“Ma” bắt cá ở Hồ Tây

ANTĐ - Đêm rằm của tháng Riêng, mưa dầm như tưới từ vòm trời đen đặc xuống mặt hồ se sắt lạnh. Người đàn bà quỳ trên tấm gỗ bắc chìa ra mặt nước cùng mâm cỗ cúng lập lòe hương khói. Bà đang khấn cho chồng, con đêm đêm ngụp lặn dưới hồ, tránh được tai ương; khấn cho những vong hồn đã chết vì làm giặc hồ, đừng trêu kẻ sống… Song dù đang sống hay đã chết, tất cả những kẻ chuyên trộm cá ở Hồ Tây đều được gọi là “ma hồ” bởi sự ẩn hiện, bởi những chước thuật tinh ma của họ và cũng bởi không ít kẻ đã trở thành hồn ma đắm xác dưới đáy hồ lạnh lẽo.


Làng chài giữa phố

Qua một đêm ngủ bên Đình Sòng Trà (phường Thuỵ Khuê- Quận Tây Hồ- Hà Nội) với mùi cá tanh u ẩn trong chăn chiếu, tôi tỉnh giấc bởi tiếng người, xe lao xao ngoài ngõ: “Mày đi chợ Tam Đa à?”, “ Không, em đi Bưởi”; “Có dậy mà cân không ?”; “Chép to hôm nay 50 đấy nhá”… Đó là tiếng người gọi nhau đi bán cá và tiếng xe của thợ buôn cá vào lấy hàng.

Cường “lau”, một “ma hồ” mà tôi đang trọ, tung chăn dậy, xách vợt chạy ra vườn. Ở đó có cái bể bê tông rộng đến vài khối nước, cắm ba máy sủi khí cho khoảng bốn chục con cá đang lờ đờ bơi. Không phải đem cá đi chợ vì những người có cá thường xuyên và số lượng lớn như Cường được các chủ buôn đặt tiền trước và đến tận nhà lấy hàng. Hai bà buôn đến khá sớm, choang choác từ đầu ngõ: “hôm nay phải lấy thêm cho tao ba chục cân mè nữa nhá”. Thiếu cá, Cường  bắc loa tay hò hét một lúc qua bờ dậu thì một thanh niên gầy nhẳng, trĩu một tay vợt đầy cá tươi đang ròng ròng nước chạy sang. Ngoài ngõ, xe máy, xe đạp, thúng, chậu, bì, sọt… và tiếng người mua bán cá ồn ào như cái chợ. Mà “là chợ thật đấy!”- Cường nói: “mùa hè, cá khu này bán chợ không hết, phải  ngồi đầy phố Thuỵ Khuê, Hoàng Hoa Thám và ngay đầu hồi, mép hiên nhà mình bán cá- không khác gì chợ của vạn chài”.

 Gọi là vạn chài vì hầu hết những nhà sống ven hồ (khoảng 3000 hộ) đều đánh bắt cá Hồ Tây. Một phần ba số đó chuyên nghiệp theo nghề này. Kiến thức, tư duy về cá cũng như đồ nghề đánh bắt họ không hề thua kém bất cứ một làng chài nào. Mỗi ngày như Cường có khoảng 10- 15 kg cá cung cấp cho thị trường, nuôi sống gia đình và sắm sửa tiện nghi. Quanh hồ là 6 phường có dân làm nghề đánh cá chuyên nghiệp. Nổi tiếng nhất là các làng  Võng Thị, làng Hồ (Bưởi)… Đình Sòng Trà, Đình Cổ Lê, và khu Bát giác (trường trung học Chu Văn An (Thuỵ Khuê).

 Cứ mỗi sáng giữa phố phường đông nghẹt ô tô xe máy, chen chúc những tòa nhà mái chóp, sơn ve sặc sỡ là nườm nượp những bì, sọt cá túa ra như sự gán ghép kỳ dị của một thước phim khó hiểu. Giữa Thủ đô đã tồn tại những làng chài kỳ dị như thế từ lâu lắm.

