Những tấm lòng nhân hậu

(ANTĐ) - Dưới đây là câu chuyện đầy cảm động của những người phụ nữ bình thường đã “tự nguyện” lập gia đình với những người đàn ông không may mang trong mình một số phận “đặc biệt” - Tất cả họ đã đến bên đời những người đàn ông ấy bằng một niềm hạnh phúc thực, khép lại một dư âm ngọt ngào về những mối tình đẹp như trong chuyện cổ tích. Câu chuyện này diễn ra cách đây đã 40 năm có lẻ, vậy mà đến nay, số phận những nhân vật trong câu chuyện đó vẫn đang được những người phụ nữ ấy “dệt” tiếp đoạn kết.

Những tấm lòng nhân hậu

(ANTĐ) - Dưới đây là câu chuyện đầy cảm động của những người phụ nữ bình thường đã “tự nguyện” lập gia đình với những người đàn ông không may mang trong mình một số phận “đặc biệt” - Tất cả họ đã đến bên đời những người đàn ông ấy bằng một niềm hạnh phúc thực, khép lại một dư âm ngọt ngào về những mối tình đẹp như trong chuyện cổ tích. Câu chuyện này diễn ra cách đây đã 40 năm có lẻ, vậy mà đến nay, số phận những nhân vật trong câu chuyện đó vẫn đang được những người phụ nữ ấy “dệt” tiếp đoạn kết.

Gia đình anh Trần Văn Tộ hạnh phúc bên đứa con trai 6 tuổi lành lặn, khỏe mạnh
Gia đình anh Trần Văn Tộ hạnh phúc bên đứa con trai 6 tuổi lành lặn, khỏe mạnh

...Men theo Quốc lộ 10, băng qua thị trấn Đông Hưng khoảng chừng 6, 7km, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của anh thương binh 1/4 Trần Minh Thuận ở thôn Hồng Phong, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Hai người một xe, thong dong chạy đều tay ga, chúng tôi vừa đi vừa ôn lại những kỷ niệm với miền đất, con người nơi đây mà trong cuộc đời phóng viên, ai ai trong nhóm chúng tôi ít nhiều cũng đều đã từng một lần có dịp ghé qua. Vậy mà hôm nay đây, cuối một tháng 4 đầu tháng 5 chưa nóng, cùng hành trình trên những chiếc xe gắn máy trở lại Thái Bình, cùng nhau chung một mục đích đi, cùng một điểm đến mà mỗi người trong chúng tôi đều mang trong mình một tâm trạng khác nhau.

Đám cưới Trần Văn Tộ - con trai cả của anh Trần Minh Thuận và chị Vũ Thị Rần (*)
Đám cưới Trần Văn Tộ - con trai cả của anh Trần Minh Thuận và chị Vũ Thị Rần (*)

Ngôi nhà của anh Thuận được “định vị” nằm giữa trung tâm tỉnh Thái Bình. Đến nơi, hỏi thăm nhà anh “thương binh Thuận” ai cũng biết và chỉ đường tường tận. Bởi hoàn cảnh gia đình anh được người dân trong xã nhắc đến như một “điển hình” về nỗi bất hạnh và khốn khó. Trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà nhỏ xây bằng gạch ba banh, trên cột kèo còn ghi rõ dòng chữ - “Dựng xong tháng 3-1988” - Tiếng động cơ xe máy phá tan bầu không khí tĩnh mịch nơi đây - Một người đàn ông “đeo kính đen” lò dò ra cửa đứng chào - Chúng tôi đều đoán rằng đây là anh Thuận...

Dưới mái nhà ngói 3 gian xơ xác nghèo đã ngả màu rêu phong, người đàn ông sinh năm 1950 này kể lại cuộc đời mình bằng hồi tưởng về những kỷ niệm của anh với người vợ quá cố. Lấy tay chỉ lên di ảnh vợ trên bàn thờ đơn sơ trên tường nhà, giọng điệu trầm ngâm pha chút giận hờn, rồi anh Thuận nghẹn ngào: “Tôi tưởng mình sẽ đi trước bà ấy, nào ai ngờ bà ấy lại vội vàng bỏ bố con tôi mà đi”…

Trên di ảnh là một người đàn bà đẹp, chị quấn chiếc khăn mỏ quạ được vấn rất khéo trên mái tóc đen nhánh ôm chọn lấy gương mặt trái xoan. Theo lời kể của anh Thuận, chị nhà tên là Vũ Thị Rần, chị kém anh 2 tuổi, suốt cả cuộc đời chị đã nguyện theo anh, bất chấp số phận khi anh trở thành người tàn phế, mất đi đôi mắt sáng tại chiến trường Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm xưa. Và chị Rần đã làm được điều đó cho đến ngày chị trút hơi thở cuối cùng! Anh Thuận và chị Rần vốn là đôi bạn từ thuở thiếu thời, hai gia đình sống gần nhà nhau, năm anh Thuận 18 tuổi cả 2 đã cùng hẹn ước! Nhưng, ngày đó kinh tế còn khó khăn nên hôn lễ của anh chị chưa thể tiến hành. Thời gian trôi thật nhanh, bẵng đi đã 2 năm; 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh Thuận đã tình nguyện tham gia vào đội thanh niên xung phong đi mở đường ở Tuyên Quang.

