Người phụ nữ không chồng 30 năm “làm bạn” với… xác chết

ANTĐ - Bốc mộ vốn là nghề của đàn ông và cũng phải là nghề của những người… cứng bóng vía. Ây vậy mà hơn 30 năm qua có một người phụ nữ vẫn đều đặn hàng ngày gắn bó với công việc đào xương rửa cốt này. Chị âm thầm làm việc giúp đỡ nhiều gia đình một cách tận tâm, chu đáo chỉ với một tâm niệm giúp đỡ những người đã khuất về thế giới khác một cách trọn vẹn.

Duyên tiền định

Thẳng theo con đường Quốc lộ 1A, chúng tôi tìm về làng Đại Cầu, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Đến đây hỏi nhà chị Bình bốc mộ thì ai cũng biết. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm cuối làng là nơi sinh sống của 2 mẹ con chị. Dáng người to cao, khuôn mặt tròn phúc hậu, chị Bình niềm nở tiếp chúng tôi. Chị bảo “Đợt này ít người sang cát chứ cuối năm thì đông lắm, làm không xuể”. Tính đến nay đã là gần 30 năm chị làm công việc này. Từ năm 13-14 tuổi chị đã theo cha đi khắp nơi, làm mọi việc từ đồng áng, cuốc mướn đến công việc bốc mộ. Cha chị vốn là người chuyên bốc mộ nổi tiếng trong vùng nên nhà nào có việc cũng tìm đến ông. Nhiều lần theo cha đi bốc mộ, phụ giúp cho cha nên chị cũng biết được quy trình bốc mộ là như thế nào. Như duyên định sẵn, hôm đó, có người tìm cha chị để bốc mộ nhưng ông lại uống rượu say, không thể đi được. Thấy vậy, chị nhận lời, cầm đồ nghề làm thay ông. Lần đầu tiên ấy cũng là lần chị nhớ mãi. Bình thường cha bốc mộ chỉ làm một tiếng là xong nhưng hôm đó lần đầu tiên mở áo quan, chị giật mình khi thấy người chết da thịt vẫn còn nguyên, chưa phân hủy hết. Không còn cách nào khác chị phải dùng dao, tách từng lớp thịt ra, sau đó nhặt từng khúc xương, rửa nước thơm rồi xếp lại gọn gàng vào tiểu sành. Làm một lần thành quen, chị không còn cảm giác sợ hãi gì nữa. Từ đó, nghề bốc mộ gắn với chị như duyên tiền định.

Việc bốc mộ thường tiến hành vào ban đêm và tùy thuộc vào gia chủ, thông thường diễn ra lúc 1h -2h đêm và kết thúc trước khi trời sáng. Trong cái lạnh đêm khuya, khi mọi người còn trong giấc ngủ, chị đã lên đường. Giữa đêm, giữa nghĩa địa hoang vu, dưới ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn nhỏ, cỗ quan tài mục nát dần hiện ra, sau khi mở nắp quan, đập vào mắt chị là bộ xương người nằm trong vũng nước đen đặc. Mùi tử khí bốc lên khiến ai cũng buồn nôn. Có người không chịu được còn bị ngất. Có lần gặp phải mả kết, thi thể trong quan tài còn nguyên vẹn. Mở nắp quan tài ra, mùi tử khí xộc lên khiến chị ngất xỉu. Sau lần ấy chị định bỏ làm. Nhưng mọi người mỗi lần sang cát lại chạy đến tìm chị khiến chị không thể từ chối. Chị tâm sự: Nếu không làm công việc này chắc tôi đã có một mái ấm yên ổn như bao gia đình khác. Tôi cũng từng yêu và chung sống với một người đàn ông như vợ chồng. Được nửa năm, người yêu bỏ đi để lại tôi với cái thai đã 6 tháng. Tôi quyết định ở vậy sinh con và nuôi con, tiếp tục làm công việc này một phần vì mưu sinh, một phần vì mong con cháu sẽ được hưởng phúc lâu dài.

Trợ thủ của nhân viên pháp y

Luôn tâm niệm làm công việc cho người đã khuất nên mọi thứ với chị phải thật chu đáo, cẩn thận. Nhiều năm qua, dù từng đêm phải tiếp xúc với mùi tử khí và sương lạnh thấm qua hơi thở, da tay nhưng chưa một lần chị dùng găng. Chị bảo, đeo găng cảm giác không thật nên nếu bị bỏ sót xương thì thật có lỗi với người đã chết. Tiền công cho công việc của chị thường là tùy tâm, gia chủ trả bao nhiêu chị nhận bấy nhiêu, không đòi hỏi, tính toán. Với những gia đình khó khăn, chị làm giúp không lấy tiền. Chị Bình kể: Có lần gặp gia đình bố mẹ mất sớm, 2 chị em còn nhỏ tuổi, thôi thì mình làm giúp người ta chứ bọn trẻ còn nhỏ lấy đâu ra tiền.

