Trời ơi, các nhà báo... rởm

ANTĐ - Một trong những chức năng của báo chí là giám sát xã hội. Vì vậy, báo chí luôn được coi là cơ quan quyền lực thứ tư. Và trong khi, các nhà báo chân chính luôn cẩn trọng sử dụng hợp lý thứ quyền lực vô hình này thì các nhà báo... rởm lại một tấc tới mây xanh, mạo danh, lộng hành, diễu võ giương oai, coi trời bằng vung. Hàng loạt các vụ giả danh nhà báo thời gian qua bị phát hiện đã buộc chúng ta phải đặt vấn đề nghiêm túc về các nhà báo... rởm này.

Đối tượng Nguyễn Thị Minh Tâm


Tống tiền doanh nghiệp

Đây được coi là “chiêu bài” chủ yếu của các nhà báo rởm bị  cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ trong thời gian qua. Thủ đoạn của bọn chúng là bới lông tìm vết, tìm ra những sai phạm nhiều khi chỉ nhỏ như cái kim sợi chỉ của doanh nghiệp để từ đó đe doạ, ép doanh nghiệp chi tiền nếu không những sai phạm đó sẽ được “bê” lên mặt báo. Tâm lý của doanh nghiệp thì lại muốn yên ổn làm ăn, tránh bị mang tiếng nên cái “sai phạm” mà nhà báo rởm đưa ra, kể cả khi chẳng hiểu mình sai gì thường là tặc lưỡi chi tiền cho êm chuyện. Cái tâm lý này vô hình trung đã tiếp tay cho các nhà báo rởm có đất để... làm việc.

Hành vi “cưỡng đoạt tài sản” của nữ nhà báo rởm Nguyễn Thị Nga (tức Nguyễn Thu Nga) sinh năm 1978, trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Đầu tháng 9/2011, Nga cùng với một nam giới đã đến Công ty CP XNK nông sản xuyên Việt có địa chỉ tại Yên Mỹ (Hưng Yên) xưng danh là nhà báo để tìm hiểu thông tin viết bài. Sau khi lấy được số điện thoại của ông Nguyễn Duy Len, Giám đốc công ty, Nga bắt đầu nhắn tin, gọi điện yêu cầu ông Len phải chi 45 triệu đồng nếu không Nga sẽ viết bài đăng báo bêu xấu một số sai phạm tại công ty CP XNK nông sản xuyên Việt. Khi yêu cầu này chưa được chấp thuận, Nga lại tiếp tục hỏi vay ông Len số tiền 200 triệu đồng với lý do cần mua nhà. Khi bị từ chối, thấy ông Len “khó nhằn”, Nga liền quay ra trở giọng yêu cầu ít cũng phải chi 15 triệu tiền bồi dưỡng, xe cộ đi lại cho phóng viên. 15 triệu không có, chỉ có 10 triệu, Nga vẫn gật đầu lấy và khi đang cầm số tiền này trên tay thì bị công an huyện Yên Mỹ bắt quả tang. Bộ mặt của nữ nhà báo rởm này lộ rõ khi kiểm tra hành chính không có bất kỳ loại giấy tờ nào chứng minh Nga là nhà báo.

Mới đây, một ông hội viên Hội Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nam Định là Hồng Quốc Văn (tức Trần Văn Hồng, sinh năm 1953, ở thôn Hữu Bị, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) cũng đã bị khai trừ ra khỏi hội vì là hội viên Hội VHNT không oai bằng hội viên… Hội Nhà báo. Cụ thể, Văn đã cùng với Hồ Thanh (sinh năm 1956, trú tại 46/80 Trần Huy Liệu, phường Văn Miếu, TP Nam Định) giả danh là nhà báo đến trụ sở Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật TP Nam Định. Sau một hồi đò đưa câu chuyện, Văn và Thanh đã giở giọng doạ dẫm, tống tiền với lý lẽ quen thuộc: không đưa sẽ phanh phui sai phạm. Bốn triệu đồng đã được chi ra để hai nhà báo rởm này bỏ qua cho êm chuyện. Đến khi nhận tiền bị công an bắt, hai nhà báo rởm không những bị vạch mặt mà còn nhận thêm cái tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Hù dọa cả chính quyền

