Người đưa đò không công

ANTĐ - Nhiều năm nay, cho dù sớm nắng cũng như chiều mưa dầm, cứ 4h sáng là ông thức dậy chuẩn bị cho chuyến đò đầu tiên bắt đầu lúc 5h30’ để đưa đám con trẻ làng vượt con nước để đi tìm con chữ, kết thúc công việc đưa đò của mình lúc 21h. Âm thầm như con đò, lặng lẽ như mặt nước sông, công việc đưa đò nhẫn nại ấy ông không nhận bất cứ đồng tiền công nào. Chuyện về ông lạ kỳ nhưng hoàn toàn là sự thật rằng nhiều lúc ông không kịp thắp nén nhang cho bố trong ngày giỗ vì không được ai chèo đò thay; hay nhiều đêm ông lại tức tốc lên đường để đưa người qua sông để kịp cứu người cấp cứu…

Chuyện ở một khúc sông 

Về vùng quê của Trạng Trình, tại thôn Lô Đông, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, ông Chủ tịch xã Vĩnh Long cho biết: Làng Lô Đông có hơn 130 hộ gia đình vói 450 nhân khẩu. Từ nguồn gốc lịch sử làng bị chia cắt bởi dòng sông Hóa giáp ranh với xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình nên từ lâu việc đi lại của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Các em học sinh trong làng Lô Đông muốn đến trường trong trung tâm xã phải qua được khúc sông này. Cũng chính vì thế mà chính quyền địa phương đã dành kinh phí mua sắm phương tiện và cắt cử người làm nhiệm vụ chở đò. Nhưng chỉ được một thời gian, họ lần lượt xin nghỉ vì công việc phải thức khuya dậy sớm, mưa nắng mệt nhọc mà công cán thì chẳng đủ mưu sinh. Chưa hết, từ ngày Nhà nước quy định những người chở đò phải có chứng chỉ hành nghề, hàng loạt các địa phương phải thay người lái, xã Vĩnh Long cũng vậy.

Từ câu chuyện với ông Chủ tịch xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Khương, một người rất nổi tiếng với người dân quanh vùng, ông cũng là người “trụ” lại lâu nhất với con đò này. Chuyện là tìm mãi không có “ứng cử viên” nào kế nhiệm “hội tụ” đủ điều kiện, nhiều người lo lắng nếu sự việc này kéo dài thì chuyện đi lại, sinh hoạt, đặc biệt là cái đám con trẻ ngày ngày đi học sẽ bị gián đoạn thì ông Trần Văn Khương ứng cử. Vóc dáng nhỏ, gầy, ngồi lặng lẽ thu mình trên khoảng đất ven sông, thấy người lạ, ông thoạt giật mình, ông Khương bảo: “Người lạ qua đây tôi nhận ra ngay. Tôi đang nhẩm tính xem thời gian bọn trẻ đi học về để chuẩn bị đò chở chúng qua sông”… 

Những chuyến đò ấm áp tình người 

“Có sẵn bằng lái trong tay cộng với kinh nghiệm lái tàu lâu năm, sau nhiều đêm trăn trở bàn đi tính lại với gia đình, con cái, tôi quyết định bỏ việc lái tàu chở cát trên sông xin “ứng cử”. Ban đầu, vợ tôi không đồng ý bởi tự dưng mất thu nhập hàng tháng cộng với một người phải cơm nước, chăm sóc cho tôi. Thành ra, gia đình thiệt thòi quá. Nhiều người cũng cho rằng tôi bị “chập cheng” khi lại làm cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhưng vì thương bọn trẻ con trong làng, chúng phải chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn trong xã trên con đường đi tìm con chữ, tôi quyết định sẽ hàng ngày chở các cháu đi học”, ông Khương tâm sự. Mỗi ngày, chi phí cho việc mua dầu hết khoảng vài chục nghìn đồng, tuy nhiên, tất cả học sinh và nhân dân trong xã qua đò này đều không mất một đồng nào cả. Chỉ có những người ngoài xã mới mất vài đồng bạc lẻ. Bà Trần Thị Lý (SN 1959), vợ ông Khương) cằn nhằn, rồi bảo ông nghỉ việc ở nhà chơi cho đỡ mệt người, lại không phải bỏ tiền túi ra mua dầu chạy đò. Nói đến đây ông Khương cười xuề xòa: “Thì tôi cứ cố gắng lái đò đưa lũ trẻ qua sông. Biết đâu có ai thương tình, mình lại có thêm thu nhập”. 