"Ma" bắt cá

 Tôi ôm một gói ni lông mồi câu ấm mềm, nặng khoảng 2kg và một cái bì đồ nghề cồng kềnh theo Cường ra hồ, góc sau khu trường trung học Chu Văn An. Cần câu của Cường to, cứng và thẳng lại được gắn một cái vòng hình số 9 làm bằng nan hoa xe đạp. Đuôi cần là một hộp thép tròn bằng cái bánh, có tay quay để tời cước. Ở đây đã có khoảng 2 chục người đàn ông đang ngồi ôm cần, đứng vung mồi hay xì xụp buộc bịu gì đó. Tôi đổ đồ nghề ra: một chiếc vợt cá, một cục mồi bằng bột trắng bợt rất to, tám cái bánh gỗ giống hình vành xe, đường kính khoảng 25 cm, có rãnh để guộn cước (gọi là bát cước). Mỗi bát cước là một chùm lưỡi câu rất kỳ dị: Một chiếc lò xo thép bằng ngón tay dài 4 cm. Xuyên qua ruột lò xo là đoạn thép nhỏ. Hai đầu đoạn thép được chốt bởi hai hạt nhựa xinh xắn. Mỗi hạt nhựa đều thả ba sợi dây dù chừng 10 cm một sợi. Và mỗi sợi  mắc vào một lưỡi câu cong sắc nhọn. Véo nắm mồi bằng quả chuối nhỏ, Cường bọc kín đoạn lò xo.

Tất cả các lưỡi câu đều chìm trong cục mồi, chỉ thò một mẩu đầu và Cường lấy những hạt bọt xốp nhìn như những cái mụn trắng dính nhẹ vào mẩu đầu những lưỡi câu đó để làm mồi giả và tạo hấp dẫn cho cá. Mắc mồi xong, Cường xuyên cước qua khuy thép ở đầu cần câu rồi ngả người, nghiêng cần lấy đà quăng cục mồi kéo theo những đoạn cước trắng trong, ro ro chạy khỏi bát cước thun thút theo mồi bay thẳng ra phía lòng hồ sâu thẳm. Miếng mồi lăng xa rơi tõm xuống nước cách bờ chừng 60- 70 mét. Cường kéo nhẹ cước cho vừa độ căng rồi tháo ra khỏi khuy thép đầu cần câu, buộc vào một viên gạch, thả chìm xuống mặt nước nhìn như không có gì. Cường tiếp tục móc bộ lưỡi và bát cước thứ hai, thứ ba rồi thứ tư, thứ năm…

Mỗi lần như thế mất 3-5 phút và thật kinh ngạc: Chưa quăng hết bát cước cuối, Cường đã vùng đến viên gạch túm bát cước giơ lên. Cước tự động bị kéo ra từng vòng.  Cường móc luôn khuy thép cần câu vào sợi cước có cá cắn rồi luôn tay guồng bát cước nhìn dẻo như một điệu múa.  Hai con cá được kéo dần lên mặt nước quẫy loạch xoạch tung bọt. Cường kéo cá vào bờ, miếng mồi không còn, bốn trong số 6 lưỡi câu đâm ngập sâu vào mắt và lưng hai con cá. Cường gỡ nhanh như  mèo rồi ném cá vào túi lưới, buộc đầu túi, nối dây vào một hòn đá và lại thả chìm xuống nước.

 Chúng tôi không kịp nói chuyện gì nữa bởi Cường liên tục phải giật, guồng, gỡ cá và thay mồi. Những người đàn ông khác cũng không ngừng phải đưa cá vào túi của mình. Có người đem tới 20 bát cước và có lần giật tới ba con cá một lúc. Tôi bị mê lú bởi hiệu quả của kiểu câu này. Có lẽ một trong những cái thú lớn nhất của con người là săn bắt những sản vật không phải mình nuôi. Cái thú đó ở đây đến dày đặc, dồn dập và rất mỹ mãn... Cả cuộc đời gắn bó với ao chuôm, ruộng đồng, sông nước chốn quê, tôi cũng chưa bao giờ được hưởng cái thú câu như hôm nay.

Cường bảo đây là kiểu câu lăng-xê. Phương pháp hiệu quả nhất từ xưa đến nay. Người thành thạo có thể câu được 30- 40 kg cá trong những ngày vào mùa, gấp hàng chục lần những phương pháp khác… Cách đây 4 năm bãi câu phía Phủ Tây hồ xuất hiện một tay Ba tàu không rõ lai lịch đến với túi đồ câu kỳ lạ. Hắn đã làm những “ma hồ” thượng hạng nhất phải kinh ngạc bởi hiệu suất của trò câu đặc biệt này. Đám “ma hồ” thay vì đánh đuổi gã Ba tàu mà làm quen rủ rê, cơm rượu để mua và học mánh. Tất cả “công nghệ” đều được chuyển giao, duy nhất cục mồi của gã này thì không được truyền lại. Mồi đó là mồi giả, làm bằng chất dẻo có màu vàng nhợt, mùi hắc lạ và dùng một cục cả tháng mới phải thay.

Câu lăng - xê đã thay đổi toàn bộ “năng suất, sản lượng” cũng như đời sống của dân “ma hồ”. Ngoài lăng-xê “ma hồ” còn nhiều kiểu câu khác. Câu Ba tiêu: cũng dùng bát cước nhưng chùm lưỡi câu là một cục chì nhỏ túm ba lưỡi câu. Đầu cần câu thay khuy nan hoa bằng sứ. Ném mồi ra xa sau đó guồng cước để kéo mồi lên trên mặt bùn. Cá đớp thì giật… Kiểu câu lục gồm 6 lưỡi câu, cần dài, cước chỉ một đoạn buộc cố định. Mồi là gạo rang, lẫn hoa hồi, xay nhỏ mịn, trộn đất sét. Người câu phải bơi cách bờ 5-6 mét, lặn xuống bùn, đào hố bằng cái thúng thả mồi xuống đó, cắm cọc thò lên mặt nước để đánh dấu. Thả chùm lưỡi câu xuống thẳng cọc dấu. Cá ăn mồi chạm phải cước, phao nháy thì giật. Câu lục chủ yếu để bắt cá trôi.

Những “ma hồ” tinh quái, to gan còn tùy lúc đêm hay ngày, chèo thuyền hay bơi vo để thả lưới. Nhưng kiểu đánh cá kỳ dị độc nhất vô nhị ở đây là kéo dây, có Hồng “hồ đền” được bầu là hà bá của trò này. Một đoạn dây thừng chừng 50 mét, buộc hai viên gạch những đoạn sát hai đầu. Hai người bơi hàng ngang, túm hai đầu kéo lê xuống bùn, một người bơi ở giữa phát hiện dấu hiệu và hai người bơi sau đoạn dây theo hiệu lặn xuống mò. Theo phân tích, cá chép to thường sống sát đáy bùn, khi gặp dây kéo ngang chúng rúc xuống bùn sủi tăm. Kẻ tinh quái lặn xuống móc tay vào mắt và mang, kẹp đuôi vào nách đem lên mặt khỏi mặt nước. Kiểu này chỉ dành cho những kẻ sống dưới nước giỏi hơn trên bờ. Và cũng chỉ kiểu này mới bắt được cá to (đã có con nặng tới 22 kg).

Kiểu tàn bạo nhất mà Tuấn “rái” hay dùng là dùng vợt xung điện có máy kích điện ắc quy lên nhiều trăm vôn giết tất cả mọi sinh vật dưới nước trong bán kính 1m. Cũng đánh điện nhưng bằng điện lưới là: một cuộn dây điện dài 5 - 6 chục mét. Vợ ở nhà cắm một đầu dây vào pha dương (220 vôn), chồng cuộn tròn kẹp dây vào nách, đi đến đâu giở đến đó, nhìn thấy tăm cá thì gí xuống. Cá chết thì dùng vợt cách điện khều vào. Kiểu này được một số “ma hồ” cách tân bằng cách cắm điện sẵn nhưng trong đoạn dây mang theo có công tắc. Khi cần thì bật tắt như đồ điện dân dụng. Mỗi lần như thế, cá con, tôm, tép chết nổi trắng hồ. Tuy nhiên nguy hiểm nhất chính là kiểu câu rà. Mùa xuân, cá đẻ, “ma hồ” uốn một vòng tre đường kính chừng 3 mét. Căng ngang những sợi dây chéo nhau bên trong. Kết bèo xung quanh chu vi rồi thả xuống nước, đơm thêm bèo dày kín. Phía dưới mặt bèo là hàng trăm đoạn dây dài ngắn khác nhau móc đủ mọi loại lưỡi câu thả chìm phía dưới.  Cá thấy những cái tổ bèo sẵn đó thi nhau vào đẻ. Khi vào quẫy đẻ sẽ tự vướng lưỡi câu. Cũng kết vòng bèo như trên nhưng không cho lưỡi câu thì người ta dùng một chiếc vợt to vừa bằng vòng bèo, xúc từ dưới lên bắt khi cá đang đẻ.

