Quảng Bình:

“Nóng” tình trạng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép

ANTĐ - Thời gian qua, trên địa bàn các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch của tỉnh Quảng Bình, đã có hàng trăm người dân nghe theo lời rủ rê của kẻ xấu để rồi vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê với hy vọng có thu nhập cao.

Lời hứa về một viễn cảnh “công việc nhẹ nhàng, ổn định và lương cao” ở đâu không thấy mà ngược lại cuộc sống của họ vốn dĩ đã khó khăn giờ đây lại trở thành “con nợ”, bởi những kẻ lừa đảo trong đường dây “lừa” xuất khẩu lao động tại Trung Quốc.

Nhiều đường dây “ma” núp bóng dưới dạng xuất khẩu lao động

Tính đến thời điểm này, các lực lượng an ninh của Công an tỉnh Quảng Bình đã phối hợp ngăn chặn được trên 150 người dân chuẩn bị vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê, và điều tra, làm rõ đối với  Bùi Thị Thanh (SNSN1974), quê ở xã Sơn Lộc và Nguyễn Thị Hoài (SN 1974), quê ở xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, do có hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài.

Trước đó, cơ quan an ninh điều tra Công an Quảng Bình đã nhận được đơn tố giác của những người bị hại trú tại các xã Hoàn Trạch, Hải Trạch, tố giác vợ chồng Bùi Thị Thanh và Nguyễn Thị Hoài đưa nhiều người sang Trung Quốc lao động tự do trái phép. Bắt tay vào cuộc, cán bộ phòng bảo vệ chính trị và Phòng An ninh điều tra thu được những kết quả ban đầu: Sau một thời gian làm việc tại Trung Quốc, mốc nối với một số đối tượng người nuớc ngoài, Bùi Thị Thanh và Nguyễn Thị Hoài đã về Việt Nam tìm cách liên hệ với những người có nhu cầu đi lao động tại Trung Quốc.

Sau đó, tổ chức cho những người này xuất cảnh sang Trung Quốc lao động bằng đường tiểu ngạch, đi đò vượt sông qua bên kia biên giới. Theo lời khai của Bùi Thị Thanh thì sau khi tập hợp được những người có nhu cầu đi lao động tại Trung Quốc, Thanh sẽ dẫn những người này đón xe khách ra Móng Cái, Quảng Ninh. Tại đây, Thanh  gọi điện cho chồng là Lê Văn Hà - hiện đang làm việc tại Trung Quốc để anh ta hướng dẫn đến một địa điểm sát biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc ở địa phận Móng Cái, rồi từ đó lên thuyền vượt sông qua biên giới Trung Quốc. Tại bên kia biên giới, có người đón để chở đến địa điểm làm việc.

Người lao động khi muốn sang được Trung Quốc làm việc bằng con đường trái phép phải trả lệ phí cho Bùi Thị Thanh là 5,5 triệu đồng. Đối với Nguyễn Thị Hoài, số tiền “hoa hồng” mà Hoài sẽ nhận được khi dẫn dắt được một người đi sang Công ty bên Trung Quốc làm việc là 200 nhân dân tệ. Dù số tiền được hưởng không lớn, song hành vi phạm tội của các đối tượng để lại hậu quả nặng nề đối với nhiều người và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Đây cũng là hình thức lừa đảo mới dưới dạng môi giới xuất khẩu lao động trái phép.

Đến thời điểm này Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục điều tra đối với Bùi Thị Thanh và Nguyễn Thị Hoài. Trước đó, ngày 28/1/2014, một đối tượng khác có liên quan đã được Cơ quan an ninh điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Hải (SN 1972) ở xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài. Theo lời khai của Hải thì trong khoảng thời gian làm ăn tại Quảng Đông, Trung Quốc, Hải đã trực tiếp dẫn dắt và đưa khoảng trên 50 người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm ăn.