Đã có nhà bên làng, ông cất thêm một chiếc “lều” để làm chỗ chui ra chui vào. Từ ngày chèo đò, “chiếc lều” này thành ngôi nhà chính của ông với mọi sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ. Căn nhà cấp 4 mà nhiều người gọi vui là “lều ông Khương” ấy lỉnh kỉnh nào là phao cứu hộ, áo cứu hộ do Đoàn Thanh niên tặng, chiếc giường đã ọp ẹp và vài bộ quần áo đơn sơ. 3 giờ chiều, con đò của ông Khương vẫn cần mẫn chở khách qua sông. Vừa chèo đò, ông vừa nói chuyện rôm rả với những học sinh vừa hết giờ học thêm hè. Mỗi ngày có tới hàng chục chuyến đò qua lại trên con sông Hóa này. Đều đặn, bất kể ngày nắng, ngày mưa hay giông bão, ông Khương dậy từ lúc 5 giờ sáng để chở chuyến đò đầu tiên, chuyến muộn nhất nhiều khi đến 9, 10 giờ tối là lúc các học sinh đi học thêm về, ông không ngại thức chờ đưa về chuyến đò cuối an toàn. Đặc biệt là khi vào vụ mùa màng, chuyến đò của ông còn nặng trĩu thóc lúa thu hoạch của các gia đình trong thôn. Những gia đình có con học cấp III nhiều lần đến gặp và muốn bồi dưỡng cho ông chút tiền để đổ xăng dầu ông toàn gặt phắt đi. Gặp gỡ chúng tôi, ông Khương trải lòng về lựa chọn mà ông chưa bao giờ thấy hối hận, và cái lý do vì sao ông chở đò không công: “Động lực duy nhất của tôi là được thấy bọn trẻ học giỏi, chăm ngoan. Thôn xóm dù nghèo đấy nhưng không thể để các cháu bỏ lỡ chuyện học hành. Còn chuyện tôi không lấy tiền của bà con thì cũng không có gì to tát, tôi làm để vui qua ngày thôi”. Qua nhiều năm chèo đò, tay chân ông chai sần hết cả, khuôn mặt sạm đi vì nắng. Ông bảo, bây giờ thì đỡ mệt hơn vì có đò lớn lại gắn máy nổ.

Nỗi niềm của “cây cầu sống”  

Làm cái nghề tưởng chừng đơn giản này không được phép nghỉ ngơi bất cứ ngày nào, kể cả ngày người thân ruột thịt qua đời hay họ hàng có đám cưới hỏi. “Vào ngày giỗ bố và ngày làm đám tang cho anh trai ruột, ông bác ruột, ông ấy cũng chỉ có mặt vào phút chót vì không thể để đò không người lái. Vừa chèo đò, ông ấy vừa đau đáu nghĩ xem gia đình lo liệu công việc đến đâu. Thế là tôi phải đi nhờ vả mấy người hàng xóm ra thay ca để ông ấy chạy về thắp cho bố, cho anh nén nhang. Nghĩ lại thấy tủi…”, bà Trần Thị Lý tâm sự. Với ông Khương, chèo đò cũng là một đam mê và nghệ thuật. Ông cho biết: “Chỉ có khúc sông ngắn như vậy nhưng cần phải tỉnh táo, bình tĩnh mọi lúc, đặc biệt là mùa nước lớn tháng 6, tháng 7. Phải phân biệt được âm thanh tàu chạy dưới nước và xe chạy trên bờ, bởi chỉ cần phút sơ sẩy là chiếc đò nhỏ này có thể bị va chạm với nhiều tàu lớn khác chạy trên sông, gây nguy hiểm chết người”. Kỷ niệm vui nhất trong 6 năm có lẻ chèo đò của ông Khương là đưa những đám cưới qua sông, ông kể chuyến đò đầu tiên sẽ là chở xe hoa, chuyến kế tiếp chở đến gia đình hai bên… Trước ông Khương, đã có rất nhiều lái đò đã thực hiện công việc ý nghĩa mà thầm lặng này. Trong đó, lâu năm nhất là cụ Trần Văn Thông (90 tuổi), ở thôn Lô Đông, bác ruột của ông Khương. Từ ngày còn nhỏ, cụ Thông cũng ham mê cái nghề chèo đò. Tại vựa đất ven sông, cụ trồng một cây xanh năm nay đã 33 tuổi, tỏa bóng mát cho người chờ đò. 

Ông Khương khoe với chúng tôi chiếc đò ông đang chở đã được UBND xã Vinh Long “thay áo mới” bằng cách cải tiến phần đáy từ thân gỗ thành sắt nên vững chãi hơn nhiều. Chúng tôi cũng chia sẻ niềm vui với ông Khương khi ông được UBND TP Hải Phòng ghi nhận bằng bằng khen, rồi ông được tham gia ứng cử giải thưởng KOVA dành cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, là tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội, tham gia các hoạt động từ thiện, có tính nhân đạo cao cả, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình, xã hội thì ông bảo đó là động lực rất lớn, khích lệ ông phải làm tốt hơn nữa công việc ý nghĩa này. Ông Khương chia sẻ: “Với tôi luôn đau đáu nuôi mơ ước về một cây cầu nho nhỏ bắc qua sông Hóa. Trên mỗi chuyến đò tôi vẫn luôn nhắc nhở lũ trẻ cố gắng học giỏi, sau này về xây dựng cây cầu để phát triển quê hương”. 

Chia tay ông Khương, chúng tôi vẫn mang theo mình nỗi trăn trở về mảnh đất và con người nơi ấy. Dường như không còn ranh giới nào giữa nỗi vất vả nhọc nhằn và sự hy sinh thầm lặng nhưng vẫn bừng sáng cả niềm tin lẫn hy vọng về một tương lai tương sáng của thế hệ trẻ. Ở con đò nhỏ ấy có tình người ấm áp và vẹn nguyên nụ cười đôn hậu của người lái đò sông Hóa. Khi được hỏi sẽ chèo đò đến khi nào, ông Khương đưa tay quệt mồ hôi và bảo: “Đến khi nào không còn sức khỏe để chèo đò nữa, tôi sẽ nghỉ”. Câu nói tưởng chừng giản dị trên mà chất chứa bao nhiêu nỗi niềm của một lão nông có tấm lòng cao cả được ví như “cây cầu sống” nối liền đôi bờ sông Hóa - người ngày ngày tân tụy đưa lũ trẻ bên xóm nghèo thôn Lô Đông được chạm vào dòng sông tri thức.