Mùa cá bù mùa không, ngày mưa bù ngày nắng, mỗi ngày bình quân một “ma hồ” bắt được 10 kg cá trị giá khoảng 500.000 đồng, một tháng thu nhập chừng 14 triệu. Có những “ma hồ” cả nhà thất nghiệp nhưng vẫn xây được nhà to, mua xe đẹp, sắm tiện nghi không kém dân buôn. Làm “ma hồ” cũng không phải là nhàn hạ nhưng thu nhập đều và đặc biệt nếu bị bắt thì chỉ mất bộ đồ nghề.

"Quỷ" hại người

Đi dọc bờ hồ những khu vạn chài hầu như nhà nào cũng có những tấm ván gỗ di động chống tạm chìa ra mặt nước để phục vụ việc duy nhất là bắt cá, những khi nghỉ lại rút ván vào. Ngoài ra mỗi “ma hồ” còn sắm một thuyền tôn chỉ vừa một người ngồi cùng... 30 kg cá. Tác dụng của loại thuyền này là nhẹ, cơ động, rẻ tiền và có thể trốn nhân viên coi cá rất tốt bằng cách khi nhìn thấy họ, “ma hồ” chỉ việc khẽ nghiêng thuyền là đắm. Kẻ trộm cá lúc đó lại thành người đi tắm. Sau khi an toàn, chỉ cần một người cũng có thể vớt thuyền lên mà không mất thứ gì. Vì cá (nếu có) thì nhốt trong túi lưới, đồ nghề đều được buộc dây dính vào thuyền.

Mọi hoạt động của “ty cá” (cách “ma hồ” gọi Xí nghiệp nuôi cá Hồ Tây) đều được “ma hồ” theo dõi đặc biệt là khi thả cá giống: loại gì, cỡ nào, thả bao nhiêu… Chúng căn vào đó để tính độ tuổi, độ lớn và các phương pháp bắt cá phù hợp hiệu quả nhất.

Nếu trong giới câu thì Hòa “lau” được xem là cáo thành tinh, nhưng giới “ma hồ” kính nể nhất lại là những tay chuyên về lưới. Vì thả lưới bao giờ cũng nhanh, được nhiều hơn đi câu. Thả lưới bơi vo có Hân “hồ đền”, kẻ gần 40 năm sống bằng bắt cá Hồ Tây danh tiếng như cồn nhưng “ty cá” chưa bao giờ được gặp. Hắn có thể bơi ngửa cả ngày, mùa đông cũng như hè chỉ thò một phần ba gương mặt khỏi nước, ống nhòm xa không thể biết bởi Hân “hồ đền” chỉ cần một nửa chiếc khăn mặt là có thể ôm hàng trăm mét lưới thả ngay trước mũi cán bộ được. Nhưng đấy là thiên về kỹ thuật, còn có “ma hồ” đáng sợ hơn mỗi ngày “ăn” hàng nửa tạ cá nhưng lại không biết bơi. Hắn chỉ bơi thuyền đi thả lưới nhưng lại thuyền to làm bằng xi măng. Sự tồn tại của hắn không chỉ thiệt hại cá mà còn là sự thách thức lực lượng bảo vệ. Giá của “ma hồ” này từng được ngầm treo 10 triệu đồng cho ai bắt được hoặc báo cho “ty cá” bắt được mà cũng chưa thành. Đó Dũng “lý”. Hắn có được bản lĩnh ấy là sự tính quái: ví dụ khi hắn sắp đánh cá thì hắn sẽ mặc complê, đi giày bóng, phóng xe bóp còi inh ỏi qua cửa “ty cá”. Mọi người yên tâm hắn bỏ đi đâu đó nhưng thực ra chỉ 5 phút sau hắn đã chèo thuyền thả xong hai, ba tay lưới. Đó là chưa kể đến việc hắn cho người gọi điện đến “ty cá” với nhiều vai khác nhau gây chú ý của đội bảo vệ để hắn hành sự. Còn Hùng “ly” còn nắm được cả những ngày giỗ, cưới người nhà của cán bộ của “ty”. Chỉ cần làm mất cảnh giác trong 15 phút là xong một mẻ lưới. Nhưng thuận lợi nhất cho Dũng “lý” chính là nhà hắn ở gần chốt ca-nô nên nhất cử nhất động của đội này hắn đều biết.

