Tiếng lóng trong học đường

 (ANTĐ) - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa internet cũng như văn hóa nước ngoài, giới trẻ đang khiến tiếng Việt trải qua một thời kỳ biến đổi mạnh mẽ. Nhiều người đã không thể hiểu nổi “ngôn ngữ 9X” hiện nay.

Tiếng lóng trong học đường

 (ANTĐ) - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa internet cũng như văn hóa nước ngoài, giới trẻ đang khiến tiếng Việt trải qua một thời kỳ biến đổi mạnh mẽ. Nhiều người đã không thể hiểu nổi “ngôn ngữ 9X” hiện nay.

Hồn nhiên tuổi học đường Ảnh: Ngọc Quý
Hồn nhiên tuổi học đường                               Ảnh: Ngọc Quý

Tiếng nói chuyển mình cùng thế hệ

Một trong những cách giới trẻ làm mới ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày là dùng các loại từ như tính từ, danh từ, động từ… có chứa từ cần nói để nhấn mạnh hoặc tạo tính hài hước cho cuộc giao tiếp của mình, ví dụ như “a kay”, “chim cú”, “cá trê”… Để khen một ai đó nhiều tiền, giới trẻ hay dùng từ “thầu giầu nhỉ”!. Thấy một người đi xe máy luồn lách trên phố, một cậu bé bình luận: “Xà lách tởm không?”. Cũng theo cách sử dụng ngôn ngữ này, nhiều trường hợp bị sử dụng một cách thô tục. Kiểu như hỏi bạn bè đã ăn cơm chưa lại thành “Mày đớp chưa”?… Hỏi thăm sức khỏe người lớn thì: “Bác thấy sức khoẻ có ngon không?”…

Chỉ có một số tiếng lóng được sử dụng thông dụng, thường xuyên. Trong nhiều trường hợp, những tiếng lóng được dùng nhiều trong một nhóm chơi, là tín hiệu để bạn bè nhận ra nhau và còn là cách để họ thể hiện sự thân ái. Tên gọi cũng có nhiều cách biến đổi khiến người lớn phải bật cười. Ngay cả trong công sở, những người trẻ cũng thường có những cách nói bỗ bã, sử dụng tiếng lóng, kiểu như: “Chào đại ca, chiều nay đội hình mình đi làm tí máu nhỉ (ăn tiết canh động vật)” hay: “Này, đang ở đâu, “lết” đến “chuồng” tao rồi đi “hít”, bắn mấy bi nhé (ý muốn rủ bạn sang cơ quan rồi đi uống nước, hút thuốc).

Không ít các bậc phụ huynh lo lắng và “không thể nào hiểu nổi” về ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu thì sự ra đời của những tiếng lóng này có nguồn gốc và nhìn nhận dưới góc độ khoa học thì đó là quá trình phát triển tự nhiên không chỉ của ngôn ngữ mà còn là của xã hội và thế hệ cũng như tâm lý lứa tuổi. Tất nhiên, hiện nay giới trẻ đang dùng tiếng lóng theo cách thô tục không ít và đó là hiện tượng cần chấn chỉnh nhưng có một số cách nói có thể chấp nhận được trong giao tiếp hàng ngày.

Người lớn cũng không nên “vơ đũa cả nắm”, gây sự ức chế và biến giới trẻ thành “cụ non”. Nhưng cần phải xác định rõ cho con em mình giới hạn giữa cách nói vui thông thường và thô tục. Giới trẻ đã bước sang một thời kỳ khác, sự thay đổi của ngôn ngữ là hệ quả của sự thay đổi xã hội. Với việc giao tiếp ngày một dễ hơn, các rào cản cũ dần bị phá bỏ, việc giới trẻ thêm thắt để ngôn ngữ trở nên sinh động là điều dễ hiểu. Ngoại trừ những ngôn ngữ thô tục, cũng cần phải nhìn nhận rằng những loại sáng tạo ngôn ngữ kiểu kết hợp khiến cho giao tiếp của giới trẻ sinh động hơn nhiều.