3 năm sau, anh Thuận được “biên chế” vào đơn vị trinh sát C7 - D25 - Đoàn 559, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Trung. Năm 1971, trong một lần đi làm nhiệm vụ ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, tổ trinh sát của anh “vấp” phải mìn của địch. Mìn nổ, anh Thuận ngất đi. Một tuần sau tỉnh dậy, anh Thuận chỉ thấy xung quanh tối om, sờ lên đầu thấy mình bị quấn băng kín mít. Mãi về sau, bác sỹ mới cho anh biết anh bị nhiều mảnh mìn găm vào. Dù đã hết sức cố gắng nhưng các y, bác sỹ vẫn phải khoét bỏ đôi mắt thì mới bảo toàn được tính mạng cho anh. Những ngày nằm dưỡng thương, anh Thuận luôn nghĩ tới chị Rần ở quê nhà đang chờ anh về.

Suy nghĩ nhiều, để sau mỗi thời khắc đó vết thương trong anh thêm một lần nhói đau. Anh Thuận đã đưa ra một quyết định “cự tuyệt” đau xé lòng, từng dòng, từng dòng trong bức thư gửi chị Rần từ trong suy nghĩ của anh đã được đồng đội viết dùm - “…Anh bây giờ đã trở thành người tàn phế, mất đi hai con mắt. Đến bản thân cũng không tự lo được cho mình thì không thể mang lại hạnh phúc cho em! ở quê nhà, em gặp ai hợp thì hãy cưới, đừng chờ anh nữa…”.

Thư gửi đi chưa lâu, một buổi sáng anh Thuận vừa tỉnh giấc ngờ ngợ nghe thấy giọng nói quen thuộc. Chị Rần bước lại gần anh, giọng nghẹn ngào: “Em đây! Rần của anh đây, người suốt cả cuộc đời này muốn đi theo anh đây!”. Chị nói chưa dứt lời, cả 2 chỉ biết ôm chặt nhau trong nước mắt. Sau những giây phút hạnh phúc ngày gặp lại, anh Thuận lại ý thức về những khó khăn mà anh sẽ đem lại cho chị, nhưng chị đã gạt đi tất cả. Chị bảo với anh, dù mới chỉ hẹn ước, song chị đã coi anh là chồng, và không gì có thể thay đổi được tình yêu của chị dành cho anh.

Bây giờ, anh gặp khó khăn thì chị càng phải theo để chăm sóc anh… Năm 1973, đám cưới của 2 người được tổ chức trước sự chứng kiến của gia đình, người thân và đồng đội. Niềm hạnh phúc lớn dần hơn khi chị Rần có mang và chờ ngày sinh. Tháng 4-1975, chị Rần sinh con. Đứa bé bị… dị tật bẩm sinh. Lúc bấy giờ, anh Thuận mới phát hiện mình đã nhiễm chất độc da cam trong thời gian làm trinh sát tại chiến trường Quảng Trị.

Hiểu cuộc đời, hiểu con người và đã nếm đủ niềm đau, thương vợ thương con, anh chỉ còn biết động viên vợ - anh Thuận tâm sự - “Ngày đó, tôi đã nói với cô ấy rằng, con nào chả là con, mình cứ cố gắng nuôi, chắc trời không phụ lòng”… Nhưng chỉ 2 năm sau, đứa bé đã bỏ anh chị mà đi. Năm 1977, bé trai Trần Văn Tộ ra đời. Lần lượt năm 1980 và 1983, bé trai Trần Văn Tiện và bé gái Trần Thị Điệp chào đời. 3 đứa trẻ trong ngôi nhà anh Thuận chị Rần đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của chất độc da cam. “Sau khi các con ra đời, vợ tôi lại càng vất vả hơn.

Nhà 5 miệng ăn mà tôi thì bị mù, không làm được gì nặng. 3 đứa con thì các anh chị thấy cả rồi đấy. Bà nhà tôi đã phải lặn lội làm đủ thứ việc để nuôi sống gia đình. Mùa nào việc nấy, bà ấy cứ quần quật suốt từ sáng đến tối mà không hết việc. Ngày thì đi cuốc đất, gieo mạ, cày ải cho hợp tác xã, đến tối về lại lo cơm nước cho bố con tôi”… - Anh Thuận nhớ lại - “Đằng đẵng vậy mà ngót nghét cũng 30 năm tròn trôi qua, khi mà cả 3 đứa con đều lớn, Tộ - thằng con trai cả đã lấy được vợ thì bà ấy ra đi”… Mùa đông năm 2003, chị Rần mất do bị mắc căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.

