Tiểu đoàn Bình Ca và lời thề danh dự

ANTĐ - Bình Ca, tên một bến nước trên sông Lô bỗng dưng thành phiên hiệu một đơn vị quân đội: Tiểu đoàn Bình Ca. Mang tên ấy là vì Tiểu đoàn 42 Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308 đã lập những chiến công đầu tiên trên dòng sông Lô lịch sử. 

Tiểu đoàn Bình Ca tiến vào Thủ đô qua cầu Đuống ngày 8-10-1954

Tôi nhắc đến Tiểu đoàn Bình Ca bởi lịch sử đã ghi danh những người về Hà Nội đầu tiên bảo vệ các mục tiêu và bảo vệ nhân dân trong vai trò một đơn vị vệ binh theo tinh thần Hội nghị quân sự Việt Pháp tại Trung Giã. Tháng 8-1954, Đại đoàn quân Tiên Phong 308 được giao nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô. Tiểu đoàn Bình Ca đã tới các vị trí Pháp đóng quân để bảo vệ nhân dân và tài sản chung, không cho chúng phá hoại hoặc mang theo khi rút đi, chuẩn bị đón đại quân về lại Hà Nội. Hành trang mà các anh mang vào thành phố ngoài khẩu các bin Tuyn chiến lợi phẩm theo đề nghị của phái đoàn Pháp, còn có những cây chổi để nếu cần, bộ đội sẽ góp phần làm sạch sẽ khang trang thành phố trong những ngày đầu tiên tiếp quản Thủ đô. Chính trị viên tiểu đoàn Vũ Huy Hậu được đồng chí Trần Giác - Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn Thủ đô giao nhiệm vụ dẫn Tiểu đoàn Bình Ca gồm 214 đồng chí tiến về tiếp quản Thủ đô. Đúng 8h sáng 8-10-1954, Tiểu đoàn Bình Ca đã có mặt ở phía bắc cầu Đuống.  Một hạ sĩ quan của Pháp ra mời đơn vị của ta lên cầu. Lễ đón chính thức đoàn quân chiến thắng trở về được tổ chức trên cầu Đuống. Viên Đại uý người Pháp vô cùng ngạc nhiên khi thấy chiến sĩ ta còn quá trẻ, đa số tuổi mười chín, đôi mươi, cả Chính trị viên tiểu đoàn mới 26 tuổi nhưng ai cũng mang hào khí của người chiến thắng. 

Không thể để người Pháp trao trả chúng ta một Hà Nội tan hoang, xơ xác, rỗng tuếch nên việc đầu tiên, Bình Ca đã sớm có mặt tại những vị trí mục tiêu cần thiết. Vào cuộc chiến thầm lặng mới, Tiểu đoàn Bình Ca quyết tâm bảo vệ đến cùng Thủ đô yêu dấu giữ nguyên được 35 trọng điểm an toàn trong hai ngày gay go ấy để đón chờ Đại đoàn 308 tiến vào tiếp quản. Các chiến sĩ ta phải hết sức kiềm chế khi gác cùng với quân lính Pháp tại 35 trọng điểm, kiên quyết không cho chúng phá máy móc, đốt hoặc lấy tài liệu mang đi. Tuyệt đối không được nổ súng, nếu cần thiết phải hy sinh để đảm bảo an toàn cho cuộc tiếp quản. Tiểu đoàn Bình Ca được vinh dự thực hiện lời thề “Ra đi hẹn ngày về” của Trung đoàn Thủ đô khi rút qua sông Hồng lên chiến khu ngày 17-2-1947. Ngày 10-10-1954, Hà Nội rợp cờ hoa. Đèn trên phố vẫn sáng, vẫn tàu điện chạy với tiếng leng keng quen thuộc, nhà máy nước vẫn hoạt động, các trọng điểm được bảo vệ an toàn tuyệt đối...

Đó là những kỷ niệm khó quên của những người lính Bình Ca đã góp phần bảo vệ thành phố và chống dồn dân di cư, một chiến công thầm lặng trong những ngày tiếp quản Thủ đô.