Trường Sa - nơi hội tụ yêu thương (3):

Vững vàng nơi đầu sóng!

ANTĐ - Lần đầu đặt chân lên cầu cảng để vào xã Đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà thăm chồng đang làm phó chủ tịch xã, chị Trần Thị Thủy có những cảm nhận thật đặc biệt.

Trước khi đến đảo, mặc dù đã được nghe chồng kể rất nhiều về phong cảnh, con người, cuộc sống của quân và dân nơi đảo xa, nhưng, khi được tận mắt ngắm nhìn thiên nhiên và con người ở đầu sóng ngọn gió, chị Trần Thị Thủy Chung vẫn bị bất ngờ trước vẻ đẹp, sự sung túc của xã đảo Song Tử Tây, nơi chồng chị-anh Trần Vũ Lân đang giữ cương vị Phó chủ tịch UBND.

Trong số những phụ nữ ra huyện đảo Trường Sa thăm chồng đợt này, chị Chung là người trẻ nhất, hiện chị đang là sinh viên năm thứ ba Đại học Thủy sản Nha Trang. Anh chị cưới nhau tháng 6 - 2010, khi ấy anh Lân đã ra công tác ngoài đảo được ba năm. Sau ngày cưới, họ chỉ ở bên nhau gần hai tuần để rồi xa nhau trọn một năm. Lúc chờ đón vợ trên cầu cảng, anh Lân cứ bồn chồn đứng ngồi không yên. Và khi được cầm tay dắt vợ từ ca nô lên cầu cảng, vợ chồng Lân cứ quấn quýt bên nhau không muốn rời xa. Lân cho biết: Em ra công tác ở xã đảo Song Tử Tây được 4 năm rồi. Ngày mới ra, xã đảo còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém đời sống bộ đội và nhân dân vất vả, thiếu thốn nhiều.

Rau xanh ở đảo Sinh Tồn Đông 

 Rau xanh ở đảo Sinh Tồn Đông

Nhưng được sự quan tâm chăm lo của nhân dân cả nước, mấy năm gần đây, xã đảo Song Tử Tây cũng như hết thảy các đảo chìm, đảo nổi khác thay đổi nhanh chóng. Doanh trại bộ đội, nhà cửa của dân khang trang. Đảo đã có điện thắp sáng từ hệ thống điện gió và năng lượng mặt trời; có nhà cao tầng kiên cố, có nhiều công trình phục phục đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hoá, thể thao. Đặc biệt, các đảo không còn thiếu nước ngọt bảo đảm sinh hoạt trầm trọng như trước, nhờ các công trình dự trữ nước mưa, và giếng nước lợ; 100% đảo, xã đảo có hệ thống tin di động Viettel, có trạm thu phát sóng truyền hình, có dàn karaoke… chẳng khác gì cuộc sống ở đất liền.

Dạo một vòng quanh xã đảo Song Tử Tây, tôi có cảm nhận, cuộc sống của bộ đội và nhân dân trên đảo chẳng khác đất liền là bao. UBND xã được xây cao tầng, đảo có lớp học dành cho học sinh bậc tiểu học, đảo còn có phòng khám của các bác sỹ quân y không những bảo đảm việc khám chữa bệnh cho quân dân trên đảo, mà còn sẵn sàng khám chữa bệnh, cấp cứu cho ngư dân từ đất liền ra vùng biển đảo Trường Sa đánh bắt, nuôi trồng hải sản. Thượng tá Phạm Văn Hoà, đảo trưởng, kiêm Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây trao đổi nhanh trong khi dẫn tôi ra thắp hương ngoài ngôi Chùa Song Tử Tây được xây dựng khá quy mô: “Trước đây vấn đề thiếu nước sinh hoạt là khổ nhất. Nay, nước sinh hoạt của toàn xã đảo đã được giải quyết, và nhờ vậy công tác tăng gia sản xuất cải thiện đời sống cũng tốt hơn nhiều”.

