Phức tạp tội phạm người nước ngoài

(ANTĐ) - “Tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài đang xuất hiện nhiều và ngày càng phức tạp”, đó là nhận định mới đây của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an.

Phức tạp tội phạm người nước ngoài

(ANTĐ) - “Tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài đang xuất hiện nhiều và ngày càng phức tạp”, đó là nhận định mới đây của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an.

Lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện vụ vận chuyển hàng cấm qua đường biển
Lực lượng chức năng Việt Nam phát hiện vụ vận chuyển
hàng cấm qua đường biển

Liều lĩnh và manh động

Theo đánh giá của Tổng cục Cảnh sát về phòng chống tội phạm, thời gian gần đây, nổi lên các hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia, bọn tội phạm núp dưới danh nghĩa các công ty trong nước hoặc công ty nước ngoài để phạm tội. Buôn bán phụ nữ trẻ em từ Việt Nam ra nước ngoài để khai thác tình dục; một số băng nhóm tội phạm ở nước ngoài cấu kết với băng nhóm tội phạm trong nước để hoạt động phạm tội tại Việt Nam, như bảo kê, cướp tài sản, cố ý gây thương tích.

Tuy nhiên có thể thấy, “nóng” và manh động nhất vẫn là tội phạm về ma túy, với sự xuất hiện của những đường dây buôn bán vận chuyển ma túy trái phép xuyên quốc gia. Chúng tìm mọi cách để có mặt ở Việt Nam dưới các hình thức như du lịch, công tác, thăm thân... từ đó móc nối với các đối tượng trong nước để hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy.

Thực tế cho thấy, do lợi nhuận quá lớn, tiền công vận chuyển cao nên các đối tượng dùng mọi mánh khóe, thủ đoạn hòng thực hiện đến cùng hành vi vận chuyển ma túy. Đơn cử như vụ đọ súng với lực lượng Công an Việt Nam của 2 đối tượng buôn ma túy người Lào, tối 8-4 vừa qua tại tỉnh Ninh Thuận. Khi bị truy đuổi, 2 đối tượng này đã dùng súng bắn trả lực lượng công an, khiến 2 chiến sỹ CSCĐ bị thương. Trước sự chống trả điên cuồng của các đối tượng, lực lượng công an đã tiêu diệt tại chỗ 1 tên.

Theo phân tích của một điều tra viên thuộc lực lượng chống ma túy - Bộ Công an, nếu như thời gian trước, tội phạm ma túy  nước ngoài thường sử dụng các thủ đoạn như chia heroin thành gói nhỏ, giấu trong quần áo, hành lý, đồ hộp, mỹ phẩm, thực phẩm  thậm chí... nuốt vào trong người, thì hiện nay, loại tội phạm này hoạt động ráo riết hơn với thủ đoạn liều lĩnh hơn, số lượng lớn hơn. Ngoài đường bộ, tội phạm ma túy đang có xu hướng sử dụng tuyến biển, bởi nếu trót lọt, lợi nhuận đem lại sẽ vô cùng lớn.

Điều này được minh chứng trong vụ vận chuyển 8,8 tấn cần sa bị phát hiện ở tỉnh Quảng Ninh. Lợi dụng việc tạm nhập tái xuất hàng hóa thông thường (quần áo, vải vóc, thảm len...), một đường dây buôn ma túy đã giấu 8,8 tấn cần sa lẫn trong các kiện quần áo để trong 2 container, vận chuyển từ Pakistan tạm nhập về Việt Nam và đang chuẩn bị tìm đường tái xuất đi Trung Quốc thì bị phát hiện. Điều đáng nói, 5 đối tượng quốc tịch Trung Quốc bị bắt giữ chỉ đóng vai trò phụ, còn kẻ đầu trò của vụ án này vẫn giấu mặt.

Đa quốc gia, đa... thủ đoạn

Phân tích của Văn phòng Interpol Việt Nam cho thấy, nếu như trước đây, tội phạm có yếu tố nước ngoài vào Việt Nam thường từ các nước có quan hệ truyền thống gần gũi về mặt địa lý với Việt Nam, thì từ khoảng năm 2008 đã bắt đầu xuất hiện những đối tượng từ các quốc gia xa xôi vào Việt Nam hoạt động phạm tội.

Nếu như trước đây, tội phạm có yếu tố nước ngoài vào Việt Nam thường từ các nước có quan hệ truyền thống gần gũi về mặt địa lý với Việt Nam, thì từ khoảng năm 2008 đã bắt đầu xuất hiện những đối tượng từ các quốc gia xa xôi vào Việt Nam hoạt động phạm tội.  Đã có dấu hiệu một số băng nhóm tội phạm người nước ngoài có ý định chuyển địa bàn sang Việt Nam hoạt động hoặc móc nối với các đối tượng hình sự trong nước để hoạt động phạm tội.

Điển hình là các đối tượng người gốc Phi phạm tội tại nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là tại TP.HCM. Đã có dấu hiệu một số băng nhóm tội phạm người nước ngoài có ý định chuyển địa bàn sang Việt Nam hoạt động hoặc móc nối với các đối tượng hình sự trong nước để hoạt động phạm tội.

Nhóm đối tượng này chủ yếu phạm tội mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới, buôn lậu, tổ chức đánh bạc, gá bạc, tổ chức mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em. Vẫn theo ghi nhận của Văn phòng Interpol Việt Nam, hoạt động của các loại tội phạm có yếu tố nước ngoài nếu như trước đây chỉ tập trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, thì  nay đang có xu hướng “lan” sang nhiều tỉnh, thành phố.

Văn phòng Interpol Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về tội phạm “ngoại” hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực tài chính ngân hàng. Thủ đoạn của chúng là sử dụng công nghệ cao lấy cắp các thông tin cá nhân của các chủ tài khoản tại nước ngoài để chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó nhập cảnh Việt Nam để rút tiền, rồi nhanh chóng xuất cảnh khỏi Việt Nam để tránh sự phát hiện của các cơ quan thi hành pháp luật. Ngoài ra, tội phạm còn lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo trên mạng, thực hiện lệnh giả chuyển tiền, xâm phạm trái phép các website để trộm cắp thông tin.

Tính chất phức tạp của tội phạm nước ngoài còn được chúng tôi cập nhật thông tin tại Phòng CSHS - CATP Hà Nội. Theo Trung tá Trần Ngọc Hà - Đội trưởng Đội Điều tra trọng án, từ năm 2008, tình hình người nước ngoài làm ăn, sinh sống và... phạm tội tại Hà Nội có dấu hiệu gia tăng. Đơn giản và phổ biến là những thủ đoạn vờ mua hàng hóa để tráo đổi, rút lõi tiền; phục kích, “săn mồi” ở trước cửa các ngân hàng rồi dàn dựng “kịch” đụng xe, thủng lốp xe, trộm cắp tiền; đến các hành vi vi phạm nghiệm trọng như giết người.

Bộ luật Hình sự của Việt Nam quy định tất cả các đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài hoạt động ở Việt Nam khi vi phạm đều bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên tắc “không có ngoại lệ” này không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện được...                         

(Còn nữa)

Hoàng Quân