Siêu trộm cắn nát ngón tay để thề không giở trò hai ngón

ANTĐ - Từng là một siêu trộm khét tiếng tại đất Quảng Trị, có biệt tài móc túi, bẻ khóa, từng “khoắng” mất bịch tiền của người sau này sẽ làm vợ. Rồi đến khi vào tù, người vợ ấy đã có lúc phải bán máu để thăm nuôi chồng. Biết được những chuyện ấy, siêu trộm đã cắn vào ngón tay trỏ đến dập nát, với lời thề bàn tay này sẽ vĩnh viễn không bao giờ vấy bùn, quay đầu hoàn lương làm một lão nông hiền lành chân chất.

Cái ngày tôi bước chân vào con đường ấy…

Ngay cả đến bây giờ, khi đã trở thành một người nông dân đàng hoàng chất phác với nương với rẫy của mình, nhưng những ngày tháng một thời từng ngang dọc chọc trời khuấy nước hành nghề trộm cắp vẫn là những ngày tháng khó gột sạch trong trí nhớ của người đàn ông có tên là Hoàng Đình Dũng (51 tuổi, trú Quảng Trị). Rót một chén nước chè xanh, ông Dũng kể lại chuyện xưa từng ám ảnh trong mỗi giấc ngủ của mình mà chua chát: “Tôi cũng chẳng nhớ nổi mình “mót” được cái nghề ấy ở đâu nữa, chỉ biết là mỗi lần hành động thì không có gì qua được tay tôi. Cách đây hơn 20 năm thì cũng chẳng mấy người có nhiều tiền để mình giở trò hai ngón đâu, nhưng tôi vẫn rủng rỉnh tiền bạc để sống nhờ cái nghề xấu xa ấy!”.

Cuộc đời ông Dũng cũng bi đát như  nhiều hoàn cảnh khác ở miền đất đạn bom nhiều hơn gạo lúa lúc mới giải phóng này. Ông sinh ra ở mảnh đất Quảng Trị nghèo thắt ruột, với những ký ức buồn. Bố mẹ ông chết trong một lần đi làm ruộng vì không may cuốc trúng mìn, năm ấy ông mới 10 tuổi nhưng đã trở thành một đứa trẻ mồ côi. Không còn cha mẹ, ông được ông bà nội đưa về nuôi. 

“Thời đó, tất cả người dân Quảng Trị quê tôi đều làm nghề nhặt bom đạn để bán phế liệu. Cái nghề nhặt bom giúp người ta dễ kiếm được cái ăn hơn, nhưng bạc như vôi, chỉ cần không may, cuốc nhầm vào một quả lựu đạn còn thuốc là nắm chắc cái chết. Chết đau đớn, nhưng nhanh lắm, nhanh đến nỗi mà tôi nghĩ chắc chính họ cũng không kịp nhận ra là mình đã chết. Ông bà nội tôi cũng nghèo, đưa tôi về sống cùng, ông bà càng nghèo hơn. Thế là ngày ngày, tôi cùng ông bà lại đi lượm lặt xác bom đạn để đổi lấy miếng cơm!”, ông Dũng xót xa nhớ lại ký ức tuổi thơ của mình. Một buổi chiều muộn, như thường lệ ông bà nội vẫn đi nhặt lựu đạn thì đoàng một cái, ông bà nội cũng chết. Chỉ trong tích tắc, ông Dũng đã mất thêm 2 người thân cuối cùng và chính thức trở thành một đứa trẻ không nơi nương tựa. “Chôn cất ông bà xong, tôi bỏ nhà đi và không bao giờ quay trở lại nữa. Lang thang phiêu bạt khắp nơi, cuối cùng tôi gia nhập nhóm trẻ bụi đời, lang thang trên đường phố Đà Nẵng, chật vật tìm đủ mọi cách để kiếm sống. Cuộc sống bờ bụi không ai giáo dục khiến nhiều đứa trẻ bụi đời như tôi bị vứt ra lề đường và trở thành tội phạm. Tôi không bao giờ quên cái ngày tôi bước chân vào con đường ấy: Bữa đó, chẳng kiếm được gì ăn, tôi nhịn đói cả ngày. Lang thang mãi, đến lúc đói rát cả ruột, tôi nhìn thấy mấy cái bánh rán thơm phức bày trong cái tủ kính nhỏ. Ứa nước miếng vì thèm, tôi liều mình mon men đến gần, đợi lúc chủ hàng không để ý rồi mở cửa kính cầm bánh chạy, vừa chạy vừa ăn. Cảm giác ăn cái bánh đó đến giờ tôi vẫn nhớ, nó ngon đến mức tận lúc này tôi vẫn mường tượng ra mùi vị đó, đến mức mà sau này, dù có lúc được ăn sơn hào hải vị, tôi cũng chưa bao giờ thấy ngon như lúc ấy. Cái bánh rán đó đã khiến tôi bắt đầu bước vào con đường trộm cắp!”, ông Dũng hồi tưởng buồn buồn.

