Nẻo về của Tuấn

ANTĐ - “Không một ai trên đời, kể cả tôi, kể cả các ông trùm ma túy lớn nhất địa cầu Khun Sa ở Tam Giác Vàng, đều không thể tin được rằng, với quyết tâm, tôi lồng lộn đi tìm ma túy: Hôm ấy, mẹ tôi trực ở bệnh viện huyện, tôi phá “ngục tại gia” kéo lê cả sợi xích to và hoen gỉ để đi tìm he-roin. Cơn vật thuốc làm tôi không biết gì nữa, trăm nghìn lời hứa, lời thề với mẹ, với bản thân, nhân cách của tôi, bỗng dưng tan biến hết. Tôi phá nhà, phá cửa chớp…” 

Đó là một trong những trang đời của Lê Trung Tuấn trong cuốn tự truyện “Nẻo về” mà anh mới viết về những ngày tháng nghiện ngập và cả quá trình vươn lên làm người tử tế. Cuốn tự truyện cũng là một lời cảm ơn cuộc đời đã mở vòng tay đón một người từ thế giới tăm tối trở về.

Giang hồ một thủa

Lê Trung Tuấn sinh năm 1977 trong một gia đình gia giáo ở thị trấn Hòa Mạc (Duy Tiên - Hà Nam). Thủa nhỏ Tuấn thông minh, nhưng được cưng chiều sớm. Năm 1995, anh thi đỗ vào trường Cao đẳng Quản trị kinh doanh (thị trấn Như Quỳnh - Văn Lâm - Hưng Yên).  Lanh lợi, “có tướng” lãnh đạo nên được các bạn bầu làm lớp trưởng. Nếu gắng gỏi, sau này ra trường, với sự thông minh của bản thân, hẳn Tuấn sẽ xin được việc làm ổn định, và hơn thế có thể phất lên rất dễ dàng.

Thế nhưng, cuộc đời ai biết được chữ ngờ, Tuấn đã nghe lời bạn hút thuốc phiện. Tuấn bị hút hồn bởi những lời quảng bá. Nào là khỏe người, thấy cuộc đời như thiên đường. Tuấn đã thử, rồi còn về khoe với bố là hút thứ thuốc đó vào người, làm con người khỏe mạnh, cơ bắp cứng đanh, học không buồn ngủ. Nghe những lời của con, ông Lê Văn Thùy - bố Tuấn mới ngã ngửa người vì thằng con dại dột. Bao nhiêu can ngăn của vợ chồng ông Thùy cũng thành vô nghĩa. Tuấn bước vào thế giới tăm tối và không thể nào rút chân ra được.

Tiền đốt cho hút thuốc tăng lên, không ai “đãi” Tuấn nữa mà anh phải “đãi” lại đám bạn xấu. Không có tiền thì đi ăn trộm, ăn cướp. Ngày đó bao nhiêu thứ tiền học phí, sách vở, quỹ lớp Tuấn đều đem chi cho “nàng tiên nâu”. Khi gia đình phát hiện sự sa ngã của Tuấn, thì anh ta đã trở thành kẻ “đầu trộm đuôi cướp”. Đói thuốc, khát tiền, Tuấn làm tất cả những gì để có tiền. Đi cướp của người nông dân, học sinh, Tuấn còn lừa mang xe máy của chị gái, anh rể ra cửa hiệu, tháo đồ tốt ra, thay đồ “rởm” vào lấy tiền chênh, mua ma túy. Thậm chí, có thời gian Tuấn chạy lên xóm bụi Thanh Nhàn, cùng những kẻ không còn gì để mất ở đó, làm tất cả những gì có thể, lấy tiền thỏa mãn cơn khát thuốc. Không ít vụ bất thành, Tuấn bị đánh tơi tả.

Không thể để con như thế, ông Thùy quyết tâm vực lại con mình bằng cách cho cai nghiện tại nhà. Ông dùng dây xích sắt, xích chân Tuấn lại. Thế nhưng, đám bạn nghiện vẫn không buông tha và việc cai nghiện tại nhà không thành công. Từ hút thuốc phiện, Tuấn đã chuyển sang hít heroin rồi chích ma túy. Gia đình quyết định đưa Tuấn lên trại cai nghiện ở Hòa Bình.