Theo GS.TS Đinh Văn Đức (Khoa Ngôn ngữ học, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) thì ngôn ngữ là công cụ giao tiếp quan trọng nhất của con người, dùng để truyền đạt và trao đổi thông tin nên nó phục vụ nhu cầu và lợi ích xã hội. Chính vì ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, nên nó luôn biến đổi theo xã hội, theo thời gian. Bằng chứng là qua rất nhiều thế kỷ thì tiếng Việt đã biến đổi rất nhiều, ngôn ngữ của thế kỷ XX khác với các thế kỷ XIX, XVIII và ngôn ngữ của thế kỷ XXI không nằm ngoài quy luật này. Sự thay đổi đó mang tính tất yếu.

Tấm phên hai mặt

Nếu coi sự thay đổi về ngôn ngữ của giới trẻ là một tấm phên có hai mặt thì mặt thứ hai của nó chính là những ngôn ngữ bậy bạ, gây xúc phạm đến người khác và điều đó khó tránh khỏi, cũng như trong xã hội có người tốt kẻ xấu vậy. Vấn đề là cần nhận biết để loại dần mặt xấu. Với lượng dân số phát triển mạnh như hiện nay, các phương tiện giao tiếp không ngừng đổi mới thì việc thay đổi ngôn ngữ chính là yếu tố giúp duy trì giao tiếp trực tiếp một cách thường xuyên và sinh động: “Nó giúp ngôn ngữ phong phú hơn và phục vụ nhu cầu cuộc sống tốt hơn, đặc biệt là nước ta sau đổi mới, đời sống xã hội thay đổi nhiều, phát triển nhanh và nhiều kể cả vốn từ, lối nói, phong cách giao tiếp” - GS.TS Đinh Văn Đức bình luận.

Trong một bữa tiệc, giới trẻ thường tìm đến nhau để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp của những người “cùng hội cùng thuyền” chứ ít khi chịu ngồi với các cụ già. Sự khác nhau về nhu cầu giao tiếp khiến họ không còn muốn sử dụng loại ngôn ngữ giao tiếp cũ mang tính khách sáo. Người trẻ sống nhanh hơn, kết bạn nhanh hơn nên cách nói cũng suồng sã hơn, năng động hơn. Sự sáng tạo trong ngôn ngữ giao tiếp đóng một vai trò quan trọng giúp mọi người xích lại gần nhau, tạo cảm giác mới mẻ để nhìn nhau không thấy… chán.

Cũng theo GS.TS Đinh Văn Đức thì mặt trái của hiện tượng này là tính tự phát và không có kiểm soát nên gây ra sự bức xúc trong xã hội. Nhà trường, thông tin đại chúng là những kênh thông tin giúp giới trẻ ý thức được sự thay đổi theo hướng tốt đẹp. Nhà phê bình, PGS.TS Đỗ Lai Thuý thì cho rằng, nếu coi đó là một hiện tượng văn hoá thì khắc nó sẽ có cơ chế tự điều chỉnh. Có thể giới trẻ 10X sau này sẽ không còn dùng ngôn ngữ mà thế hệ 8X, 9X đang dùng nữa. Họ sẽ tự gạn lọc, chỉ dùng một số ngôn ngữ có sức sống dai dẳng của thế hệ đi trước mà thôi và rồi tự sáng tạo ra hệ thống ngôn ngữ lóng mới cho riêng mình.

Nhiều nhà ngôn ngữ học đều nhất trí rằng việc sử dụng tiếng Việt pha với ngoại ngữ là một hiện tượng nên tránh. Tiến sĩ Tâm lý, bác sĩ chuyên khoa Tâm thần Lương Cần Liêm (Giảng viên trường ĐH Paris 13, Pháp) cho rằng một ngôn ngữ không thay đổi là một nền văn minh, văn hoá không biến chuyển. Chúng ta nên cổ vũ các bạn trẻ sáng tạo. Ngôn ngữ nào cũng có sự thay đổi, biến chuyển. Đó là sức sống của ngôn ngữ…

Dù nhìn với con mắt nào thì cách biến chuyển ngôn ngữ trong giới trẻ là một sự phát triển tự nhiên không né tránh được, thời đại nào cũng có. Vấn đề là nó được đón nhận thế nào và giải quyết thế nào mà thôi!

Nam Việt

(Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ-ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN )