Nhầm lẫn giữa thế giới ảo và đời sống thật: Khi các “game thủ” gây án

ANTĐ - "Giải mã" cho hành động thảm sát của Bùi Đức Thiên tại nhà ông bà nội y vào đêm 14-7 vừa qua, người ta phát hiện ra Thiên là một "cao thủ võ lâm" trong các trò chơi trực tuyến, rồi bàng hoàng nhận ra có tới 66% trò chơi game online lưu hành tại Việt Nam có nội dung bạo lực.

Có một thực tế là lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu game, đối kháng với lợi ích của xã hội. Bởi khi trẻ click chuột bắn hết nhân vật trong game, sự vô cảm, tàn nhẫn được tích tụ dần, trở thành sự lệch chuẩn, biến thái nguy hiểm trong nhân cách. Điều đó báo trước những thảm họa kinh hoàng trong đời sống thực, khi trẻ bước ra với cách hành xử như trong thế giới ảo.

Khi "địch thủ" là ông bà, cha mẹ

Đã mấy ngày trôi qua, người dân xứ núi Thượng Ấm, Sơn Dương, Tuyên Quang, chưa hết bàng hoàng trước vụ thảm sát đêm 14-7-2014 tại gia đình ông Bùi Đức Đăng (76 tuổi). Một người chết, hai người bị trọng thương với gần 100 nhát chém, đó là tất cả những gì Bùi Đức Thiên (16 tuổi) đã làm với ông bà nội và bà thím ruột của mình. Nghi can bị bắt giữ ngay sau đó, nhưng không ai có thể hiểu vì căn cớ gì mà thằng bé "xuống tay" với người thân của mình tàn độc như vậy. Chỉ khi nhân thân kẻ phạm tội được làm rõ, "thủ phạm" thực sự thúc đẩy y cầm dao mới lộ diện. Đó chính là thứ sót lại sau những trận "thư hùng" trong game trực tuyến.

16 tuổi, học hành dang dở, nhưng trong vùng Thiên có tiếng là một "game thủ" đẳng cấp. Để trở thành "bá chủ võ lâm" trong các game đâm chém máu me, Thiên thường xuyên trốn học, bỏ tiết. Trong nhà chỉ có chiếc xe đạp là đáng tiền, y cũng đem cắm nốt để lấy tiền chơi game. Hàng ngày Thiên đến trường như ai, nhưng không vào lớp mà tạt vào quán game gần đó, chơi miệt mài đến khi tan học lại cắp cặp về. Gia đình yên tâm vì con đi học đều. Chỉ khi nhà trường thông báo, đã nửa tháng Thiên không đến lớp thì ông Tuyến (bố Thiên) mới "té ngửa" vì con. Đánh mắng chán nhưng Thiên vẫn "chứng nào tật nấy", bởi cơn nghiện game dai dẳng đến đáng sợ.

Chịu không thấu, gia đình bắt Thiên nghỉ học ở nhà, đi đóng gạch thuê trong thôn để phụ giúp gia đình và để quản lý. Từ ngày bị bắt nghỉ học, phải đi làm cực nhọc, cái chính là không còn thời gian chơi game, Thiên bứt rứt khó chịu, sau tỏ ra lầm lì, bất mãn với gia đình. Đêm 14-7, xem hết hiệp 1 trận chung kết Wold Cup 2014, Thiên về nhà ông bà nội để ngủ. Bị ông bà nội và người thím nhắc nhở lỗi đi chơi về khuya, Thiên lẳng lặng đi lấy dao rồi điên cuồng lao vào chém gần trăm nhát vào người họ, gây nên vụ thảm án thương tâm.

Trước vụ án này vài ngày, hai tên sát thủ nhí "bé như hai cái kẹo" đã gây ra vụ giết cướp kinh hoàng tại xã Tức Tranh, Phú Lương, Thái Nguyên. Mong muốn trở thành "cao thủ" trong thế giới game, đã khiến Trần Văn Sơn (14 tuổi, học sinh lớp 7) và Trần Văn Đức (13 tuổi, học lớp 6) thâu đêm suốt sáng miệt mài "luyện công" tại các quán game online. Phần lớn thời gian cho bài vở, đã được chúng dùng để tranh "tài cao thấp". Kết quả học tập vì thế mà "tụt dốc không phanh". Năm học 2013- 2014 vừa qua đều bị lưu ban. Khi hết tiền chơi, Sơn và Đức bàn nhau đi trộm cắp tài sản. Đêm 2-7-2014 hai đứa đột nhập nhà người họ hàng là bà Hoàng Thị Nuôi (76 tuổi) để khua khoắng. Khi bị bà Nuôi phát hiện, chúng đã dùng gậy đập, kéo đâm bà đến chết để cướp số tiền hơn 4 triệu đồng, rồi "nướng" cả số tiền ấy vào game cho đến khi bị bắt giữ.

Thời gian qua trong cả nước nhiều vụ án thương tâm đã xảy ra liên quan đến game bạo lực. Vụ "nghịch tử" Nguyễn Hữu Tài (ở phường 2, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) giết mẹ đẻ vùi xác xuống hồ, chỉ vì mẹ không cho tiền đi chơi game; vụ Võ Huỳnh Khánh Hòa (ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, Phú Yên giết ông ngoại lấy 3 triệu đồng đi mua binh khí trên game "Võ lâm truyền kỳ"; vụ Phạm Quốc Thái (ở xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) dùng dao đâm chết ông ngoại rồi cắt đầu nạn nhân, thả xác xuống kênh... Đặc biệt là vụ Lê Văn Luyện thảm sát cả gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích - Bắc Giang để cướp tài sản, cũng là để trả nợ và chơi game online "Kiếm thế".

Điểm chung nhất giữa các vụ án kể trên, là động cơ gây án đều vì tiền để thỏa mãn cơn nghiện game, hoặc phản ứng thái quá khi bị người thân ngăn cấm không cho tiếp xúc với game. Hành động tội ác, thủ đoạn phi tang cũng do "học" được từ... game.

Các đối tượng Lê Văn Luyện, Nguyễn Hữu Tài, Võ Huỳnh Khánh Hòa


Giải mã tội ác

Phân tích sự biến thái nhân cách của trẻ khi tiếp xúc quá nhiều với game bạo lực, Thượng tá, TS Đỗ Anh Tuấn - Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm - Học viện CSND cho biết: "Do tác động của game dẫn đến những rối nhiễu tâm lý, sự vô cảm trước những tình huống thực tiễn, nhất là chúng hoang tưởng, trong hành vi ở cuộc sống thực. Người chơi game bị ảnh hưởng bởi cách hành xử trên game và "mong muốn" điều đó diễn ra trong đời sống thực tại. Người nghiện game lầm tưởng ứng xử ngoài đời như ứng xử của nhân vật trong game. Tiếp xúc quá nhiều với hành vi bạo lực, thường xuyên sống trong thế giới ảo, được tự do thực hiện mọi hành vi trong game mà lại không bị ngăn cản, trừng phạt và cứ thế, mỗi ngày người nghiện game, đặc biệt là giới trẻ bị tiêm nhiễm tính bạo lực từ các trò chơi, dẫn đến mất cảm xúc, không làm chủ được bản thân, có xu hướng tâm lý dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống".

Về vấn đề này, GS.TS tâm lý Vũ Gia Hiền nhận định: "Nghiện game online tác động trực tiếp lên đời sống tinh thần, dễ khiến con người mất khả năng kiểm soát cảm xúc. Nó ảnh hưởng trực tiếp lên vỏ não, chuyển hóa thành cảm xúc. Nếu bị ám ảnh bởi quá nhiều hình ảnh bạo lực, kích dục trong game... sẽ khiến cảm xúc của con người bị hỗn loạn, lâu dần trở nên chai sạn và không còn biết sợ, trở nên liều lĩnh, sẵn sàng đâm chém nếu cần thiết. Quan trọng hơn, khi nghiện game, khả năng trí tuệ sẽ giảm đi rất nhiều, không còn sáng suốt để nhận thức đúng sai".

Còn Đại úy Lê Minh Hải – Đội phó Đội Điều tra trọng án, Phòng CSHS Hà Nội cho biết: "Trong những vụ trẻ giết người vì game, thì nạn nhân thường là người gần chúng nhất. Bởi không gian hoạt động của trẻ vẫn trong phạm vi hẹp của gia đình, thôn xóm. Vì trẻ em còn non nớt nên chưa thể tự bảo vệ được mình trước tác động tiêu cực của những trò chơi bạo lực. Khi trẻ mang sự độc ác trong game vào cuộc sống hàng ngày, thì người chịu tác động trước tiên sẽ chính là người thân và hàng xóm. Trẻ nghiện game ngoài quán "nét", mỗi giờ chơi đều phải thanh toán bằng tiền. Muốn có "công lực thâm hậu", phải "luyện" qua ngày, qua tháng. Số tiền phải trả cho quán "nét" không hề nhỏ, tạo áp lực thúc bách trẻ phải làm gì đó để có tiền trả nợ và tiếp tục chơi. Khi đó, những hành động vi phạm pháp luật, thậm chí là tội ác sẽ diễn ra như một tất yếu, tự nhiên".

Cu lấy người trẻ

Những hành vi bạo lực không có giới hạn trong game, làm các "game thủ" bị cuốn hút vào vòng xoáy của những ảo ảnh, xa rời thực tại. Đó thực sự là một thứ nghiện ngập nguy hiểm không kém nghiện ma túy, bởi nó có khả năng làm thay đổi nhân cách, đời sống con người, là ẩn họa cho mỗi gia đình và cộng đồng xã hội.

Thạc sỹ Nguyễn Cao Cường - Giảng viên Trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: "Cứu lấy trẻ em trước tác hại của game bạo lực, luôn là mối lo toan trăn trở của các bậc cha mẹ. Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Theo tôi biết, ở nhiều nước việc phòng ngừa tác hại của game bạo lực trong thanh thiếu niên rất được chú trọng, vì họ nhận thức rõ nguy cơ "thoái hóa nòi giống" từ game. Tại Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc... đã xuất hiện những trung tâm trị liệu cai nghiện game cho trẻ em. Ở nước ta cũng có một số trung tâm cai nghiện game ở phía Nam được mở ra nhưng đã đóng cửa, vì hiệu quả thấp, tỷ lệ trẻ "tái nghiện" cao. Vì mới dừng lại ở việc "cắt cơn" nghiện về thể lý, tâm lý chứ chưa triệt để trong vấn đề nhận thức".

Theo ông Cường, để cai nghiện game nghĩa là cần "cai nghiện" từ trong nhận thức, chứ không chỉ là "cắt cơn". Thay đổi nhận thức phải từ người lớn, từ các bậc làm cha làm mẹ, rồi mới mong thay đổi cách nghĩ cho trẻ. Trước hết, phải nhận ra nguyên nhân nào khiến trẻ mắc nghiện game. Ở nhiều gia đình, cha mẹ quá bận bịu với công việc, nhà cửa luôn trống vắng, đẩy trẻ tìm đến với game để giải khuây. Sự thiếu thốn sân chơi, thiếu nơi giải trí lành mạnh cũng là tác nhân đưa trẻ vào con đường nghiện game. Áp lực học hành, gặp thất bại mà không biết giải quyết, nhu cầu giải quyết nỗi cô đơn, muốn có quan hệ, muốn khẳng định mình... cũng khiến trẻ tìm đến game.

"Để phòng ngừa và cai nghiện game cho trẻ, phải bắt đầu từ cha mẹ, với việc tăng cường quan tâm trao đổi, tâm tình với con cái. Qua đó, định hướng cho con về mục tiêu, lý tưởng sống, trang bị những kiến thức, đạo lý để phân biệt tốt - xấu, giúp chúng có chọn lựa đúng đắn. Bên cạnh đó, không ngừng giám sát hoạt động của con. Cảnh giác cao trước các biểu hiện khác lạ của chúng trong việc sử dụng tiền bạc, thời gian, tính khí thay đổi, kết quả học tập sút kém. Cần kiểm soát tốt thời khóa biểu của con, quản lý máy tính kết nối mạng Internet trong nhà, ngăn chặn các trang web xấu và kiểm tra những địa chỉ con hay truy cập. Với trẻ đã sa vào nghiện ngập game online, cần cách ly ngay khỏi môi trường nguy hiểm, nhưng không "giam nhốt" như nhà tù. Lúc này, tình thương yêu, tâm thế sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, kiên nhẫn trao đổi và phân tích cái tốt, cái xấu của game, gia tăng các hình thức giải trí có tính cộng đồng, chơi trò chơi tập thể để giáo dục, tương tác… sẽ là những liệu pháp tâm lý tốt nhất để trẻ từng bước thay đổi nhận thức, vượt qua cơn "sốc" cắt cơn và tái hòa nhập" - ông Cường tư vấn.