăm dò và triển khai đổ quân đóng chốt thêm một số cao điểm ở vị trí hiểm yếu.

Radar mảng pha cơ động dùng để định vị pháo binh và súng cối BEL (WLR) của lục quân Ấn Độ

Không quân Ấn cũng  triển khai hàng loạt hệ thống radar cảnh giới ở dọc biên giới giáp với Trung Quốc, tăng cường mua sắm các hệ thống máy bay chỉ huy và dự cảnh, đồng thời mua sắm rất nhiều máy bay vận tải hạng nặng C-17 của Mỹ để nâng cao khả năng tác chiến đổ bộ đường không.

Đồng thời, Ấn Độ cũng tăng cường xây dựng hệ thống chỉ huy và kiểm soát nhằm duy trì sự hiệp đồng tác chiến liên tục và chặt chẽ của 3 lực lượng hải, lục, không quân. Không quân Ấn Độ còn đi sâu nghiên cứu những tình huống đặc biệt có thể xảy ra trên khu vực sơn địa này để tìm ra các biện pháp huấn luyện phi công.

Sự lo âu của người Trung Quốc

Thời kỳ đầu, động lực cho những cải cách của quân đội Ấn Độ là nhằm tránh xảy ra tình trạng “thắng lợi mập mờ” với Pakistan trong cuôc chiến biên giới 1999. Thế nhưng 9 năm sau, khi Trung Quốc bắt đầu đưa ra các yêu sách lãnh thổ đối với vùng rừng núi phía đông Kashmir này, những cải cách của họ đã bắt đầu cho thấy tác dụng.

Máy bay điều khiển và cảnh báo sớm EMB-145 Ấn Độ mua của công ty Embraer, Brazil

Tuy ban đầu rất lo lắng nhưng sau khi xem xét và đánh giá mức độ chuẩn bị cho cuộc chiến ở khu vực này, Ấn Độ nhận thức được rằng họ đang có những lợi thế to lớn và tiếp tục đẩy mạnh những cải cách nhằm cải thiện khả năng tác chiến sơn địa. 

Còn người Trung Quốc giờ mới đang vội vã đầu tư với phương châm “đi tắt đón đầu” trong lĩnh vực này. Họ đã liên tiếp triển khai các căn cứ trực thăng, tăng cường số lượng UAV trinh sát dọc tuyến biên giới, nâng cao khả năng tác chiến của các lữ bộ binh sơn cước thuộc Đại quân khu Thành Đô và quân khu tự trị Tây Tạng, mở các tuyến đường sắt lên khu vực “nóc nhà thế giới” nhằm tăng cường khả năng hậu cần và chi viện.

IL-76 của Nga được chọn làm máy bay mẹ của hệ thống chỉ huy và dự cảnh

Thế nhưng tất cả những sự đầu tư vội vã này không nằm ngoài sự dự liệu của Ấn Độ và họ đã chuẩn bị sẵn phương án đối phó. Bây giờ, chính người Trung Quốc mới lại phải hoài nghi về quá trình chuẩn bị và khả năng giành chiến thắng của mình trong cuộc chiến bên kia dãy Himalaya.