Một lần, gia đình lên xin cho Tuấn về quê. Trên chuyến xe năm đó, Tuấn đã gặp Hương. Sau đó, hai người thường liên hệ với nhau. Tuấn được đưa về, hai người làm đám cưới. Nhưng hạnh phúc chưa được thăng hoa thì người vợ phát hiện chồng dính nghiện. Cuộc sống tù túng diễn ra cùng với những đau khổ và tuyệt vọng. Hương đã nhiều lần tìm cách tự tử, nhưng đã được bà con phát hiện cứu sống. Dẫu thế, những hành động đó cũng không kéo Tuấn ra khỏi vũng bùn tăm tối. Cuối cùng họ phải đưa nhau ra tòa ly dị.

Năm 2002, sau tan vỡ, với Tuấn thế là hết. Tuấn ngày càng lún sâu vào nghiện ngập. Tuấn đã nghĩ đến cái chết để kết thúc cuộc đời của mình. Của nả trong nhà chẳng còn cái gì đáng giá. Có cái tivi còn lại, Tuấn vờ cắt đứt dây nói hỏng để xin mẹ tiền mang đi sửa rồi lấy tiền mua ma túy tiêm vào tĩnh mạch, muốn kết liễu đời mình. Bị sốc, Tuấn bất tỉnh suốt 5 tiếng đồng hồ. Mọi người trong gia đình đã đau xót và nghĩ đến việc chuẩn bị tang ma cho đứa con xấu số thì lúc đó Tuấn lại lơ mơ tỉnh lại. Sau lần đó, Tuấn quyết cắt đứt “nàng tiên nâu”.

Làm lại cuộc đời

Mới đây Tuấn đã viết lại những trang đời tăm tối của mình qua cuốn tự truyện “Nẻo về”. Những trang sách chất chứa nỗi ân hận của một con người từng sa ngã, nay tìm cách đứng dậy. Có thể lần sốc thuốc, bị “chết lâm sàng” đó như một định mệnh, như một cơ may cứu đời Tuấn. Sau đó, Tuấn đã tìm cách đi mua xe máy cũ nát về sửa rồi bán lại. Thời gian này, Tuấn gặp một người con gái, thương hoàn cảnh Tuấn và đồng cam cộng khổ với Tuấn, nay là vợ anh. Tuấn tiếp tục vay vốn mua vịt giống rồi đi chăn vịt ở các cánh đồng quê nhà. Nhưng cũng gặp không ít khó khăn, do bệnh dịch, do mưa làm chết vịt, đến nỗi bố vợ phải bán đất cho con rể vay lấy vốn làm ăn.

Nhờ khiếu kinh doanh, sự giúp đỡ tận tình của người thân, chỉ 2 năm sau, năm 2005, Tuấn và vợ quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân Tuấn Bằng (ghép tên hai vợ chồng) với hơn 30 nhân công. Trong số đó có cả những người đã từng nghiện ma túy và cai nghiện thành công. Không chỉ buôn bán, sửa chữa xe máy, doanh nghiệp tư nhân Tuấn Bằng còn mở rộng sang lĩnh vực ô tô. Cuối năm 2010, Tuấn thành lập Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Về Nguồn Hà Nội. Năm 2011, Tuấn mở thêm các chi nhánh ở nhiều địa phương, trong đó kiêm nhiệm Giám đốc Công ty Về Nguồn Hưng Yên, kinh doanh dịch vụ xe taxi và xe ô tô chở khách chất lượng cao. Lê Trung Tuấn còn nổi tiếng trong việc giúp nhiều thân nhân đi tìm được mộ liệt sĩ, đưa hài cốt liệt sĩ trở về quê nhà. Với những thành tích này Tuấn đã được Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tặng Bằng khen. Và cũng đã được Đảng ủy khối doanh nghiệp Hưng Yên kết nạp Đảng.

Bằng những cố gắng của bản thân, Lê Trung Tuấn rất mong bù đắp cho những mất mát, đau khổ của gia đình; đóng góp công sức cho xã hội. Với cuốn tự truyện Nẻo về, anh hy vọng sẽ thắp lên một niềm tin cho những người từng lầm lỡ, rằng chỉ cần biết tỉnh ngộ, thì xã hội luôn tạo cho mình một CƠ HỘI.