Ngoài thủ đoạn đánh bắt “ma hồ” còn ra sức chống phá, hành hung cán bộ Xí nghiệp nuôi thả cá Hồ Tây. Đồ nghề bình thường của bọn chúng ngoài dụng cụ bắt cá là súng cao su bắn đạn bi ve, đạn sắt và đạn thép làm hình mũi tên sắc nhọn. Hình thức kiểm tra phổ biến của cán bộ Xí nghiệp là đi xuồng. Mỗi lần xuồng qua những tụ điểm của “ma hồ” thường bị chúng ném đá, bắn súng cao su vun vút làm xuồng không thể lại gần. Giám đốc Xí nghiệp nuôi trồng Thủy sản Hồ Tây cho hay: trước đây tình hình trộm cắp và hành hung cán bộ ở đây vô cùng nóng bỏng. Mặt hồ ngày nào cũng có tiếng súng chỉ thiên, cảnh cáo của lực lượng bảo vệ và công an nhưng cũng không cải thiện được tình hình. Những năm gần đây vì nhiều lý do đặc biệt là công tác dân vận, mềm dẻo nhưng kiên quyết của Xí nghiệp thì tình hình đã dịu đi. Tuy nhiên 30 cán bộ tuần tra bảo vệ của Xí nghiệp không ai chưa bị thương bởi “ma hồ”. Việc cán bộ bị thương gần như không tháng nào không xảy ra. Có trường hợp bị bắt lên trụ sở Xí nghiệp chúng còn ngang nhiên dùng hung khí hành hung cán bộ.

Sự trừng phạt của cá

Kiếp lặn ngụp đêm hôm của “ma hồ” cũng có khi phải trả giá. Mấy năm trước một “ma hồ” dùng gần 50 lưỡi câu buộc quanh vòng bèo để câu rà. Đàn cá chép vật đẻ dính lưỡi câu quẫy quá khoẻ đã dứt đứt sợi dây buộc néo vào bờ. “Ma hồ” bơi theo bắt cá và bị mắc lưỡi câu. Giống như cá, càng giãy giụa, càng bị mắc lưỡi. Và hôm sau người ta đã đã tìm thấy một thi thể ngập dưới vòng bèo với hàng chục lưỡi câu móc đầy mắt, môi, mũi, cổ…

Nhiều “ma hồ” đến nay vẫn thỉnh thoảng thắp hương vái cho vong linh một “ma hồ” giỏi bơi lặn như rái cá, vì trốn tuần tra chui vào ống cống thoát nước của thành phố vào hồ và không hiểu vì sao chết trong đó. Sau nhiều ngày mưa ngập, xác của “ma hồ” trương phềnh, rụng hết ngón chân tay mới trôi ra, ám ảnh đời săn cá đến tận bây giờ. Ngoài những cái chết rùng rợn thì những “ma hồ” mù mắt, gãy răng, sẹo mặt vì lưỡi câu, ngụp lặn, vì những cái bẫy của chính họ tạo nên  là chuyện thường.

Rời làng cá, tôi sang bờ bên kia, nơi có con đường tình yêu dập dìu từng đôi trai gái. Hồ Tây nơi đây lại đẹp tao nhã, phiêu diêu và tĩnh lặng vô cùng. Cái tĩnh lặng của mặt gương Tây hồ đã có từ ngàn năm trước từng làm vẳng lên nhịp chày giã giấy diệu vợi trong câu ca dao “Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây hồ”. Nhưng trong cái tĩnh lặng của mặt sương mờ mịt hôm nay, tôi nghe thấy cả những âm thanh kỳ dị của những kiếp “ma hồ” đang ngụp lặn ngày đêm trong đáy nước.