Những bí mật của “đảo Cò”

ANTĐ - Du khách đến đảo Cò (thôn An Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) không chỉ được thỏa sức chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt vời của thiên nhiên tươi mát, thả hồn mình theo những cánh cò, cánh vạc hay thưởng thức những món ăn tinh tế được chế biến một cách tỷ mỉ và công phu từ cá dưới hồ của những “đầu bếp” Nhà nổi mà còn có dịp được nghe những câu chuyện thú vị, ẩn dấu sau hòn đảo tuyệt đẹp này.

Những bí mật của “đảo Cò” ảnh 1
Khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của đảo Cò

Sự tích ly kỳ

Tôi tìm về đảo Cò trong một ngày cuối tuần đầu tháng Tư. Một vài người khách đến thăm quan đảo. Khung cảnh buổi sáng nơi đây thật tĩnh lặng và quá đỗi yên bình. 3, 4 người khách từ Nhà nổi bước ra. Có lẽ họ từ xa về và vào đó để nghỉ ngơi, đặt cơm trưa rồi hướng ra phía mặt hồ, gọi nhà thuyền để chở ra thăm đảo. Họ nói cười, bảo “Thế này mà không đi thì tiếc lắm!”

Tôi đảo mắt nhìn xung quanh, cố gắng tìm kiếm tấm bảng giới thiệu về khu du lịch sinh thái đảo Cò mà tuyệt nhiên không thấy. Hỏi thăm mấy người bán hàng quán ở đây thì được biết, trước đây có bảng giới thiệu về đảo Cò, gần với tấm bảng quy hoạch vùng đất này nhưng do bảng để lâu ngày, bị hỏng và giờ đang trong thời gian làm mới nên tạm thời chưa có.

Tôi đem sự tò mò về nguồn gốc và sự ra đời của đảo đến hỏi thăm một trong số những người quản lý đảo, anh Lê Xuân Đến. Dưới sự giới thiệu của anh, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đức Ban, 72 tuổi, trú tại thôn An Dương, xã Chi Lăng Nam, người có thâm niên 16 năm làm quản lý khu vực đảo Cò và mới xin nghỉ cách đây không lâu vì tuổi tác và sức khỏe.

Ông vừa pha chè mời tôi uống nước và bắt đầu câu chuyện của mình. Nguồn gốc cũng như sự hình thành và phát triển của đảo Cò thì không có tài liệu nào ghi lại. Những người dân vẫn truyền tai nhau, từ thế hệ này qua thế hệ khác rằng vào đầu thế kỷ 18, thiên tai, bão lũ gây ra nên trong 3 năm, khu vực hồ An Dương vốn là một vùng đồng chiêm trũng bị vỡ đê liên tục, để lại lòng hồ rất sâu, khoảng 17 – 18 mét (với mực nước như bây giờ). Vùng đất nhô cao giữa mặt nước bao la hình thành nên 3 đảo. Đảo phía Đông là đảo lớn nhất, có diện tích hơn 8.000 mét vuông, đảo giữa có diện tích trên 3.000 mét vuông và đảo còn lại là khoảng 7.000 mét vuông. Cây cối trên đảo xanh tươi, tôm cá cũng tấp nập ngược xuôi, những đàn cò, vạc bèn rủ nhau tìm về trú ngụ, lập “địa bàn” để sinh con đẻ cái và cái tên “đảo Cò” cũng xuất hiện từ đó (khoảng 300 năm).

Dưới tác động của con người theo thời gian nên hiện nay, du khách đến thăm khu du lịch sinh thái đảo Cò chỉ nhìn thấy một đảo có cò, vạc và các loại chim khác sinh sống. Hai đảo còn lại vẫn có một số hộ dân hiện đang sinh sống từ khi hình thành đảo.

Ông Ban nói thêm, quỹ Môi trường toàn cầu đã có kế hoạch đầu tư để khôi phục lại 3 đảo, theo như hiện trạng ban đầu. Bản quy hoạch tổng thể đã có và người dân nơi đây cũng sẵn sàng di dời đi vì lợi ích chung. Tuy nhiên, kinh phí chưa có nên dự án này vẫn còn dang dở.

Theo như lời của chị Nhị, chủ Nhà nổi thì hồ nước bao quanh đảo này trước đây không thể tát cạn, nghe nói có mạch ngầm nối ra sông hay biển nên có những con cá dưới hồ rất to, do những lần thả xuống mà không bắt hết. Chuyện câu được cá dưới hồ trên dưới chục cân không phải hiếm.

Những bí mật của “đảo Cò” ảnh 2
Ông Nguyễn Đức Ban kể về nguồn gốc sự ra đời của đảo Cò

Người đàn ông 16 năm canh giữ đảo

Ông Ban cho biết, ngày 27/12/1994, Ủy ban nhân dân xã Chi Lăng Nam có quyết định thành lập ban quản lý đảo Cò. Kể từ đó, ông nhận công việc “bảo vệ” những đàn cò ở đây. Công việc hàng ngày của ông và những người bạn trong tổ quản lý là đi thăm, quan sát đảo khắp một lượt rồi lên đảo, xem xét các ổ cò và đếm số trứng để tính tỷ lệ trứng nở. Hàng tháng, hàng quý tiến hành thu gom phân, xác cò và lấy mẫu để gửi đi kiểm tra bệnh dịch. Đăng ký số đoàn khách, số người đến thăm quan… Có hôm, ông lại lặn lội đạp xe xuống xã dưới tìm mua những rổ, rế về làm tổ cho cò để chúng khỏi vặn những cành cây khác làm tổ. Tuyên truyền, nâng cao ý thức để mọi người dân cùng tham gia bảo vệ đàn cò.