Doanh nghiệp “non gan” ngại báo chí đụng chạm, các nhà báo rởm có cửa bắt vía đã đành một nhẽ, đằng này đến ngay cả chính quyền mà cũng không tha thì phải nói là ngả mũ cho cái sự “to gan” của cánh nhà báo rởm này.

Bị đuổi việc khỏi Trung tâm GDTX Hương Sơn (Hà Tĩnh), không hiểu nghĩ gì mà Phan Văn Quý, trú tại xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) lại tự dán mác nhà báo đi doạ chính quyền để... xin tiền. Thủ đoạn của Quý là dùng giấy giới thiệu giả, mạo danh phóng viên đến hàng loạt các xã trong địa bàn huyện Hương Sơn để vòi tiền, nhận phong bì. Lạ là hầu hết nạn nhân của Quý là các quan đầu xã chứ không phải đùa. Thôi thì nhà báo mấy khi xuống địa phương, huyện miền núi đi lại vất vả, xã nào không ít thì nhiều cũng có chút quà (tiền) gọi là bồi dưỡng phóng viên.

 Chỉ đến khi cơ quan công an triệu tập, lấy lời khai của Phan Văn Quý, bộ mặt lừa đảo, mượn danh nhà báo của Quý mới bị vạch trần. Chính quyền các xã lúc này mới tỉnh ngộ, đơn thư tố cáo Quý tới tấp gửi về. Tấm thẻ thông hành cho Quý khi đi tác nghiệp là những tờ giấy giới thiệu của một tờ báo pháp luật có địa chỉ ngoài Hà Nội được cấp sai quy định mà không hiểu do đâu mà Quý có. Nhờ nó mà Quý ung dung “chiến đấu” tuyên truyền, chống tiêu cực khắp nơi. Nếu cơ quan công an không sớm vào cuộc, không hiểu sẽ còn biết bao nạn nhân của nhà báo rởm Phan Văn Quý này.

Đỉnh điểm của các vụ việc giả danh nhà báo lợi dụng, đe doạ, thách thức cơ quan công quyền, phải kể đến trường hợp của Nguyễn Thị Minh Tâm (SN 1981, HKTT tại Đội 7, xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình; đang thuê trọ tại Mễ Trì Hạ, huyện Từ Liêm) vừa bị vạch mặt trong tuần qua. Thị Tâm nổi tiếng ngông cuồng là vì vừa mới hôm trước bị Công an huyện Từ Liêm tạm giữ để làm rõ hành vi giả danh nhà báo, chưa kể kết quả xét nghiệm nước tiểu của Tâm còn dương tính với chất ma tuý. Vậy mà hôm sau khi thị cùng người tình đi xe không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, nồng độ cồn vượt quá mức cho phép bị tổ công tác của CATP Hà Nội bắt giữ, thị vẫn lớn tiếng xưng danh nhà báo, rồi gọi điện cho đồng chí Giám đốc CATP giới thiệu là phóng viên một tờ báo pháp luật vu khống tổ công tác hành hung công dân trên đường. Trong khi “nạn nhân” là người tình của thị vẫn đang điên cuồng chống đối, thách thức lực lượng thì hành nhiệm vụ đến nỗi người dân chứng kiến vụ việc cũng cảm thấy bất bình.