Ban đầu chỉ là trộm cắp những thứ vặt vãnh như cái bánh, trái hoa quả, sau thì là móc túi, lấy ví tiền, đồ đạc quý, dần dần đứa trẻ mồ côi lang bạt kia cứ lún sâu dần vào con đường phạm tội. Đến năm 20 tuổi, đứa trẻ đó đã nổi tiếng giang hồ với biệt danh Dũng “siêu trộm”, với thành tích bẻ khóa, đột nhập các ngôi nhà vắng chủ hoặc chủ đang say ngủ và khoắng hết mọi thứ có giá trị. Đến mức mà, cái việc ăn trộm với gã giang hồ này đã không còn đơn thuần chỉ là kiếm sống mà là một thứ “đam mê” để chứng tỏ bản lĩnh, “thành tích” siêu trộm của mình. Ban ngày, gã đi lang thang trong chợ, móc ví của các bà, các cô. Ban đêm, đi tìm những ngôi nhà sơ hở nhất để đột nhập. Cứ triền miên trộm cắp như thế, gã trộm cắp không còn là kẻ lang thang nghèo khó nữa mà đã có chút của để dành. Và rồi năm 25 tuổi, gã đã gặp người phụ nữ mà sau này gã phải mang ơn suốt cả cuộc đời, bởi nếu không có người phụ nữ ấy thì chẳng biết đến bao giờ gã mới rút tay ra khỏi những tháng ngày tội lỗi đó, cho đến tận bây giờ ông vẫn không ngẩng đầu lên mà sống được với mọi người.

Người vợ bán máu thăm nuôi chồng 

Ông trầm ngâm kể lại chuyện gặp người vợ mình trong một tình huống vô cùng hy hữu khi đang lang thang “hành nghề”: “Buổi gặp đầu tiên ấy, vợ tôi đã trở thành nạn nhân của tôi. Vợ tôi đi làm thuê thôi. Tôi “tăm tia” cô ấy, vì thấy lúc nào cô ấy cũng khư khư giữ một cái bịch gì đó trong túi áo mà tôi đoán chắc là tiền. Tôi theo dõi và thấy sau khi nhận tiền công làm thuê, cô ấy ngồi phệt xuống đường, mở bịch tiền ra, cẩn thận xếp vào đó từng đồng tiền cáu bẩn, rồi lại đếm đếm, xếp xếp, vừa làm vừa cười hạnh phúc. Lúc đó, tôi thấy nụ cười ấy đẹp lắm, vừa dễ thương, vừa tội tội. Nhưng là một tên trộm chuyên nghiệp, tôi không cho phép mình ủy mị vớ vẩn như thế. Tôi đi theo cô ấy và chẳng khó để nhón được cái bịch đó mà cô ấy hoàn toàn không hay biết!”.

Ngày hôm sau ra cảng, ông lại gặp cô gái ấy với ánh mắt thất thần, đi lại dật dờ như một người mất hồn. Tối đó về xóm trọ, ông không sao ngủ được, cứ nhớ lại cái nụ cười của người con gái ấy lúc xếp tiền, rồi lại nhớ đến ánh mắt dại đi vì đau đớn buổi sáng ấy. Hôm sau, ông tìm rồi đưa trả lại cô ấy bịch tiền. Ông bảo nhặt được nó, nhưng tìm mãi không thấy cô ấy để trả. Cô gái ấy ngây thơ đến nỗi lí do ông đưa ra buồn cười như thế mà vẫn tin. Cô gái ôm lấy ông rồi ríu rít cảm ơn rồi lại cười tươi như hoa, nụ cười hồn nhiên lúc ấy bỗng nhiên khiến ông rung động. Lang thang bao nhiêu năm, lần đầu tiên ông mới cảm thấy xúc động trước một người con gái như thế. Người phụ nữ ấy mời ông về xóm lao động nghèo nơi đang ở để chơi, rồi bảo rằng đó là toàn bộ số tiền dành dụm với ước mơ xây cho mẹ già ở quê cái nhà nho nhỏ, vậy mà suýt bị mất nhưng may quá có người mang trả. Nghe người phụ nữ ấy nói như thế, ông xấu hổ quá chẳng dám kể hết sự thật. 

Sau lần gặp lại ấy thì hai người yêu nhau, rồi họ lấy nhau sau đó một tháng. Hai vợ chồng vẫn sống ở cái xóm lao động nghèo đó. Ông chuộc lỗi với vợ bằng cách đưa tiền cho cô ấy về sửa nhà cho mẹ. Nhưng người vợ ấy hoàn toàn không hay biết đó là những đồng tiền không sạch sẽ, vợ ông càng vì thế mà yêu thương ông hơn.

