Công an Hà Nội với chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”:

Những người sống mãi trong lòng dân

ANTĐ - Trong bom đạn, hàng trăm cán bộ chiến sĩ Công an Thủ đô ngày ấy không quản ngại hy sinh, sẵn sàng xả thân để hoàn thành nhiệm vụ. Các anh, các chị đã góp phần không nhỏ cho khúc ca chiến thắng Hà Nội 1972.

Đại tá Vũ Đình Hoành, nguyên Phó Giám đốc CATP Hà Nội vẫn nhớ như in những ngày B52 “rải thảm” Hà Nội. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn,  nhưng tất cả các chiến sĩ công an lúc bấy giờ bất kể thời gian nào trong ngày, khi có lệnh, các anh lập tức lên đường có mặt tại nơi trực chiến.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Uân

Cuộc sơ tán khổng lồ

Thời điểm đó, Công an Hà Nội được giao nhiệm vụ tổ chức sơ tán cho gần 55 vạn người dân, cán bộ, công nhân các xí nghiệp tại Hà Nội. Cuối tháng 11-1972, nhận định nhiều khả năng địch sẽ đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả việc dùng B52 đánh vào Hà Nội, Hải Phòng, các phương án sơ tán đã được lên kế hoạch. Ngày 4-12-1972, thành phố Hà Nội bắt đầu tổ chức ngay việc sơ tán người già, trẻ em và những người không thật cần thiết cho sản xuất, chiến đấu ra khỏi nội thành. Các chiến sĩ công an đã tỏa ra khắp nơi, vận động quán triệt chủ trương sơ tán đến từng hộ dân. Cả những trọng điểm nằm ở khu vực ngoại thành như Gia Lâm, Trâu Quỳ, Yên Viên, Văn Điển... cũng phải sơ tán đến các tỉnh lân cận. Tính đến đợt cuối cùng của 12 ngày đêm khói lửa, Công an Hà Nội đã cùng các đơn vị phối hợp sơ tán gần 55 vạn trong số 65 vạn người dân Thủ đô đến các vùng an toàn. 

Cùng với dân phòng, Công an Thủ đô là lực lượng trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu thương, cứu sập. Cùng một lúc, họ phải đảm đương nhiệm vụ của một người chiến sĩ công an, lính cứu hỏa và cả y sĩ. Khi bom trút xuống các ngả đường Hà Nội, cháy nổ xảy ra trên diện rộng. Số lượng xe chữa cháy hết sức hạn chế, lại không có máy bơm để dập lửa. Họ dùng xô, gầu múc nước hoặc bơm xe đạp - những công cụ hết sức thô sơ, nghèo nàn để chữa cháy. Công tác cứu sập cũng được tiến hành khẩn trương dựa vào sức người là chủ yếu. Vật lộn giữa đống đổ nát khổng lồ nhưng gần như không có một phương tiện gì trong tay, việc đào bới, tìm kiếm diễn ra hết sức vất vả. Có khi nghe thấy tiếng người kêu cứu dưới đống đổ nát, nhưng không kịp ứng cứu vì lớp đất đá quá dày. Nhưng rồi, chỉ với sức người, trong cái đêm 26-12, các chiến sĩ công an và lực lượng dân phòng đã cứu được hàng trăm người, kịp thời chuyển nhiều người bị thương đến các trạm xá, bệnh viện để cứu chữa. 

Lực lượng công an Hà Nội tham gia cứu thương, cứu sập tại Khâm Thiên

Hy sinh thầm lặng

Chiến thắng, Hà Nội đã giáng cho Không lực Hoa Kỳ một cái tát bẽ bàng. Chiến thắng, nhưng xương máu bao người cũng đã phải đổ xuống, trong đó có những người con ưu tú nhất của Hà Nội. Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn  Văn Uân là một tiêu biểu.

