Tôi đi viết về gái điếm

ANTĐ - Nhiều người bạn nói tôi bị đời “ném” vào hang ổ gái điếm để rồi có cả mớ chất liệu để viết. Thực sự, những năm tháng đi tìm kiếm chất liệu, những cô gái bán hoa đã cho tôi cái “vốn” để viết, cũng cho tôi những hiểu thêm về rất nhiều thân phận những con người ở chốn cực cùng, ở dưới đáy xã hội. Từ đó tôi có cuốn tiểu thuyết “Gái điếm” ra mắt bạn đọc và rất nhiều truyện ngắn khác viết về những cô gái bán hoa này.

Ảnh minh họa

Viết về gái điếm

Năm 2006,  tôi viết một mạch xong truyện ngắn “Những cô điếm trong đời”. Truyện này dùng làm bài thi định kỳ ở lớp Viết văn (Khoa Viết văn, ĐH Văn hóa), được thầy tôi - nhà văn Sương Nguyệt Minh cho điểm 10. Sau đó truyện đến tay nhà văn Phong Điệp, biên tập viên Báo Văn nghệ trẻ. Chị chọn in hai kỳ trên báo. Có người bạn gái đọc được, gọi điện hỏi tôi: “Anh đang viết về cái kinh nghiệm mình trải qua đấy hả?

Đọc truyện của anh, em suýt khóc. Hóa ra họ cũng rất đáng thương không như em đã nghĩ trước đó về những cô gái bán hoa, rằng cuộc đời của bọn họ chỉ đáng lên án, việc làm của họ là bỉ ổi. Truyện của anh làm em có cách nghĩ khác. Có một người hiểu tôi như vậy cũng là may mắn. Phần lớn những người đọc truyện tôi viết về gái điếm đều hỏi để thỏa chí tò mò: “Chắc tay này vào chỗ đó lắm nên hiểu cặn kẽ thế”. Nói chung họ đọc và chỉ nghĩ được rằng, tôi viết được như thế là vì tôi đã đi tìm những cô gái này nhiều lần, chứ không nghĩ được tôi viết vậy để làm gì và tôi muốn nói điều gì trong đó.

Sở dĩ tôi hiểu được thân phận những cô gái điếm là vì tôi trực tiếp sống bên họ, làm việc cùng họ, chứng kiến những đau khổ họ trải qua. Thậm chí, tôi còn có thời  gian làm việc cho một nhà nghỉ, tôi từng phải điều những cô gái đi khách. Sau khi rời khỏi nhà nghỉ,  tôi vẫn tìm lại những cô gái bán hoa để hiểu thêm họ, để làm những bài viết. Và, tôi đã viết ra tiểu thuyết “Gái điếm”. 

Rất nhiều bậc đàn anh đi trước, những người bạn tâm giao ủng hộ công việc của tôi. Viết về gái điếm, tôi không chỉ nhìn thấy công việc họ làm, cái sự nhớp nhơ họ phải chịu. Thế còn phần người của họ đâu? Những cô điếm cũng là con người.

Tôi từng tâm sự với một cô điếm có trình độ hẳn hoi, tốt nghiệp đại học. Cô nói: “Gái điếm cũng có văn hóa của gái điếm. Cũng có luật, có “đẳng cấp” có “nghiệp vụ”. Cô này lên tiếng bênh vực cho những kiếp người như cô, và tôi thấy cô có lý.

Cô bảo: “Nghề của chúng em tuy có nhớp nhơ đấy nhưng đời này lắm kẻ mũ cao áo dài cũng nhớp nhơ chẳng kém. Làm điếm vẫn phải lao động, phải trả giá, phải mất cái lớn lao đó là nhân phẩm. Chúng em phải trả giá. Cái giá đấy không rẻ đâu. Nó là cái giá mà chúng em phải trả cả cuộc đời đấy!”

Viết về những đối tượng này, phải hiểu họ, chẳng thể đặt bút là cứ thoải mái đả kích, như muốn giết họ đến nơi, hoặc cứ lên tiếng nói đạo đức dạy đời. Nhiều người có kiểu viết như vậy, ngồi một chỗ viết, bịa đặt thêm những tội lỗi của những cô gái điếm, rồi lên tiếng dạy họ, cũng tỏ ra thông cảm, muốn họ trở về đường sáng mà thực ra có biết làm gì để giúp họ đâu. Hoặc, chỉ đứng ngoài rồi kêu gọi, khoắng lên, còn mình thì rảnh rang.

Thực tình, tôi đã gặp những cô gái điếm lương thiện, bị xô đẩy vào con đường tối. Cô thương mẹ đến nỗi phải hy sinh chính bản thân mình để cứu mẹ, lo cho bố. Bước đường cùng khiến cô phải đưa chân. Không làm vậy thì mẹ cô sẽ chết. Mà có đứa con nào muốn mẹ mình chết.