*     *     *

Gia đình anh thương binh mù Trần Minh Thuận
Gia đình anh thương binh mù Trần Minh Thuận

Nhân đây, xin cắt ngang để kể về câu chuyện hạnh phúc của anh con trai cả Trần Văn Tộ của anh Thuận và chị Rần. Năm 2000, hôn lễ của đôi vợ chồng không may mắn Trần Văn Tộ và Vũ Thị Tâm đã được tổ chức dưới sự hoan hỷ của tất cả mọi người. Ngày đó, quyết định của chị Tâm, người ở thôn Hưng Đạo, cách nhà Tộ chừng 3km quả là một quyết định dũng cảm. Chị Tâm nhớ lại: “Đã biết anh Tộ từ lâu, song cũng không ngờ rằng cái duyên cái số đã “buộc” tôi và anh vào với nhau. Anh Tộ tồ lắm, chẳng biết tán tỉnh gì đâu. Qua một bà mai mối, lúc đầu tôi cũng lắc đầu xin chịu, nhưng qua nhiều lần tiếp xúc, thấy anh hiền lành, tốt bụng nên đã gật đầu đồng ý. Và trời cũng thương, hạnh phúc được nhân lên khi con trai chúng tôi Trần Văn Tuyên sinh ra, lớn lên lành lặn, khỏe mạnh và hiếu động như bao đứa trẻ bình thường khác.

Cháu Tuyên giờ 6 tuổi và đã vào học lớp 1”… Sau khi người anh cả lập gia đình, mấy năm sau, người em trai thứ hai Trần Văn Tiện đã se duyên với một người con gái quê tận Nghệ An. Chị tên Nguyễn Thị Nghĩa đã gạt bỏ tất cả để về làm dâu gia đình anh thương binh Trần Minh Thuận. Chị Nghĩa tâm sự: “Gia đình tôi phản đối gay gắt lắm, tôi phải “đấu tranh” tư tưởng và vận động gia đình lắm mới nhận được sự ưng thuận”… Giờ, anh Tiện và chị Nghĩa đã xây được một ngôi nhà nhỏ gần kề để ra ở riêng, nhưng ngày ngày vẫn quây quần bên người thân. 

Trở lại với câu chuyện cuộc đời của anh thương binh Trần Minh Thuận, ngày vợ anh, chị Vũ Thị Rần ra đi đã gửi lại một lời trăng trối định mệnh với cô em gái út Vũ Thị Xuân của chị - “Em hãy thay chị chăm sóc cho anh và các cháu. Chị không sống được, nếu không có người đỡ đần thì tội cho anh và các cháu quá! Có vậy chị mới có thể an tâm nhắm mắt ra đi được...”. Chị Vũ Thị Xuân sinh năm 1956, 18 tuổi chị lên Điện Biên làm công nhân nông trường rồi lập gia đình tại đây. Chị Xuân có một cô con gái xinh xắn tên Đặng Thị Huyền. Hạnh phúc chẳng thể trọn vẹn khi chồng chị đột ngột lâm bệnh rồi mất năm 2000. Chưa đoạn tang chồng, chị Xuân đã phải về quê chịu tang người chị gái.

Chị Xuân nhớ lại: “Suốt mấy tháng ròng chị Rần nằm ở Bệnh viện Quân y, tôi tranh thủ lúc chị đỡ, lúc lại chạy về Thái Bình xem anh và các cháu sống thế nào. Lời trăng trối của người chị gái khiến tôi không khỏi đắn đo trước quyết định chăm sóc mái ấm vốn không trọn vẹn này. Nhưng phải chứng kiến cảnh anh rể mù lòa trông những đứa con tật nguyền trong ngôi nhà dột nát, lòng tôi thắt lại. Rồi tôi đã mặc cho thiên hạ muốn nói gì thì nói”...

Vũ Thị Rần, Vũ Thị Xuân, Vũ Thị Tâm, Nguyễn Thị Nghĩa - Tất cả họ đều là những người phụ nữ thuần nông bình dị, mỗi người mang trong mình những hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau, song đều đồng lòng về sống chung dưới một mái nhà của anh thương binh mù Trần Minh Thuận với niềm hạnh phúc thực sự. Tấm lòng nhân hậu của họ đã gắn kết những số phận bất hạnh, làm nên một mái ấm đích thực mà chẳng gì trên cuộc đời này có thể đánh đổi được. Và câu chuyện cổ tích giữa đời thường vẫn hàng ngày âm thầm được viết nên bởi những con người rất đỗi bình thường. Một kết thúc có hậu của sự mất mát, hy sinh là thế, là để trở thành người cùng một nhà. Đó là niềm hạnh phúc của những người phụ nữ nhân hậu, nó đã thực sự trở nên trọn vẹn hơn sau những điều không trọn vẹn!...

Quân.Trần

(*) ảnh do gia đình cung cấp