Sống nhờ cá chép đỏ

(ANTĐ) - Làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) không chỉ được biết đến với nghề nuôi cá giống mà còn là nơi cung cấp cá chép đỏ làm “phương tiện” tiễn ông Táo về trời. Năm nào cũng vậy, độ giữa tháng Chạp (âm lịch), người dân ở Thủy Trầm lại tất bật tát ao, gom cá và đưa cá đi tiêu thụ khắp các tỉnh miền Bắc.

Sống nhờ cá chép đỏ

(ANTĐ) - Làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) không chỉ được biết đến với nghề nuôi cá giống mà còn là nơi cung cấp cá chép đỏ làm “phương tiện” tiễn ông Táo về trời. Năm nào cũng vậy, độ giữa tháng Chạp (âm lịch), người dân ở Thủy Trầm lại tất bật tát ao, gom cá và đưa cá đi tiêu thụ khắp các tỉnh miền Bắc.

Từ 4 con cá giống

Nghề cá có ở Thủy Trầm tính đến nay cũng ngót nghét 50 năm, tuy nhiên nghề nuôi cá chép đỏ chỉ được chừng hơn hai chục năm. Ông Hà Công Kỷ, một hộ nuôi cá lớn trong làng cho biết: “Đây là vùng bán sơn địa nên không có nhiều ruộng để canh tác, trước đây mỗi khẩu chỉ được giao có 12 thước (chưa đầy 1 sào). Do ít ruộng nên người dân chủ yếu làm rau giống và nuôi cá giống. Có thể nói Thủy Trầm là làng có số hộ nuôi cá lớn nhất và sớm nhất miền Bắc. Toàn xã Tuy Lộc có hơn 400 hộ dân thì có đến hơn 2/3 số hộ có ao nuôi cá chép đỏ, trong đó Thủy Trầm là thôn có số hộ nuôi nhiều nhất. Nhiều gia đình còn tận dụng cả diện tích ruộng khô cằn, khó trồng hoa màu để đào ao thả cá”.

Để tìm được người đầu tiên mang cá chép đỏ về Thủy Trầm không mấy khó khăn. Đó là ông Trần Văn Sáu mà người làng quen gọi là ông Sáu Hiền, năm nay đã ngoài 70 tuổi làm nghề lái cá giống. Khi hỏi về “hành trình” của những con cá chép đỏ đầu tiên, ông Sáu kể: “Cách đây hơn 20 năm, tôi còn nhớ lúc ấy là trước khi Nhà nước đổi tiền. Giống như những lần đi mua cá giống khác, hôm ấy tôi đạp xe gần 150 cây số xuống Hà Tây. Đi nhiều nơi, nhưng lần đầu tiên nhìn thấy con cá chép đỏ là ở một gia đình gần Trạm Trôi (Hoài Đức-Hà Tây). Trong một khoang ao nhỏ của gia đình nuôi cá giống có thả mấy chục con cá toàn thân đỏ chót, lúc ấy tôi hết sức ngạc nhiên vì chưa bao giờ nhìn thấy loại cá này”.

Nhấp ngụm trà, ông Sáu chậm rãi tiếp tục câu chuyện: “Thấy giống cá rất lạ và đẹp nên tôi hỏi mua, nhưng gia đình này không có ý định bán mặc dù trả giá khá cao. Năn nỉ mãi, cuối cùng họ cũng bán cho 4 con, mừng như bắt được vàng. Khi mang về nuôi, trong làng có người thích thú vì những con cá thân mình đỏ chót cũng có người cho rằng đó là cá ma vì chưa ai nhìn thấy cá chép đỏ bao giờ. Cho tới khi gây được cả ao chép đỏ và bán được giá hơn hẳn các loại cá khác thì mọi sự hoài nghi mới tan biến, nhiều nhà đến xin giống về nuôi”.

Bây giờ, ở Thủy Trầm nhà nào cũng có ao nuôi cá chép đỏ, gia đình nào nuôi nhiều được khoảng 2 tạ, còn những gia đình nuôi ít cũng vài chục cân. Tính ra cả làng cung cấp cho thị trường hơn chục tấn chép đỏ mỗi năm. Ông Kỷ cho biết: “Sau khi hết vụ nuôi cá giống, khoảng tháng 5, các hộ trong làng mới bắt đầu thả cá chép đỏ. Như vậy thời gian nuôi đến thời gian thu hoạch quãng nửa năm, tuy nhiên thu hoạch và đem bán chỉ trong vòng một vài ngày. Số tiền lãi từ nuôi cá chép đỏ cũng đủ để sắm cái Tết tươm tất”.

Gia đình ông Nguyễn Công Kỳ là một trong những hộ nuôi nhiều cá chép đỏ nhất làng

Gia đình ông Nguyễn Công Kỳ là một trong những hộ nuôi nhiều cá chép đỏ nhất làng

Niềm vui ngày Tết

Theo phong tục cổ truyền của người Việt, 23 tháng Chạp hàng năm là ngày mọi nhà tiễn ông Táo lên chầu trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong một năm đã qua. Ngày này, trên bàn thờ được bày 3 chiếc mũ bằng giấy tượng trưng cho 2 ông 1 bà và không thể thiếu 3 con cá chép làm “ngựa” để đưa “vua bếp” về trời. Sau khi cúng, mũ được đốt còn cá chép được mang ra sông, ra hồ để thả.

Từ giữa tháng cho đến trước ngày ông Táo về trời một ngày, người dân Thủy Trầm tất bật với công việc thu hoạch cá chép đỏ. Trong làng lúc nào cũng nhộn nhịp, tiếng máy bơm tát ao chạy ẫm ĩ cả ngày, tiếng cười nói, í ới gọi nhau dường như không lúc nào dứt. Những ngày này, thương lái từ khắp nơi đổ dồn về Thủy Trầm để thu mua cá chép đỏ. Trên đường làng, ôtô, xe máy chạy nườm nượp chở cá đi tiêu thụ.

Ông Sáu cho biết: “Trước khi đem đi xa, cá chép đỏ được đưa vào lồ ép với số lượng cả nghìn con mỗi mét vuông. Làm như vậy để cá quen với môi trường, đủ khỏe để mang đi xa mà không bị chết. Lúc đóng túi nilon để vận chuyển cá phải thường xuyên lắc mạnh và bơm đủ oxy. Hoàn thành những công đoạn ấy thì có thể mang lên tận Lạng Sơn, Cao Bằng hay đi xa hơn nữa mà không phải lo lắng”.

Cá chép đỏ hầu như năm nào cũng được mùa nhưng chưa khi nào mất giá vì cung luôn không đủ cầu. Giá bán ngay tại bờ cũng được khoảng 50.000-60.000 đồng/kg, còn vận chuyển đi các tỉnh bán thì cũng được 80.000-120.000 đồng/kg. Sau khi thu hoạch, một phần được bán cho thương lái, một phần sẽ được chính người dân làng mang đi tiêu thụ khắp miền Bắc, từ Hà Giang, Tuyên Quang cho đến Hà Nội, Nam Định, Hải Dương…

Ông Nguyễn Đức Minh, một hộ nuôi kiêm thu mua cá chép đỏ cho biết: “Tiêu chuẩn để đánh giá cá đẹp là phải có màu đỏ toàn thân, trên mình không có đốm đen hay đốm trắng. Do được dùng để cúng lễ trong ngày ông Công, ông Táo nên những con cá to vừa phải và có màu đỏ đẹp sẽ được nhiều người lựa chọn“.

Anh Tú