Ngư dân tật nguyền thành “ông vua cua dẹp”

ANTĐ - Đến đảo Bé (xã An Bình, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi), ai cũng là biết và nể phục Bùi Huệ - người ngư dân tật nguyền luôn cháy trong mình tình yêu biển đảo quê hương và ý chí vượt lên số phận.

Ngày ngày, 2 chú chó chở “ông vua cua dẹp” Bùi Huệ ra bờ biển, cho vơi nỗi nhớ khơi xa

Liệt chân vì hải sâm

Hơn chục năm trước, khi đó Bùi Huệ 26 tuổi, anh làm thuê giã cào cho một người bà con ở Lý Sơn. Dù có chăm chỉ đến đâu thì nghề này cũng chỉ  giúp anh thoát đói chứ không thể làm giàu, nhất là khi Huệ lại là trụ cột của gia đình. Bởi vậy khi có người rủ đi bắt hải sâm ở Trường Sa, Huệ đồng ý ngay. Hải sâm có giá trị rất cao, mỗi con có giá cả chỉ vàng. Huệ nhớ như in chuyến đầu tiên ra khơi bắt hải sâm ngày 7-11-2001, anh ước kiếm được vài chỉ vàng để cái Tết năm đó gia đình được no đủ hơn. Nhưng đó là chuyến đi định mệnh của cuộc đời anh. Bố mẹ anh bàng hoàng khi hay tin: “Huệ bị đột quỵ sau cú lặn sâu 50m, đang trên đường đưa vào bờ”. Đây là một trong những rủi ro của nghề thợ lặn bởi lẽ khi lặn ở độ sâu 50-60m mà nhô lên khỏi mặt nước một cách đột ngột, áp suất thay đổi nhanh sẽ dẫn đến đột quỵ. Sau 2 tháng chữa trị, Huệ giữ được tính mạng nhưng bị liệt nửa người. Chuyến đi bắt hải sâm đầu tiên cũng là chuyến đi cuối cùng. Phần đời còn lại của Huệ gắn liền với chiếc xe lăn.

Chân không đi lại được, Huệ mơ có một chiếc xe lăn chỉ là để có thể tự mình lăn từ nhà ra mép nước nhìn biển cho đỡ nhớ khơi xa. May mắn một người quen ở đảo Lớn (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) tặng Huệ chiếc xe lăn đã cũ. Những con đường trải dài cát vốn thơ mộng giờ đây trở nên nhọc nhằn, gian nan với từng vòng quay bánh xe. Đôi tay rắn rỏi của một ngư phủ nhiều khi cũng phải bất lực, nhất là những lần lăn qua dốc Đụn gần nhà. Hòn Đụn ở đảo Bé (Lý Sơn) với du khách là một thắng cảnh tuyệt vời nhưng với Huệ lại là nỗi ám ảnh kinh hoàng bởi không biết bao lần đi đến đây thì cả anh lẫn xe đều ngã bổ nhào. Vừa đau đớn, lại không thể đứng dậy, Huệ chỉ biết trông chờ sự giúp đỡ của người qua đường.

Mỗi lần như vậy, trong đầu Huệ nảy ra sáng kiến: Giá như có con chó để nó kéo mình qua dốc Đụn! Giấc mơ thành hiện thực, Huệ đã huấn luyện được hai “lái xe” đặc biệt, một được đặt tên là Nô, một là Phao. Hai chú chó giống như chiếc phao cứu sinh, thứ mà Huệ có thể dựa vào trước sóng gió cuộc đời. Thời gian đầu huấn luyện, nhiều khi cả người lẫn chó lộn nhào, chạy loạn xạ nhưng Huệ vẫn không nản chí. Thành quả mang lại là hai chú chó đã “dắt” chủ ra biển chơi trên chiếc xe lăn một cách thuần thục. Chứng kiến cảnh tượng hai chú chó kéo xe cho ông chủ, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Nhưng với người dân trên đảo Lý Sơn, cảnh tượng này đã trở nên thân quen bởi ngày ngày, đều đặn, hai chú chó cần mẫn làm công việc của mình, giúp Huệ phần nào nguôi nỗi nhớ biển khơi.

“Ông vua cua dẹp”

Biết hoàn cảnh khó khăn của Huệ, nhiều đoàn công tác từ thiện đã đến gặp và trao tặng những món quà vật chất. Huệ cảm kích nhưng không vì thế mà cho phép mình sống ỷ lại. Nhận thấy khách du lịch đến đảo rất thích ăn cua dẹp – một đặc sản ở vùng biển đảo Lý Sơn, được ví ngon như cua huỳnh đế nhưng qua thời gian đã bị khai thác cạn kiệt, Huệ nảy ra ý định nuôi loại hải sản quý này. Năm 2007, anh vay mượn bạn bè, người thân được gần 10 triệu đồng. 100m2 đất vườn phía sau nhà được cải tạo, xây dựng thành khu nuôi cua. Những con cua dẹp được Bùi Huệ nuôi không chỉ bán cho du khách đến đây mà còn đem vào đất liền, bán trong những nhà hàng sang trọng  ở thành phố Quảng Ngãi. Thấy cua phát triển tốt và lợi nhuận mang lại khá cao, năm 2011, anh Huệ đầu tư mở rộng diện tích lên 600m2. Đến nay, trung bình nhà anh Huệ có khoảng 3.000 con có thể xuất hàng. Người dân trên đảo phong anh là “ông vua cua dẹp”. “Tới đây tôi sẽ mở rộng đầu tư để cua dẹp nuôi trở thành thương phẩm có giá trị xuất khẩu”, ngư dân tật nguyền Bùi Huệ hào hứng nói về dự định tương lai.