Số phận cay đắng của cây cổ thụ nghìn năm

ANTĐ - Đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông (Huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), xung quanh có đại ngàn bao phủ, phía trước đền là dòng sông Hồng. Với dáng dấp kiến trúc của đền chùa truyền thống, góc mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật. Các cột đền được làm bằng gỗ tứ thiết, được sơn son thếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm. Đây là ngôi đền có lịch sử hàng nghìn năm và đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Theo Đại Nam nhất thống chí, đền Đông Cuông thờ Cao Quan Đại Vương, húy là Thổ Lệnh và Thạch Khanh, đã có công chu du thiên hạ, tìm phương thuốc quý để chữa bệnh cho nhân dân. Đến khi mất lại rất linh ứng, ngầm theo để giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, được nhân dân suy tôn, Vua gia phong là “Thần vệ quốc” và đã hóa thân thành Mẫu Thượng Ngàn, là người mẹ của vũ trụ. Năm 1258, nghĩa quân của tướng Hà Đặc sau khi thắng trận đã tập kết quân tại đền Đông Cuông và tổ chức mổ trâu khao quân. Từ đó các lễ hội cử hành ở đền Đông Cuông bao giờ cũng cúng trâu. Theo truyền thuyết cũng năm đó tướng quân trồng ở lối vào đền một cây đa, cây đa còn sống đến ngày nay. 

Chúng tôi đến thăm đền vào ngày     1-5-2013. Con đường hơn 50km từ TP Yên Bái đến đền Đông Cuông nhỏ và đầy ổ gà, ổ voi, lượn qua những đèo những dốc, hiếm có đoạn nào xe đi được trên 30km/giờ. Tuy nhiên, đến cách đền khoảng 1km, bỗng nhiên đường được mở rộng thành đường đôi, giữa có giải phân cách trồng đầy các loại hoa, đẹp lạ kỳ. Ngôi đền khang trang giữa núi rừng. Chính ở đây chúng tôi đã được nghe những câu chuyện kỳ lạ và bi thảm của cây đa có 800 năm tuổi trong đền Đông Cuông.

Cây đa linh thiêng

Theo bà Nguyễn Thị Hải năm nay đã trên 70 tuổi sống gần đền thì cây đa này là cây linh, nơi trú ngụ của hai vị thần hộ pháp bảo vệ đền thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Thật ra cây cổ thụ khổng lồ có đường kính gần 10m này gồm hai cây, một cây đa và một cây si.  Ngày trước, trâu bò thường thả rông trong rừng, ai mất trâu, mất bò cứ ra cây cổ thụ này khấn, tự nhiên trâu bò lại tự trở về với chủ. Ngày nay, nhiều người mất của đến cây khấn cũng tìm lại được. Chính vì vậy dân sống xung quanh đền không dám chặt cành chặt cây hoặc làm ô uế xung quang cây đa. 

Cách đây hai năm, tự nhiên cây có vẻ suy yếu, nhiều cành ngã rụng, đến cuối năm 2012 cây cổ thụ chỉ còn lại một thân cây khổng lồ, một thân cây cao vút trên 20m, trên ngọn cây chỉ còn hai cành đường kính cỡ 60cm vươn ngang hàng chục mét và một ngọn cây nhỏ đang cố vươn cao. Đáng chú ý do cả hai cành ngang đều rất lớn và nặng lại bám vào thân cây cổ thụ mặc dù lớn nhưng đã mục ruỗng lõi nên khả năng cả hai cành lớn này sẽ gãy rụng xuống là rất lớn. 

Số phận bi thảm của cây cổ thụ 

Trông thấy cây đa cổ thụ đã rỗng ruột lại gánh trên mình hai cành khổng lồ, không chỉ khách thập phương đến đền lễ thánh lo lắng, bà con quanh vùng lo lắng mà cả Ban quản lý di tích đền Đông Cuông cũng lo lắng. Nhiều cuộc họp đã diễn ra, các vị lãnh đạo tỉnh , huyện, các vị lãnh đạo cơ quan văn hóa địa phương đều lo lắng. Một đơn vị của ngành tài nguyên môi trường đã đưa nhiều chuyên gia cứu cây đến khám bệnh cho cây, một dự án cứu cây cổ thụ xứng đáng là cây di sản quốc gia đã được lập ra với chi phí 200 triệu đồng. Nhưng hai năm đã trôi qua hợp đồng cứu cây vẫn chưa ký kết được, và dĩ nhiên cây cổ thụ gần nghìn năm đứng chơ vơ trong sự lo lắng của bao người. Và nó không chờ được nữa. Ngày 24-4-2013, một cành ngang lớn hướng về phía đền đã gãy gục xuống.

Khi chúng tôi tới đền Đông Cuông, cành ngang đã được cưa gọn xếp ngay dưới cổng vào đền. Chỉ một cành ngang thôi mà sau khi cưa  cũng có vài khối gỗ.  Cây cổ thụ bây giờ trông thật dị thường. Chỉ một cơn gió mạnh thổi ngang nữa, cành cây cuối cùng sẽ rơi xuống.

Một người xin không nêu tên trong Ban quản lý di tích đền Đông Cuông bức xúc: Cũng chỉ vì đền Đông Cuông là Di tích lịch sử quốc gia mà chúng tôi không cứu được cây cổ thụ nghìn năm này. Vì là đền được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vì vậy mọi sự tu bổ lớn nhỏ đều phải làm thủ tục xin ý kiến tỉnh, thậm chí Bộ VH-TT&DL mới được lập dự án, phê duyệt dự án… nghĩa là đủ thủ tục hành chính, theo đúng quy trình. Chính vì vậy nhiều việc cần làm ngay nhưng chờ xong thủ tục thì mọi sự đã hỏng rồi. Việc cứu cây đa cổ thụ này cũng vậy. Sau khi có ý kiến đồng ý từ Sở VH-TT&DL tỉnh Yên Bái từ năm 2009 huyện đã lập dự án cứu cây đa. Một công ty Nhà nước hẳn hoi đã lên thăm dò, lên phương án cứu cây. Phương án đệ trình chỉ tốn có 200 triệu đồng… Nhưng vẫn không ký được hợp đồng vì các cơ quan yêu cầu công ty nọ phải cam kết thời hạn chữa bệnh cho cây. Nếu sau một thời gian cây vẫn ở tình trạng ốm yếu, công ty phải trả lại tiền. Nghe thấy vậy công ty đó bỏ của chạy lấy người luôn. Thế rồi việc cứu cây cũng không ai quan tâm nữa. 

Ra khỏi cửa đền, nhìn cây cổ thụ nghìn năm, thấy cành ngang gió thổi lắc lư như cánh tay cầu cứu. Chúng tôi cũng đành quay mặt đi. Chợt nghĩ đến Chùa Một cột ở Thủ đô, tượng Phật đội nói tránh mưa đã 4 năm rồi mà còn chưa biết đến bao giờ chùa mới được tu bổ khẩn cấp. Nghĩ mà thương cho các di tích, nghĩ mà giận các thủ tục hành chính.