Có vợ, ông từ bỏ cuộc sống vất vưởng, nhưng nghề trộm cắp thì không bỏ được. Ông vẫn tham gia vào một đường dây trộm cắp xe máy liên tỉnh và thực hiện hàng loạt vụ trộm lớn ở các tỉnh miền Trung. Băng nhóm của ông thường tăm tia những ngôi nhà có xe xịn nhất rồi tìm cách bẻ khóa, đột nhập vào nhà rồi mang xe đi tiêu thụ. Có đêm, băng trộm ông “nhẩy” được một lúc 5, 6 chiếc xe, chia nhau được mấy cây vàng. Có tiền, ông bắt đầu bị những kẻ cùng hội cùng thuyền lôi kéo vào những thói hư tật xấu. Bao nhiêu tiền kiếm được, ông mang đi bao gái, chỉ mang về cho vợ một phần nhỏ. Vợ ông hoàn toàn không hay biết về nghề nghiệp của chồng, vẫn tin đó là những đồng tiền mồ hôi nước mắt, nên rất căn cơ, tiết kiệm. Ngay cả lúc mang thai đứa con đầu lòng, vợ ông vẫn đi làm thuê ngoài cảng, dù ông nói thế nào cũng không chịu nghe. Khi đứa con trai đầu lòng của ông được 5 tháng tuổi thì ông bị bắt. Đến lúc đó, vợ ông mới biết chồng mình là một tay trộm chuyên nghiệp. Lần đầu tiên đưa con lên thăm chồng, người vợ cứ khóc mãi. Đến lúc ấy ông mới thú nhận với vợ tất cả mọi chuyện, kể cả chuyện chính ông đã ăn trộm bịch tiền của vợ lúc gặp lần đầu. “Tưởng rằng lúc ấy vợ tôi sẽ hận lắm, thế mà cuối cùng cô ấy vẫn tha thứ. Vợ tôi còn trẻ, mà tội tôi nặng lắm, nên tôi bảo cô ấy cứ bỏ tôi đi lấy người khác, nhưng vợ tôi không nghe. Cô ấy vẫn một lòng chờ tôi. Hơn 10 năm trời tôi ở tù, đều đặn mỗi năm 3, 4 lần, vợ tôi lại đưa con lên thăm chồng. Mỗi lần vợ lên thăm, tôi lại thấy cô ấy gầy mòn đi một chút, xanh xao đi một chút, những lúc đó, thương vợ, giận bản thân mình, tôi thấy lòng đắng ngắt!”, ông Dũng chua chát kể lại mọi chuyện. Có nhiều lần ông được vợ lên thăm, thấy vợ xanh xao quá trời, ông hỏi bệnh gì thì vợ cứ chối, bảo vẫn khỏe. Ai dè đứa con của ông hồn nhiên bảo mỗi lần khi đi thăm nuôi chồng, vợ ông thường đi bán máu để lấy tiền mua quà. Lúc đó mặt ông chẳng biết là nên cười hay nên khóc.

Ông hạnh phúc vì có một người vợ hiền bao nhiêu, thì lại thêm dằn vặt vì mình đã làm khổ vợ bấy nhiêu. Kể từ đó, dù vợ ông vẫn đều đặn lên thăm nuôi, nhưng ông không lấy tiền nữa. Ông cấm vợ bán máu, dọa là nếu còn làm thế sẽ tự tử trong tù. Vợ ông sợ quá, từ đó mới không làm chuyện dại dột đó nữa. “Vợ tôi thất học, nhưng được cái hiền lành, thật thà. Có lần đi xem bói, ông thầy bói bảo tôi bị người ta đặt bùa, nên mới sinh tật ăn cắp, vợ phải giải hạn bằng cách tự đánh vào tay mình cho đến lúc chồng ra tù, thì chồng mới bỏ được tật ăn cắp. Nói thế mà vợ tôi tin thật và nhất quyết làm theo. Liền mấy năm trời, sáng nào vợ tôi cũng dùng roi mà đánh vào tay mình, đánh nhiều và đau đến nỗi tay lúc nào cũng bầm tím. Thấy tay vợ bỗng nhiên bị tím, tôi gặng hỏi mãi mới biết nguyên nhân. Nghe vợ nói, tôi ứa nước mắt vì thương vợ, tôi vừa khóc vừa bảo vợ là không phải làm thế nữa, tôi đã hết bị “bùa” rồi và nhất định sẽ trở thành một người lương thiện!” - ông Dũng cười đau đớn khi kể lại mọi chuyện. 

Sau khi ra tù, ông đã cắn dập ngón tay trỏ của mình, tự hứa với lòng sẽ không quay lại con đường cũ. “Ra tù, tôi nhất định không quay lại nghề trộm cắp. Tôi cũng nhất quyết sống một cuộc đời lương thiện, kiếm đồng tiền lương thiện, để bù đắp cho vợ con những thiếu thốn, thiệt thòi mà tôi đã gây ra!” ông Dũng tâm nguyện như thế. Bây giờ với sự cố gắng của mình, ông đã làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng, mảnh ruộng của ông tuy không rộng, nhưng cũng đủ cho vợ chồng con cái ông sống một cuộc sống bình dị, êm đềm. Hơn lúc nào hết, ông vẫn ghi tạc trong lòng mình hình ảnh người vợ tảo tần. Bởi nhờ có người phụ nữ tuyệt vời ấy mà ông mới có ngày hôm nay.