Kinh nghiệm nhiều năm làm nghề nên nhìn đất là chị biết ngay là ca khó hay dễ. Nếu phần mộ khô, đất cứng, người mất lại chết vì bệnh tật hay dùng nhiều thuốc men là trong đồ nghề của chị bao giờ cũng có thêm con dao để tiện làm việc. Và y như rằng những lần đó đều phải dùng đến dao để róc thịt. Nhớ lại những lần đi bốc xác, chị vẫn không quên kỷ niệm có một ngôi mộ dù đã được chôn cất hơn 6 năm nhưng người trong quan tài vẫn còn nguyên da thịt như lúc mới mất. Người nhà nài nỉ xin làm giúp, chị phải nhắm mắt róc từng thớ thịt, nhặt từng khúc xương. Lại có lần xác trong quan tài chưa phân hủy hết, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên khiến người nhà phải chạy ra xa, chỉ còn mình chị đứng trong làn nước thối rữa, nhặt từng đoạn xương rồi rửa cẩn thận. Một lần bốc mộ cho một cụ ông, chị tìm được mấy chỉ vàng và 9 tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng trong túi áo cụ. Chị cũng thật thà đưa trả hết lại cho gia chủ. Chủ nhà có ý muốn bồi dưỡng cho chị. Chị lại dùng số tiền ấy thắp hương người đã khuất chứ thực sự không muốn tiêu. 

Ngoài công việc bốc mộ, chị còn giúp các gia đình vớt xác người chết đuối và khâm liệm cho các nạn nhân chết do tai nạn giao thông. Chị kể, có lần đi qua đường tàu, phát hiện thấy xác người bị tai nạn, cắt thành nhiều mảnh. Người dân xung quanh không dám giúp đỡ vì sợ. Thấy cảnh đó, chị không thể khoanh tay đứng nhìn. Chị lao vào nhặt từng mảnh rồi chùi rửa chỗ máu cho sạch sẽ. Cán bộ pháp y thường gọi chị là trợ thủ của nhân viên pháp y. Ở đâu có người xấu số chết đường, chết chợ là họ lại gọi chị tới giúp. Cách đây không lâu, ở xóm bên cạnh, có cụ bà sống một mình, chết trong nhà lúc nào không hay. Đến khi mọi người phát hiện thì xác chết đã ở trong giai đoạn phân hủy mạnh, trong nhà bốc mùi hôi thối. Thấy vậy chị lại xắn tay vào làm cho bà cụ đỡ tủi thân, ra đi thanh thản. Mọi người từ xa đứng nhìn, không ai dám vào trong nhà. Chỉ có mình chị vào trong thay quần áo, lau rửa người rồi khâm liệm cho cụ như con cháu trong nhà.

Còn sức khỏe thì vẫn còn làm

Dọc bờ sông Đáy, sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nam, nhiều người biết đến cái tên chị Bình vớt xác. Chị không nhớ mình đã vớt được bao nhiêu người chết đuối, khâm liệm cho bao nhiêu người bị tai nạn giao thông. Chị chỉ biết thấy việc mình có thể làm được là làm, với mong muốn duy nhất là tích đức cho con cháu sau này. Nhiều người biết đến chị nên dù ở các tỉnh xa như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên cũng nhờ chị đến làm công việc sửa sang cho người chết. Gần gũi với xác chết mãi thành quen nên hầu như chị không sợ gì. Biết có người chết đuối, chết trôi, là chị tới đó luôn. Có những cái xác đã chết gần 1 tuần, bụng trương phềnh lên, bốc mùi khó chịu. Đứng nhìn cũng thấy hãi chứ đừng nói chạm vào. Nhưng chị không nề hà, ngồi xuống lau chùi. Có xác chết đuối vớt lên, chị phải lấy tay móc hết rác rưởi, rớt, dãi trong miệng họ, rồi lau khô người, thay quần áo và liệm cho họ. 

Người con gái duy nhất của chị đã lấy chồng xa, chỉ còn chị và mẹ già sống trong căn nhà nhỏ. Con chị không muốn chị làm mãi nghề này nhưng với chị công việc ấy như duyên trời định, đã nhiều lần chị muốn từ bỏ mà không được. Sau gần 30 năm bốc mộ, do thường xuyên phải thức đêm và tiếp xúc nhiều với tử khí nên sức khỏe chị ngày một yếu đi. Nhưng chị vẫn tâm niệm: còn sức khỏe ngày nào thì còn đi làm vì mọi người đến nhờ, mình không giúp thì thấy áy náy vô cùng. Vào mùa bốc mộ có ngày chị làm tới 6-7 ca, với trường hợp nào chị cũng làm cẩn thận, chu đáo và nhiệt tình nên các gia đình nhờ chị đều yên tâm, không phải lo lắng gì. Chị chia sẻ: Lắm hôm chị như người đi chạy sô, vừa xong nhà này lại phải chạy sang nhà khác. Ngửi mùi tử khí và hương khói u hết cả đầu, thế nhưng đây là việc của người đã khuất nên dù có mệt cũng phải làm thật cẩn thận, chu đáo. 

Bốc mộ vốn là nghề của đàn ông và cũng phải những người cứng bóng vía, đủ can đảm đào huyệt, bật nắp quan tài, rửa hài cốt lúc nửa đêm mới làm được. Phụ nữ làm nghề này có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng chị Bình đã gắn bó với nghề gần 30 năm. Chị bảo, nếu mong làm giàu từ nghề này thì không bao giờ có thể làm được. Tiền kiếm được từ việc bốc xác chỉ đủ cho chị trang trải cuộc sống, chưa kể đến việc có thể gây tổn hại cho sức khỏe. Thế nhưng chị lại mong giúp đỡ những người đã khuất về một thế giới khác một cách trọn vẹn và tích được thật nhiều phúc đức cho con cháu.