Xin nói rõ, thị Tâm đang là một kẻ thất nghiệp, trước đây có cộng tác với  bộ phận quảng cáo của báo Đời sống & Pháp luật. Lợi dụng danh nghĩa này, Tâm đã thường xuyên giả danh phóng viên gọi điện quấy nhiễu, làm phiền lãnh đạo CATP, để đứng ra can thiệp, xin giảm nhẹ mức phạt cho các đối tượng vi phạm luật giao thông. Hành vi này của Tâm đã được CA huyện Từ Liêm làm rõ: Tâm không phải nhà báo. Việc thị khai là phóng viên là giả mạo. Cháy nhà ra mặt chuột, ngoài hành vi giả danh nhà báo, kết quả xét nghiệm nước tiểu còn cho thấy Tâm sử dụng ma tuý. Chứng cứ giả danh nhà báo sờ sờ ra đó, thế mà tại cơ quan công an, Tâm vẫn hống hách xưng danh phóng viên hết báo này đến báo nọ, rồi liên tục gọi điện kêu là đang gọi cho lãnh đạo CATP để hù dọa. Ngoan cố đến mức như vậy có lẽ là hiếm có trong giới nhà báo rởm. Hiện đối tượng này đang bị tạm giữ chờ xử lý.

Vì sao nhà báo hay bị mạo danh?

Cùng với sự phát triển của xã hội thì vai trò của báo chí cũng ngày càng được coi trọng, đề cao. Lợi dụng thế mạnh đó, các đối tượng giả danh nhà báo không ngần ngại sử dụng mọi thủ đoạn để… tác nghiệp. Nếu như trước đây, mới chỉ phổ biến việc mạo danh nhà báo để kiếm phong bì ở các buổi họp báo, hội thảo... thì nay, các đối tượng này ngày càng táo tợn, trắng trợn, hù dọa, gây sức ép vòi vĩnh tống tiền doanh nghiệp và nhiều cơ quan Nhà nước, lấy danh nghĩa nhà báo lừa đảo các cá nhân, tổ chức. Rõ ràng đây là những hành vi vi phạm pháp luật và làm tổn hại, ảnh hưởng tới những người làm nghề báo một cách chân chính.

Nhưng đằng sau những cái sai đó của các phóng viên rởm đôi khi lại vô tình có sự tiếp tay của chính các cơ quan báo chí và những người làm báo. Hiện có một số cơ quan báo chí đang sử dụng nhân viên truyền thông làm quảng cáo và cấp giấy giới thiệu là phóng viên đến liên hệ công tác. Thậm chí, nhiều tờ báo liên kết với các công ty truyền thông bên ngoài nhưng lơ là quản lý, vô tư ký khống giấy giới thiệu để các nhân viên của công ty truyền thông liên kết, tự tung tự tác đi tác nghiệp,thời hạn của giấy giới thiệu... muốn ghi sao thì ghi. Hậu quả là có không ít tòa soạn đã phải nhận “quả đắng” với đội ngũ “phóng viên” kiểu này.

Về vấn đề này, tự chủ tài chính là hướng đi đúng đắn đối với mỗi toà soạn trong cơ chế thị trường. Nhưng làm đủ mọi cách để tìm kiếm nguồn thu thì cần phải xem xét lại. Cần phải rạch ròi phóng viên là chỉ làm nghề, chứ không làm quảng cáo. Việc ghi chức danh trên giấy giới thiệu cứ theo đó mà thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Không thể đánh tráo khái niệm giữa hai nhiệm vụ này, tránh kẽ hở cho các nhà báo rởm lợi dụng. Bản thân đội ngũ phóng viên làm nghề hiện nay cũng cần phải xem lại mình khi có không ít người trong quá trình tác nghiệp cũng có thái độ hống hách, chưa đúng mực, doạ nạt vòi vĩnh, tạo ra một “thói quen” xấu về cái nhìn của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị Nhà nước đối với báo chí. Và bản thân các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị Nhà nước cũng cần xem lại cái thói quen “sợ” phóng viên mỗi khi bị phát hiện sai phạm. Chính cái “thói quen” xấu đó đã tạo cơ hội cho các nhà báo rởm hình thành cái trò tìm điểm yếu, tìm sai phạm để... moi tiền.