Những lão ngư vững vàng trước sóng gió

ANTĐ - Nhân dịp đầu xuân Giáp Ngọ 2014, hòa theo dòng người đến từ mọi miền đất nước về Quảng Bình, quê Đại tướng Võ Nguyên Giáp viếng mộ ông, tình cờ tôi làm quen với ông Hoàng Ngọc Lành, Chi hội trưởng người cao tuổi thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới. Ông thiết tha mời tôi về quê để ông giới thiệu những lão ngư dân đã ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn cần mẫn bám biển quê hương như thời trai trẻ, tự kiếm sống nuôi thân, không muốn phiền hà đến con cháu.

Những lão ngư trên dòng Nhật Lệ

Ông Lành cho biết, thôn ông có gần 20 cụ còn tham gia đánh bắt cá trên sông, trên biển. Các cụ là những kình ngư cự phách một thời, đều đã tham gia chiến đấu, sản xuất trên biển, nay về già, vẫn theo nghề. Có cụ làm nghề vì mưu sinh. Nhưng không ít cụ nhớ nghề, yêu nghề nên không nỡ bỏ nghề. Chúng tôi về đến cầu Nhật Lệ, lá cây hai bên đường còn đẫm sương đêm, đã trông thấy cụ Đặng Thị Quán, ông Lành cho biết, cụ đã bước sang tuổi bát tuần. Cụ Quán đứng trên cầu, miệng nhai trầu bỏm bẻm, tay văng lưỡi câu ra xa.

Ông Lành kể: “Thời trẻ, cụ phục vụ trong đội thuyền chở vũ khí, lương thực từ Nghệ An vào Hà Tĩnh, Quảng Bình phục vụ chiến đấu. Trong một chuyến làm nhiệm vụ, cụ bị một chiếc máy bay “con ma” của Mỹ rượt đuổi, bắn quả Rocket vỡ tan thuyền. Cụ thoát chết, chỉ bị thương nặng. Cụ về quê  dưỡng thương 2 năm. Sức khỏe vừa bình phục, cụ lại xin tham gia vào đội đánh cá Minh Khai, đội trưởng là Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Khứu. Những năm chiến tranh, máy bay giặc Mỹ đánh phá ác liệt, các cụ không sợ hiểm nguy, ngày đêm bám biển quê hương, sánh vai cùng nam giới vừa sản xuất, vừa phục vụ chiến đấu, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước”. Cụ Quán giật được một con cá nặng đến 1kg, cụ cười tít mắt, hai hàm còn toàn lợi. Nhìn hình ảnh ấy, ông Lành xúc động: “Thời thanh xuân của cụ Quán qua đi trong chiến tranh. Cụ không lấy được chồng, ngoài 50 tuổi, nhận một bé trai về nuôi cho có mẹ có con. Nay thì cụ có cả cháu nội để ẵm bồng. Sớm nào cụ cũng vác cần câu ra cầu Nhật Lệ để gặp đồng đội gắn bó với nhau từ thời chiến tranh đến bây giờ. Gặp chúng tôi cụ giãi bày: “Tui đi câu rứa mà cũng được khá, không chỉ để ăn trong nhà, mà còn đem bán. Tiền tích góp được, tôi nhờ con dâu mua cho máy vi tính để nói chuyện với thằng cháu trai đang đi xuất khẩu lao động tận bên Hàn Quốc”.

Cụ Nguyễn Thị Bạch, cùng thôn Đông Dương, bạn “câu” với cụ Quán góp chuyện: “Hồi đó HTX Minh Khai của bọn tui nổi tiếng khắp miền Bắc, sản lượng cá luôn đứng đầu trong các HTX cùng nghề. Ngày nào cũng dậy từ 3 giờ sáng để ra khơi, chiều về có cá nhập kho HTX, tháng nào cũng đạt đủ chỉ tiêu 20 tấn cá, có tháng vượt lên 25 - 30 tấn. Hồi đó răng mà gan dạ rứa không biết. Máy bay Mỹ ném bom ác liệt. Bọn tui kiên quyết bắn trả, bảo vệ thành quả lao động và quê hương mình, không biết sợ là chi mô. Bây chừ già yếu, không đi biển được, mấy bạn già ra đây câu cho đỡ buồn”.

Ông Lành và tôi theo chiếc thuyền nan của vợ chồng lão ngư dân Nguyễn Thèo và Nguyễn Thị Thòa, len lỏi lách qua các tàu đánh cá đồ sộ đang neo đậu, hướng ra giũa dòng  Nhật Lệ thả câu. Họ đều đã vượt qua ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm”. Bà chèo thuyền phía trước mũi, ông cầm lái phía sau. Ông Thẻo ngước nhìn bầu trời u ám vần vũ mây đen nói: “Gió mùa đông bắc mạnh, cá ngoài biển dạt vào cửa sông nhiều nên dễ câu được cá lớn”. Vợ chồng ông Thẻo nghỉ đi biển mấy năm nay, con cái cũng không được khá giả lắm, không muốn làm gánh nặng cho các con, ông bảo “ăn bám các con tội chúng nó, trong khi mình đang còn sức”. Hai ông bà sắm con thuyền nhỏ, tự kiếm sống. Theo ông Thẻo, người sống bằng nghề chài lưới, câu kéo phải nắm được quy luật của con nước mới đánh bắt có hiệu quả. Khi nước lên, nước xuống, biển động cá thường hay ăn mồi”. Chiếc thuyền ra gần cửa biển, ông Thẻo dừng lại. Bà Thòa lấy chùm dây cước, đã nối với nhiều lưỡi câu, găm mồi thả xuống nước. Ông Thẻo cầm lái cho thuyền trôi nhẹ, đến khi bà Thòa thả hết lưỡi câu, ông cho thuyền dừng lại chờ. Ông Thẻo rít một hơi dài điếu thuốc lá sâu kèn, nhả khói vào không gian, bắt đầu gíó thổi mạnh, giải thích: “Ngày gặp cá, như hôm nay, chắc sẽ kiếm được 3, 4 trăm nghìn đồng. Bù lại khi nước ương chỉ kiếm được dăm, bảy chục. Làm nghề này say lắm chú ạ. Kéo được con cá to đã tay, cứ muốn đi biển mãi”. 

Ngắm nhìn dòng Nhật Lệ trong xanh, thơ mộng đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, càng thương mến và cảm phục những ngư dân mái tóc bạc phơ vẫn vững tay chèo ra khơi vào lộng. Biết làm sao được, cuộc sống vốn phải như vậy…