Năm 1972, đồng chí Nguyễn Văn Uân khi đó đang công tác tại Đồn 23, Công an khu Hai Bà Trưng, nay là Công an phường Quỳnh Lôi. Trong quá trình công tác, Nguyễn Văn Uân luôn gần gũi với nhân dân, nắm và thấu hiểu tình hình khu phố mình phụ trách. 5 năm phụ trách khối phố 69, thì cả 5 năm liền khối phố này đạt danh hiệu “khối phố 5 tốt”. Trong khói lửa đạn bom, khi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, nhiều người dân phường Quỳnh Lôi giờ vẫn nhớ hình ảnh anh Công an trẻ xốc vác. Những ngày 26, 27, 28 - 12 - 1972 là những ngày Không quân Mỹ oanh tạc các nhà máy Dệt 8-3, Khăn mặt khăn tay, Mỳ bánh Hải Châu… Bom bi rải khắp phố Bạch Mai và cánh đồng Quỳnh Lôi. Hầu hết bà con khu lao động Mai Hương đều đã đi sơ tán. Bám trụ lại chỉ có lực lượng bảo vệ dân phòng và Nguyễn Văn Uân. Nhiều bà con trước khi đi sơ tán còn gửi lại chìa khóa, nhờ Nguyễn Văn Uân cho lợn gà ăn hàng ngày. Chiều 28-12, khu vực đồng chí Uân phụ trách có gần chục trẻ em nhớ nhà trốn nơi sơ tán về. Bà cụ Lục cũng đảo về nhờ một ông hàng xóm dọn bàn thờ, thắp hương nhân ngày giỗ chồng. Khi còi báo động vang lên, anh vội vàng hướng dẫn mọi người vào nơi trú ẩn. Nhưng rồi những âm thanh chát chúa của bom, bỗng có tiếng trẻ em hò reo “Máy bay cháy rồi”. Nguyễn Văn Uân giật mình, nhảy lên khỏi hầm thì thấy gần chục em bé đang xem máy bay rơi. Nguyễn Văn Uân lao vội tới nơi, đẩy đám trẻ vào hầm. Lúc này lại thấy bà cụ Lục chống gậy loay hoay mãi không xuống được hầm vì mắt kém. Nguyễn Văn Uân lại nhảy lên, đưa cụ xuống hầm của mình. Đậy cửa hầm cẩn thận, Nguyễn Văn Uân tìm nơi trú ẩn ở một chiếc hầm khác thì bất ngờ một quả bom rơi ngay chỗ anh đứng. 

Nguyễn Văn Uân hy sinh khi tuổi đời mới tròn 24, Nguyễn Văn Uân ra đi, nhưng trái tim quả cảm của anh vẫn đập mãi trong lồng ngực đồng đội và những người dân khu lao động Mai Hương. 

Noi theo tấm gương anh hùng ấy, nhiều cán bộ chiến sỹ Công an Hà Nội tiếp tục viết nên những câu chuyện cảm động về tình quân dân trong mưa bom bão đạn. Những người đồng đội của các anh năm xưa giờ đây khi nhớ lại những thời khắc lịch sử ấy vẫn còn bồi hồi xúc động, xen lẫn tự hào. Danh bia tưởng niệm liệt sĩ CAND Thủ đô được dựng lên tại Bảo tàng Công an Hà Nội là sự tri ân đầy nghĩa tình, để tưởng nhớ chiến công thầm lặng của những người chiến sĩ - những người đã góp phần không nhỏ làm nên khúc ca chiến thắng.

Đại tá Nguyễn Xuân Mai, chiến sỹ Điện Biên Phủ năm 1954: Số người thương vong quá lớn
Từng là một người lính chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ, từng vào sinh ra tử và cũng đã quen với việc chứng kiến những tổn thất về người nhưng tôi cũng thấy thất kinh với số lượng người chết trong đợt ném bom ở Khâm Thiên và Bạch Mai, 2 địa điểm bị tàn phá nặng nề nhất. Thời gian đó, tôi được cử làm nhiệm vụ đưa tin và chụp ảnh về cuộc chiến đấu của quân và dân ta trước sức mạnh tưởng như không gì hạ gục được của pháo đài bay B52. Chứng kiến sự chiến đấu ngoan cường và ngã xuống của các chiến sỹ, lòng tôi dấy lên niềm cảm phục và giúp tôi ghi lại những bức ảnh phản ánh trung thực mức độ quyết liệt của cuộc chiến. Bên cạnh việc bám sát cuộc chiến đấu của người chiến sỹ, tôi còn kết hợp phản ánh cuộc sống của người dân Hà Nội thời đạn bom. Và đến giờ thì tôi đang sở hữu trong tay nhiều bức ảnh và tư liệu thật quý giá về Hà Nội 12 ngày đêm.

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền: Chiến thắng B52 đánh đổi bằng rất nhiều sự hy sinh

Trong ngày kỷ niệm chiến thắng B52, tôi nghĩ chúng ta nên biết đằng sau chiến thắng ấy là biết bao sự hy sinh của quân, dân ta. Nói đến B52, ai cũng hình dung được sự khốc liệt và hủy diệt nhưng bằng cách nào chúng ta thắng được và hạ gục pháo đài bay B52 là một câu chuyện dài của lịch sử, không dễ gì nói hết trong ngày một ngày hai. Với tư cách là nhà viết kịch, tôi đã diễn giải một phần của lịch sử bằng một kịch bản về chiến thắng B52 mang tên “Bệ phóng”. Trong đó, hình ảnh của Bác được xuất hiện nhiều lần trong kịch bản với những lời tiên tri về trận chiến cuối cùng Mỹ đánh vào Hà Nội sẽ là máy bay B52. Rồi bằng sự kiểm nghiệm thực tế của bản thân, chứng kiến sự hy sinh của người Hà Nội, tôi còn đưa vào kịch bản những chi tiết cho thấy Hà Nội đã chiến đấu ngoan cường như thế nào trước pháo đài bay B52. Một phần của kịch bản này đã được chuyển thể thành tiểu phẩm dài 15 phút và sẽ được phát sóng vào dịp kỷ niệm chiến thắng B52 trên Đài Truyền hình Việt Nam. 

 (Còn tiếp)