“Nóng” tình trạng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép ảnh 1
Cơ quan An ninh điều tra đang tiếp tục điều tra làm rõ đối với đối tượng Nguyễn Văn Hải về hành vi tổ chức người khác trốn đi nước ngoài

Lần đầu tiên, Hải về quê rồi dẫn 2 cha con Nguyễn Văn Thông ở xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch (là bà con với Hải) và Nguyễn Thanh Nam ở xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, ra Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Từ đây, Hải đưa họ đi thuyền xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc đến công ty Long Way ở Quảng Đông làm công nhân chế biến thủy hải sản. Còn những lần sau thì Hải dùng điện thoại liên lạc với người ở trong nước và phối hợp với các đối tượng khác để đưa người vượt biên sang Trung Quốc được an toàn. Với mỗi trường hợp lao động mà Hải đưa sang giới thiệu vào làm ở công ty Long Way thì được Công ty trả từ 100 đến 200 nhân dân tệ (tương đương 300 đến 400 trăm ngàn đồng Việt Nam).

Đừng để tiền mất, tật mang…

Theo kết quả điều tra ban đầu cho thấy, đã có 55 người dân tỉnh Quảng Bình lao động trái phép tại Trung Quốc bị đẩy đuổi về Việt Nam. “Tiền mất, tật mang”, cuộc sống  nhiều người dân đã khó khăn giờ đây càng thiếu thốn hơn. Chị Hoàng Thị Thơ ở xã Hoàn Trạch, huyện Bố Trạch, có chồng mất sớm, một mình nuôi mẹ già, con nhỏ. Cuộc sống quá thiếu thốn, chị Thơ nghe theo lời bạn bè gom tiền cho chủ môi giới rồi đi sang Trung Quốc làm ăn.
Làm việc được 7 tháng, chị trốn về nhưng bị cơ quan chức năng bên Trung Quốc bắt giữ. Toàn bộ số tiền vất vả làm được bị thu giữ, mà người nhà chị còn phải gửi sang 17 triệu đồng tiền chuộc chị về. Trường hợp của Anh Lê Ngọc Thành ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, thì khi sang Trung Quốc làm thuê, phải ăn mì tôm, làm việc cả ngày lẫn đêm, chịu không nổi anh cùng mọi người trốn về. Vừa mất tiền cho người môi giới, vừa không nhận được một đồng tiền lương nào, nhiều người như anh Thành, chị Thơ phải chịu cảnh bơ vơ, cuối cùng phải tìm đường trốn về Việt Nam.

Hiện nay, tình trạng người dân “bỏ làng, bỏ quê hương” đi tìm sự đổi đời ở bên kia biên giới đang trở nên nóng ở các miền quê ở Quảng Bình. Trong khi đó, sự quản lý của chính quyền địa phương đối với số lao động  tự do này trở nên khó khăn. Bà Phan Thị Hoa - Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, cho hay: “Chính quyền xã thường xuyên động viên, tuyên truyền cho người dân phải tìm việc làm ăn chính đáng. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người dân trong xã, đa số là lao động chính trong gia đình tìm cách trốn đi, điều này chính quyền địa phương khó quản lý”.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Vĩ - Trưởng phòng An ninh điều tra, Công an Quảng Bình cho biết: “Tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đi lao động bằng cách vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật. Hơn nữa, những lao động này sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro như bị chủ sử dụng bóc lột sức lao động, bị quỵt tiền lương, không được các cơ quan chức năng quản lý lao động nước ngoài bảo vệ lợi ích hợp pháp. Vì vậy, chính quyền địa phương, trực tiếp là lực lượng công an cơ sở cần tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, kịp thời rà soát, phát hiện những đối tượng có biểu hiện tố chức đưa người đi lao động vượt biên trái phép để có biện pháp xử lý; bản thân mỗi người dân cũng cần nêu cao cảnh giác, tránh những hệ lụy đáng tiếc”.