Nhà sư hoàn tục và câu chuyện hiến gan, thận

ANTĐ - “Vừa rồi tôi có đi làm xét nghiệm để cho thận ông Huấn luyện viên trưởng bóng đá Việt Nam - ông Rít đờ (Alfred Riedl - PV) người Áo mà không hợp. Tôi về Viện Nhi để hiến gan mà không thành công. Vậy quý vị đừng ngần ngại, cháu nào cần đến sự sống, tôi sẵn lòng sản sẻ sự sống ấy cho cháu…”. Những lá thư như thế từ một nhà sư liên tiếp được gửi đến các bệnh viện, nhưng đều không nhận được hồi âm, vì các bác sĩ nghĩ chắc ai đó… đùa dai. Thế nên, ròng rã nhiều năm trời gửi thư, và đến tận các bệnh viện để xin hiến gan, thận, mơ ước ấy của anh mới thành công…

Chuông chùa giác ngộ nghịch tử

Căn nhà ba gian nhỏ của anh Phạm Văn Thọ (xã Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang) nằm yên bình ven con đường làng nhỏ xíu, xây đã lâu nhưng chưa vôi ve, tu sửa gì. Anh Thọ với vẻ mặt phong trần nhưng hiền khô, có vẻ ít nói. Công việc hàng ngày của anh là ở nhà chăm hai con nhỏ, đồng thời chăn nuôi và nấu rượu để vợ đi làm. Với một người đàn ông như vậy, thật khó để hình dung anh đã từng qua những thăng trầm lớn của cuộc đời, đã từng mắc những sai lầm, thậm chí bên bờ vực của sự sa ngã mà đứng dậy, mà hướng thiện. 

Anh Thọ là con trai duy nhất trong một gia đình nông dân nghèo 6 chị em, bố là thương binh nặng còn mẹ vì lao động cực nhọc nên liên tục đau yếu. Năm Thọ 6 tuổi thì mẹ qua đời, 2 năm sau thì đến lượt bố. Thương cháu, một người cậu nhận Thọ về nuôi, nhưng cũng chỉ được ít năm, lớn lên một chút thì cậu gửi Thọ vào một ngôi trường dành cho con thương binh liệt sĩ, trẻ mồ côi ở Bắc Ninh. Các chị Thọ sau đấy đi lấy chồng hết, vì miếng cơm manh áo nên thăm nom thưa dần, Thọ không còn chỗ dựa, khoảng trống tình cảm và giáo dục không gì bù đắp được, Thọ dần trượt dài với những trò nghịch ngợm hư hỏng cùng đám bạn xấu. Thọ ngập chìm trong thuốc lá, rượu chè, lô đề, cờ bạc, gây gổ, đánh nhau… Đáng buồn nhất là Thọ phải lén lút các chị bán đi mảnh đất hương hỏa bố mẹ để lại vì chơi bời. Sau đó Thọ xin đi học lái xe rồi lang bạt khắp trong Nam ngoài Bắc kiếm sống, hết lái xe, trông xe, thậm chí còn làm bảo kê cho các nhà hàng.

Năm 1990, Thọ vào Lâm Đồng làm thuê, nhận công việc trông coi vườn cà phê cho Tu viện An Lạc. Những ngày đầu vào tu viện, Thọ không khỏi bất ngờ, hóa ra ngay trong lòng cuộc sống xô bồ đầy bon chen, dẫm đạp lên nhau mà Thọ đang sống, vẫn có một nơi bình yên đến thế, nơi ấy mọi lo toan, ân oán, mưu lợi dường như không tồn tại. Mỗi ngày ngửi mùi nhang trầm, nghe tiếng chuông chùa, nuốt từng lời kinh, Thọ thấy lòng mình tĩnh lại, giờ đây anh mới thấy những năm tuổi trẻ mình đã sống hoài sống phí thế nào. Ý nghĩ “đi tu” nhen nhóm trong anh từ đó, nhưng nghĩ đến trọng trách của người con trai duy nhất trong gia đình, nhiều lần giằng xé anh. Cuối cùng như cái duyên, anh đã đề đạt ý nguyện với sư trụ trì và sau nhiều lần thể hiện sự quyết tâm, cuối cùng anh cũng được sư trụ trì đồng ý. Anh lấy pháp danh là Thích Đạo Tín. 

Quy y cửa Phật, cuộc sống của Thọ được “gò” vào khuôn khổ, sáng sớm tinh mơ đã phải dậy tụng kinh, ngồi thiền, rồi bắt đầu đi cuốc đất trồng cây, ăn uống thì đạm bạc mà vẫn phải làm việc cực nhọc. Đã có lần sư trụ trì khuyên anh nếu không chịu được có thể “hoàn tục” bất cứ lúc nào, nhưng anh vẫn quyết theo nghiệp tu hành. Những tháng ngày ở Tu viện An Lạc không chỉ rèn cho Thọ một nếp sinh hoạt lành mạnh, mà còn giúp anh thấm nhuần giáo lý nhà Phật. Anh bảo, đúng là “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, giáo lý nhà Phật như một ngọn đuốc giác ngộ tâm hồn anh.

Gian nan thực hiện ước mơ… hiến thận

Ý nghĩ về việc hiến tạng lần đầu nhen nhóm trong nhà sư từ một lần xem chương trình về hiến gan trên truyền hình, rất nhiều người đã từ cõi chết trở về khi được người khác cho một phần cơ thể. Cái suy nghĩ rằng sự sống con người là quý giá nhất, nếu chỉ bớt một phần thân thể của mình mà cứu sống được một con người thì đó chính là việc làm ý nghĩa nhất của người tu hành. Thế là sau nhiều ngày suy nghĩ, sư thầy liền viết thư gửi về Bệnh viện Nhi Trung ương với mong ước được hiến gan. Những lá thư cứ gửi đi, nhưng không hiểu vì lý do gì mà mong ước của nhà sư không được thực hiện. Rồi sư nghĩ hiến gan khó thì chuyển qua hiến thận.

