Tết buồn của mẹ Nguyễn Đức Nghĩa

Hơn 50 năm đón Tết, có lẽ đây là cái Tết buồn thảm nhất đối với mẹ tử tù Nguyễn Đức Nghĩa. Nói đến chuyện đón Tết, bà không ngăn được tiếng nấc: “Một năm hai người ra đi thì Tết tôi không buồn sao được”.
>>>Tết biệt giam của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa

Tết buồn của mẹ Nguyễn Đức Nghĩa

Hơn 50 năm đón Tết, có lẽ đây là cái Tết buồn thảm nhất đối với mẹ tử tù Nguyễn Đức Nghĩa. Nói đến chuyện đón Tết, bà không ngăn được tiếng nấc: “Một năm hai người ra đi thì Tết tôi không buồn sao được”.
>>>Tết biệt giam của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa

Tết buồn của người đàn bà bất hạnh

Sau phiên phúc thẩm, Nguyễn Đức Nghĩa phải nhận mức án tử hình. Nhiều người thấy bản án dành cho hắn là thích đáng, nhưng đằng sau tội lỗi mà Nghĩa đã gây ra, người ta cảm nhận sâu sắc nỗi đau của người đã mang nặng đẻ đau ra Nghĩa.

Dịp Tết đến cũng là lúc mà nhà nhà đều hân hoan với niềm vui đoàn tụ, nhưng với bà Chuân cái Tết này có lẽ là cái Tết buồn thảm nhất trong cuộc đời.

Sau khi ông Hùng, chồng bà qua đời, Nghĩa thì lĩnh án tử, chị gái Nghĩa đã cố gắng thuyết phục mẹ lên Hà Nội ở với mình cho bớt cô quạnh. Ở nhà với đứa cháu nhỏ cũng làm bà Chuân nguôi đi phần nào nỗi đau đớn mà trong suốt thời gian qua bà đã phải gánh chịu.

Ở trên Hà Nội với con gái, bà Chuân cũng được gần Nghĩa hơn, tiện hơn cho việc thăm nom con trai ở trong tù. Mỗi tháng bà đều ngóng đến ngày được đi thăm con, mỗi lần như vậy bà đều chuẩn bị sẵn sẽ dặn dò con những gì, nói sao cho con yên dạ để không vì quẫn trí mà làm liều. Thế nhưng, mỗi lần nhìn thấy con, bà đều khóc nhiều hơn là nói. Lòng người mẹ thấm đau khi hai mẹ con chỉ cách nhau gang tấc mà bà không thể chạm vào đứa con trai tội lỗi.

Qua màn kính chắn, qua chiếc điện thoại nhỏ, ngày vào trại thăm con tháng 1 vừa rồi, bà Chuân lại nghẹn ngào khi Tết này hai mẹ con không thể đoàn tụ. Bà chỉ có thể mang đến ít không khí Tết cho Nghĩa bằng việc mang theo áo rét để gửi cho con, mua thêm chút thực phẩm và nhu yếu phẩm ở căng tin trại giam để gửi vào cho Nghĩa.

“Nó thương mẹ không có tiền nên cũng không đòi hỏi gì, chỉ nói mẹ gửi gì vào cho con cũng được vì con biết hoàn cảnh kinh tế nhà mình chẳng khá giả gì”, bà Chuân nghẹn ngào nói.

Nhìn người mẹ giờ chỉ như cái xác không hồn, Nghĩa dặn mẹ cố giữ gìn sức khỏe. “Nó thấy mình có lỗi nên nói với tôi rằng, con chính là người gây ra cái chết cho bố nên giờ mẹ phải giữ gìn sức khỏe chứ mẹ có mệnh hệ gì con biết làm sao”.

Và như những lần được gặp gia đình trước đây, Nghĩa không ngớt nói lời xin lỗi với mẹ, với chị gái. Theo lời kể của bà Chuân thì qua hai hàng nước mắt, Nghĩa nói: “Gia đình mình thế này, tất cả đều do lỗi tại con, chỉ mong mẹ và gia đình tha lỗi cho con”.

Được gặp mẹ, Nghĩa dặn bà Chuân dọn lên ở với chị gái. Bà Chuân nghe lời con đã chuyển lên Hà Nội ở, nhưng bà cho biết, chỉ là ở tạm thời để tiện chăm nuôi Nghĩa thôi chứ còn đối với bà thì “nhà tôi có thì tôi ở, nhà có mà để như cái nhà hoang thế tôi nào có đành lòng. Tôi ở nhà con gái ngày nào biết ngày đó thôi”, cố ngăn tiếng nấc, bà Chuân chia sẻ.

“Thôi thì đành phó thác cho giời”

Tổ ấm của gia đình bà từ khi Nghĩa bị bắt đến nay giờ đã tan tành khi chồng thì chết, con thì chờ ngày thi hành án tử. Lên ở với con gái, chìa khóa nhà bà gửi tạm hàng xóm để hàng ngày những người hàng xóm tốt bụng lại sang quét dọn và thắp cho ông Hùng ngọn nến (nhà bà Chuân theo đạo).

Cận kề Tết, nhưng bà cũng chẳng có tâm trí nào mà chuẩn bị gì. Bà buồn rầu cho biết, đến sát Tết bà sẽ về Hải Phòng một mình để vong linh ông Hùng đỡ hiu quạnh.

“Con gái thì nó cũng phải về bên nhà nội nó trước đã chứ, rồi sau đó mới về với mình được”, lời bà Chuân.

Qua câu chuyện, bà cho biết, sức khỏe bà từ sau lần bị tai nạn giờ đã khá hơn, không còn đau nhức khắp mình mẩy nữa.

Và dường như bà đang dần chấp nhận với sự thật rằng Nghĩa khó có thể thoát được tội chết. “Án ma túy chẳng hạn thì người ta còn cân nhắc nhiều để xem xét lại các tình tiết trong vụ án chứ như thằng Nghĩa gây án giết người như vậy thì chắc sẽ khó lòng được Chủ tịch nước xem xét đến đơn xin ân giảm”, lời đau đớn của bà Chuân.

Bà cũng xác định rằng, nhiều lắm là bà chỉ có cơ hội được gặp con trong vòng một năm sau khi tòa phúc thẩm tuyên án.

Và có lẽ là nếu không biết chấp nhận thì một người phụ nữ vốn từ trước đến nay chỉ quen với việc nội trợ, chăm sóc chồng con như bà không biết phải làm gì hơn. “Thôi thì đành phó thác cho giời”, bà Chuân thở dài nói.

Nhưng không chỉ riêng gì bà Chuân không có Tết, giờ này chắc hẳn gia đình ông Ba cũng đang đau đớn đón một cái Tết thiếu đi tiếng cười, bàn tay chăm lo cho gia đình của cô con gái lớn, người đã bị Nghĩa sát hại một cách tàn bạo và gây rúng động dư luận trong năm qua.

Theo VietnamNet