Bây giờ các đảo đều đã tự túc đủ rau xanh, chủ động nguồn thực phẩm tươi, không chỉ là heo, gà, bò mà còn nuôi trồng và đánh bắt được hải sản trên biển. Gặp Thiếu tá Đặng Văn Hải và Thiếu úy Nguyễn Bá Hương, cặm cụi bên vườn rau xanh trồng trong những ô, những khay nhựa chứa đầy đất và được che chắn công phu, các anh cho biết: “Đây là vườn tăng gia của đội dịch vụ Âu tàu. Mỗi ô, mỗi khay là những loại rau khác nhau, nào là mồng tơi, cải ngọt, bí xanh, bí đao…”.

Khi tôi đang mải mê ngắm nhìn vườn rau xanh tốt của đội dịch vụ Âu tàu, thì gặp chiến sỹ Nguyễn Hữu Diễn, đẩy xe cút kít, trên xe chở nồi cám quân dụng thật to. Dũng cho biết, em đang chuẩn bị cho đàn heo 30 con ăn tối. Chuồng heo ngoài xã đảo xây dựng khác đất liền, do phải che chắn gió bão, và nước biển tạt nên chuồng heo xây thấp tè, bưng kín mít, vậy mà heo vẫn lớn nhanh và heo nái sinh thật nhiều con chẳng kém gì heo nuôi ở đất liền-Dũng nói với tôi thế, rồi em nhỏen miệng cười, đưa ống tay áo lau những giọt mồ hôi chảy dài trên má.

Nuôi heo ở đảo Song Tử Tây 

 Nuôi heo ở đảo Song Tử Tây

Nhờ làm tốt công tác tăng gia, mà hôm đón đoàn công tác và thân nhân tới thăm đảo, quân dân xã đảo Song Tử Tây đã mở tiệc chiêu đãi trọng thể. Xã đảo thịt hẳn con heo to nhất đàn, cộng thêm nhiều loại hải sản tươi bà con ngư dân đánh bắt được trong ngày. Bữa tiệc có đủ các món rau xanh, bí đỏ, rau thơm. Nghe đâu, trước đó đồng chí Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây còn đề đạt nguyện vọng cho mổ cả con bò để chiêu đãi đoàn. Nhưng đồng chí trưởng đoàn công tác ngăn lại, bảo để dành đến những ngày lễ Tết cho bộ đội và nhân dân liên hoan.

Ngay cả trên đảo chìm Đá Nam, không có quỹ đất mà bộ đội vẫn tăng gia được rau xanh. Vườn tăng gia của các anh là những khay nhựa trong chứa đầy đất màu mang ra từ đất liền. Vườn được treo trên dàn cao tránh ngập khi thủy chiều dâng và che chắn thật cẩn thận, nên những khay rau cải ngọt, mồng tơi, rau muống, bí xanh cứ mơn mởn. Thượng úy Kiều Việt Phong, Đảo trưởng báo cáo: “Đảo tăng gia rau xanh bảo đảm mỗi tuần bộ đội có 2 bữa rau luộc, nuôi 24 con gà, vịt mỗi tháng thu gần 100 quả trứng”. Còn ở đảo Sơn Ca, rau củ quả đảo trồng được ăn chẳng hết. Nên lúc đoàn công tác rời đảo, bộ đội hái tặng những trái đu đủ nặng tới hơn một kg, cùng những mớ rau bí, mồng tơi xanh non để đoàn tổ chức ăn trên tàu trong hành trình từ đảo trở về đất liền.

Ngắt quả đu đủ chín vàng, từ trên cây xuống để làm quà cho đoàn công tác, Thiếu úy Nông Tuấn Anh khoe: “Đảo Sơn Ca của em được ví là vương quốc của đu đủ, nhàu, mù u và chim sơn ca đấy anh ạ!”. Tôi thầm nghĩ, có lẽ vì thế lên hòn đảo có hình bầu dục, mỗi năm có tới 300 ngày nắng, được ví là lá chắn vòng ngoài bải vệ sườn phía đông của các tỉnh Nam Trung bộ này có tên Sơn Ca(!). Không chỉ biết tăng gia, bộ đội và nhân dân các đảo và xã đảo còn biết dự trữ rau củ qua, ủ giá để bù đắp trong thời gian trời mưa bão, bảo đảm ngày một tốt hơn đòi sống vật chất nơi đảo xa.

 Ngày mới của ngư dân xã đảo Song Tử Tây

Ngày mới của ngư dân xã đảo Song Tử Tây

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà ngư dân các tỉnh Duyên hải miền Trung, cũng như nhân dân các xã đảo thuộc huyện đảo Trường Sa đã vươn ra khơi xa nuôi trồng đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế biển với thu nhập ngày một khấm khá. Những hộ dân tôi gặp trên các xã đảo Song Tử Tây và Sinh Tồn đã có cuộc sống khá sung túc.

Với bà con, biển đảo chính là quê hương để sinh sống, lập nghiệp và làm giàu. Trong căn nhà khang trang, với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, được xây dựng hướng ra biển, vợ chồng anh Hồ Dương và chị Trương Thị Liền cho biết, anh chị đã có ba con, con lớn Hồ Thị Tuyết Sương hiện đang ở cùng ông bà nội ngoài tỉnh Nghệ An để theo học cấp hai, cậu con trai thứ hai Hồ Xuân My học lớp 3 ngoài xã đảo, cháu út Hồ Song Tất Minh-công dân nhỏ tuổi nhất đảo, tính đến tháng 12 năm 2011 này tròn 16 tháng tuổi.

 

Hiện chị Liền cùng nhiều chị em khác ở xã đảo Song Tử Tây đã được nhận vào làm công nhân hợp đồng lao động tại đảo với mức lương trên dưới 1,5 triệu đồng/người tháng, ngoài ra các hộ còn được hỗ trợ vốn đầu tư mua sắm phương tiện như thuyền mủng, ngư cụ để đánh bắt hải sản. Sản phẩm thu về được tiêu thụ ngay trên đảo. Theo tính toán của các đồng chí lãnh đạo UBND xã đảo Song Tử Tây, thu nhập bình quân một hộ dân (4 nhân khẩu) ở xã mỗi tháng đạt 17 triệu đồng.

Phút thảnh thơi của ngư dân trên xã đảo Song Tử Tây 

 Phút thảnh thơi của ngư dân trên xã đảo Song Tử Tây

Sáng sớm, khi đoàn rời xã đảo Song Tử Tây, tại cầu cảng của đảo, chúng tôi gặp ông Phan Thành Cốc đi mủng ra khơi đánh cá. Ông Cốc hồ hởi khoe: “Hôm qua đi biển về, tớ thu được cả triệu đồng tiền bán cá. Ở ngoài này, mùa đánh bắt, mặc dầu chỉ đi mủng, xa đảo khoảng 2 hải lý thôi nhưng thu nhập mỗi người triệu đồng trong ngày là thường!”.

Được biết, những năm gần đây tại một số đảo, xã đảo trên huyện đảo Trường Sa, đã được đầu tư xây dựng dịch vụ Âu tàu tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trên đảo và cả ngư dân đất liền khi ra ngư trường thuộc huyện đảo Trường Sa nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Âu tàu không chỉ là nơi cho tàu thuyền ngư dân tránh trú bão, mà còn bảo đảm cung ứng nước ngọt, nhiên liệu cùng những nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho ngư dân đi biển dài ngày. Đảo, xã đảo và những âu tàu trên huyện đảo Trường Sa thực sự là chỗ dựa vững chắc của ngư dân các tỉnh Duyên hải miền Trung và Nam Trung bộ...

Cả nước đã và đang hướng về Trường Sa, cùng chung sức, đồng lòng để Trường Sa luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió. Quân và dân huyện đảo Trường Sa cũng vì cả nước mà nỗ lực không ngừng, vượt muôn vàn khó khăn, thử thách, sẵn sàng chấp nhận hy sinh gian khổ xây dựng huyện đảo ngày một vững mạnh về quốc phòng, ổn định về an ninh chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về nép sống, xứng tầm với vị trí tiền tiêu, là lá chắn thép trên sườn Đông của Tổ quốc.