Thế là một lần, tình cờ đọc bài báo về một em bé bị suy thận nặng, đang đấu tranh với cái chết, sư thầy lập tức bắt xe ra Hà Nội với hy vọng hiến thận cho em nhưng đã muộn. Xuống đến viện, anh càng thấy được còn quá nhiều người bất hạnh, mình nhất định phải làm điều gì đó cho họ. Năm 2004, sư thầy Thích Đạo Tín về trụ trì tại chùa Vĩnh Ninh (Phú Thọ), những lá thư hiến gan, hiến thận của nhà sư gửi đi vẫn không được hồi âm. Nghĩ thế, vị sư trẻ tuổi lại lặn lội xuống bệnh viện hỏi thăm thì các bác sĩ mới ngạc nhiên cho biết họ tưởng có ai đùa dai, vì trước nay có nhiều người viết thư xin hiến nội tạng, nhưng khi có người cần thì họ lại từ chối. Và họ hẹn khi có bệnh nhân phù hợp sẽ liên hệ với nhà sư. Lại có lần nghe tin một bệnh nhi ở Hà Nội cần ghép gan, sư thầy bắt xe xuống nhưng sau khi làm các xét nghiệm thì lại không tương thích. Có nhiều bệnh nhân tìm đến sư thầy, nhưng sau đó không biết có phải sợ “lấy của nhà chùa” mang tội hay không, họ không dám nhận nữa. Lần khác, khi truyền thông đưa thông tin Huấn luyện viên đội tuyển bóng đá Việt Nam Afred Riedl cần ghép thận, nhà sư lại lặn lội đến viện để làm các xét nghiệm, tiếc thay lại có 2 chỉ số không tương thích nên không thể hiến được.

Dù hành trình hiến thận khá khó khăn, nhưng sư thầy Thích Đạo Tín khi đó vẫn không từ bỏ ý định. Đến khi năm 2007, có một trường hợp bệnh nhi là cháu Nguyễn Hữu Hiệp đã được bệnh viện giới thiệu đến gặp sư thầy. Gia đình Hiệp vô cùng khó khăn, bố chỉ làm công nhân, mẹ thì bán hàng ngoài chợ, bản thân em bị suy thận dù đã ghép một quả thận của cha nhưng sau một đợt nhiễm siêu virus, lại phải chạy thận. Đó là lý do hai cha con lặn lội lên tận Phú Thọ để xin sư thầy một quả thận. Lần ấy, sư thầy căn dặn những người ở lại trông coi chùa cẩn thận, thầy đi có việc rồi lẳng lặng bắt xe xuống Hà Nội. Mãi đến mấy ngày sau, bệnh viện gọi về thông báo sư thầy vừa hiến thận thì mọi người mới biết. Có lẽ với sư thầy Thích Đạo Tín ngày ấy, và anh Thọ bây giờ, một trong những kỷ niệm vui nhất là ngày cha con Hiệp xuất viện mừng mừng tủi tủi vì ca phẫu thuật thành công tốt đẹp. 

Hoàn tục nhưng vẫn nuôi ý định hiến gan

Nói về lý do hoàn tục, lấy vợ, sinh con, anh Thọ chỉ nói đơn giản là “hết duyên”, bởi đến được cửa chùa cũng cần phải có cái duyên, mà hết duyên rồi thì rời cửa chùa chứ đừng làm gì ảnh hưởng đến nhà Phật. Anh Thọ cho biết, sau khi anh hiến thận thì gia đình mới biết anh còn sống, thế là các chị lên thăm, hết động viên, khuyên nhủ rồi khóc lóc, viết thư mong anh hoàn tục. Cả dòng họ có một mình anh là con trai độc nhất, nếu anh đi tu thì lấy ai nối dõi tông đường, hương khói cho cha mẹ. Cuối cùng, anh tự nhủ mình đã “hết duyên” với cửa chùa, nên năm 2007 anh đã quyết định hoàn tục, trở về quê hương. Năm 2009, anh xây dựng gia đình với một cô gái trẻ mới học xong phổ thông. Mới đầu, gia đình nhà vợ cũng ra sức phản đối, vì nghĩ anh hiến một quả thận rồi, chắc gì đã sinh được con. Dù vậy, với quyết tâm của cô gái trẻ, cuối cùng lễ cưới cũng diễn ra và đến nay anh đã có 2 đứa con, một trai, một gái.

Dù đã xuất gia, nhưng anh Thọ cho biết mình vẫn nuôi ý định hiến một phần gan cho người nào cần, anh muốn là người đầu tiên hiến hai tạng xem sự sống ra sao. Rất may ý định đó của anh được người vợ đồng tình, bởi đó là “tâm nguyện của anh”. Anh bảo, giáo lý nhà Phật đã dạy rằng “người thọ thí mới là ân nhân của người bố thí”, chính vì vậy anh quan niệm chính những người nhận từ anh một phần thân thể mới là ân nhân, giúp anh làm việc thiện, thực hiện tâm nguyện ấp ủ nhiều năm. Trong xã hội xô bồ này, anh hy vọng việc làm của mình sẽ là tiếng chuông thức tỉnh mọi người sống tình nghĩa, yêu thương nhau nhiều hơn.