Ông kể một cách hồ hởi và nhiệt tình cho tôi nghe về sinh hoạt thường ngày của những “cư dân” trên đảo. Trước đây có 7 loại chim cò, năm 2011 xuất hiện thêm cò cánh én không biết từ đâu đến, khoảng 1000 con. Hiện nay đảo Cò có 8 loại chim cò: cò nghênh, cò ngang, cò bợ, cò ruồi, cò lửa, diệc, vạc và cò cánh én. Đặc thù của loài cò cánh én là bắt ốc bươu vàng nên cánh đồng ở đây không bị “đe dọa” bởi nạn ốc bươu vàng.

Để tính được số cò và vạc ở trên đảo, ông Ban và những người trong tổ quản lý quan sát thời gian sáng cò đi ăn, chiều về tổ để bố trí người chia thành 4 hướng, bằng mắt trực tiếp và qua ống nhóm đếm số lượng cò, tính ra được bao nhiêu đàn, đàn lớn, đàn bé, số con. Đếm liên tục trong 7 ngày, ước lượng được tổng số cò trong năm qua, tăng hay giảm so với năm trước.

Ông nói với tôi: “Xưa kia các cụ có câu “đất lành chim đậu”. Trước ông cha đã bảo vệ để giữ gìn khung cảnh thiên nhiên được như bây giờ. Ngày thành lập ban quản lý, tôi được bầu là trưởng ban bảo vệ đảo Cò, vừa cảm thấy vinh dự, vừa thấy lo lắng về trách nhiệm đè nặng trên vai. Dần dần tất cả biến thành niềm đam mê với những công việc trên đảo”.

Nỗi trăn trở lớn nhất của người đàn ông này là việc bảo vệ môi trường sống cho cò, vạc trên đảo. Không còn làm công tác bảo vệ, tuổi cao, sức khỏe không được như trước nhưng cách đôi ba ngày ông lại ra thăm đảo như một thói quen khó có thể thay đổi. “Cò, vạc lớn lên và tìm về trú ngụ ở đây ngày càng nhiều trong khi cây cối trên đảo lại hoang xơ, tiêu điều. Liệu cò vạc có yên tâm trú ngụ ở đây? Vì vậy, việc chống xâm thực nước, tăng cường trồng cây xanh để cò vạc có nơi trú ngụ là việc làm hết sức cần thiết. Nếu chỉ chú ý đến khai thác mà không quan tâm đến công tác bảo tồn thiên nhiên thì chưa chắc một ngày nào đó đảo Cò còn tồn tại được".

Những bí mật của “đảo Cò” ảnh 3
Tấm bảng quy hoạch tổ chức không gian kiến trúc và cảnh quan khu du lịch sinh thái đảo Cò

Bài văn nổi tiếng bị lãng quên

Năm 2000, đảo Cò được công nhận là khu du lịch sinh thái của tỉnh Hải Dương. Để làm được điều này, phải kể đến công lao đầu tiên của cô giáo Nguyễn Thị Hải Quế, hiện đang giảng dạy tại trường Tiểu học Đặng Quốc Trinh, thành phố Hải Dương với bài văn giới thiệu đảo Cò nổi tiếng ngày ấy.

Năm 1993, khi mới là sinh viên năm thứ nhất trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, trong bài luận giới thiệu về quê hương, chị Quế đã chọn chủ đề viết về đảo Cò, đặc trưng cho quê hương, gần gũi và gắn bó với tuổi thơ êm đềm của mình. “Trước đây, ông ngoại chị ở trên đảo bé, chị ở đấy nhiều nên cũng biết những ngày như thế nào thì có hiện tượng lạ gì xuất hiện, sự giao ca giữa cò và vạc.”

Bài viết không chỉ giới thiệu cho người đọc – thầy cô, bạn bè về khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của đảo Cò mà còn đề cập một số vấn đề liên quan đến việc bảo vệ khu vực này, bảo vệ từng đàn cò trước sự săn bắn của người dân vào thời điểm đó.

Sau khi nộp lên, bài viết đã lập tức gây xôn xao trong trường. Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương đã gửi bài viết này sang Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương. Sau đó, thầy giáo Nguyễn Văn Khang (hiện đã nghỉ hưu), giảng viên của trường, đồng thời là cộng tác viên với Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cùng một số người của Sở đã về thực tế tại đảo Cò và xác nhận. Thầy yêu cầu chị Quế làm thành một đề tài khoa học, đưa ra các minh chứng cụ thể về đảo Cò và nộp lại.

2, 3 tháng sau khu sinh thái đảo Cò được xác nhận, chị Quế nhận được một ít tiền nhuận bút cho bài viết của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương. Chị cho biết, số tiền ngày ấy đủ để mua một chiếc áo sơ mi.

Hiện giờ, mỗi tháng chị đều về quê nhà – đảo Cò, An Dương, Chi Lăng Nam ít nhất một lần. Chị lại giới thiệu về đảo Cò, kể về tuổi thơ của mình cho hai con nghe.

Chị tâm sự với tôi: “Bây giờ, mọi người đã chú ý vào việc bảo vệ đảo Cò, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Tuy nhiên, việc khai thác kinh doanh ở khu du lịch sinh thái này cũng còn nhiều bất cập. Chị mong rằng công tác bảo vệ, chăm sóc đàn cò, môi trường sống và nguồn thức ăn cho chúng sẽ được chú trọng, quan tâm, đầu tư hơn nữa để đảo Cò thật sự là chốn bình yên cho các loại chim thú và cho con người".