Viết về đối tượng nhạy cảm này không phải dễ, và không phải bao giờ cũng được chấp nhận. Nếu viết chỉ để viết, để kiếm vài đồng nhuận bút thì chẳng nói làm gì. Nhưng viết có trách nhiệm với ngòi bút, với nhân vật, xã hội, con người, với lòng hướng thiện và tính nhân văn thì người viết phải luyện cho mình sự rung cảm cần thiết.

Câu nói “đừng nghe gái điếm kể khổ” hoàn toàn sai. Tôi cho rằng nếu cứ lạnh lùng để cái suy nghĩ này tồn tại trong đầu thì khó có bài viết đi đến tận cùng của những số phận. Nghề viết đôi khi không chỉ bằng ngòi bút mà phải bằng cả sự cảm nhận của con tim là vì thế.

Những va quệt với nhân vật 

Tiểu thuyết “Gái điếm” được tôi viết ra rất nhanh. Những tình tiết và chi tiết, tôi đã nằm lòng từ lâu. Khi ngồi vào bàn con chữ cứ thế chảy tràn. Nhưng tôi thực sự đã viết khi tỉnh, vì thế nhân vật họ cãi lại tôi đã không viết cho thật về họ, rằng họ còn đau khổ hơn thế. Nhưng thực sự, tiểu thuyết của tôi đã làm nhẹ bớt những những đau đớn mang tính thô thiển, thậm chí có phần bẩn thỉu của cuộc đời gái điếm.

Bởi vì tôi làm văn chương, cuốn “Gái điếm” với tôi là một ý niệm về nghề gái điếm, là một sự đồng cảm, cùng đau với nỗi đau của nhân vật. Nhân vật trong tiểu thuyết “cãi” lại tôi không phải vì họ ghét tôi, cũng chẳng vì bất đồng ý kiến. Mà bởi vì tôi có ý thương họ, đồng cảm với họ. Mà một vài cô gái thì quá tự ti, nói đời mình có gì để mà thương xót, để mà cảm thông.

Thuỷ, cô gái từng được tôi rất quý nói rằng: Tôi không phải moi móc họ mà có thiện tâm với họ. Tôi đã sống cùng họ, ăn cùng họ và chứng kiến những ngày tiếp khách chóng mặt, những buổi nằm vật vã vì không có khách, rồi những tiếng khóc thét của một cô gái nào đó vừa nhận được tin đau đớn từ gia đình, hoặc nhận được điện thoại vòi tiền của chồng, tôi bỗng nhận ra những điều mà xã hội nên thông cảm, nên hiểu cho những thân phận này. Có cô gái đi làm gái bán hoa để nuôi chồng, có người vì muốn kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ và có người lại muốn trốn chạy khỏi gã chồng vũ phu và tất nhiên cũng có những người lêu lổng.

Có một chi tiết mà mãi về sau này tôi vẫn không thể nào quên về cô. Cô tên Yến. Một lần chồng cô xuống thăm, nhà nghỉ cho mượn một phòng để hai vợ chồng ở với nhau. Bữa trưa, lại dọn một mâm cơm để hai vợ chồng ăn. Khi có khách quen gọi Yến, gã chồng liền đẩy Yến mau chóng xuống tiếp khách. Tôi thấy đau đớn quá, gã chồng là loại người gì mà sống bằng những đồng tiền vợ bán thân, là con thú biết nói hay sao mà nhẫn tâm đẩy vợ xuống bán thân(?).

Ôi xã hội lắm loại người, lại có loại người hèn nhát đẩy vợ đi, thật chẳng thể nào hiểu nổi. Sau này, khi Yến biết mình bị “bê” lên mặt giấy, cô chỉ nói: “Anh đưa em lên làm gì, đời em đã chẳng còn gì để mất nữa rồi...”.

Tôi đi nhiều, tiếp xúc nhiều. Chẳng ít cô gái điếm vì lý do nào đó đã biết số phận cô được lên mặt giấy do tôi viết, liền gọi điện dọa nạt, dù trong bài viết tôi đã cố gắng đổi tên. Cô nhận ra thế nào được nhỉ, vì thậm chí, đến cái tên của cô khi hành nghề cũng là tên giả, là cái tên khá mỹ  miều dùng để hành nghề. Họ uất ức vì cảm thấy mình làm nghề này đã đủ nhục nhã, lại bị đưa lên mặt giấy, phơi bày cho thiên hạ biết.

Có cô gái cá tính cực mạnh, mỗi lần đọc được bất kể bài nào viết về gái bán hoa, cô đều phản ứng gay gắt dù tất cả những bài đó không nói về cô. Cô như cảm thấy mình bị xúc phạm, cái nghề của mình bị xúc phạm. Vâng dù các cô coi đó là một nghề, thì cũng là một thứ nghề không nên bước vào đó, các cô điếm ạ (!)

Nhưng cũng thi thoảng tôi lại nhận được điện thoại của những cô gái bán hoa thông tin cô này sinh con trai, cô kia sinh con gái, chồng họ đối xử rất tốt. Họ đã giũ bỏ mặc cảm để đi về một con đường khác.