Lễ tri ân rừng xanh

ANTĐ - Trong mây ngàn, tiếng xuân gọi lộc rừng vọng mãi tận Lao Chải (Y Tý, Bát Xát, Lào Cai). Tôi bất chợt nhìn thấy trong tán rừng già thâm u, người bản đang tạ ơn rừng thiêng bằng những chén rượu nồng say cho những cây đại thụ, và đón nhận một mùa xuân mới đang bung nở trên mỗi nhành cây.

Mốc chủ quyền bên cầu Thiên Sinh

Tạ ơn rừng thiêng

Mùa xuân của đồng bào Hà Nhì sẽ kém vui nếu như năm đó lễ cúng rừng chưa trọn vẹn ý già bản. Đã là người con của bản thì được tạ ơn rừng thiêng mới thanh thản bước vào một mùa xuân tươi đẹp. Những lối vào rừng thiêng đã được báo hiệu “cấm” bằng cách riêng của bản. Trong ngày “cấm” bản, ai lấy của rừng cho dù một cành khô hay phạt chiếc lá rừng cũng phạm vào điều cấm kỵ. Khi những hạt mưa xuân phủ bông trắng trên rừng già bản Lao Chải, thì già trẻ bắt đầu công việc trọng đại nhất của bản mình. Trong sương sớm, thâm u, những người con của bản Lao Chải bước vào lễ tri ân rừng xanh một cách thành kính.

Lễ tạ ơn rừng thiêng Lao Chải được ông Phu Ha Giờ, 60 tuổi là người có tiếng nói quan trọng trong bản người Hà Nhì đứng ra làm chủ tế. Rất đông người, song chẳng cần ai to tiếng để nhắc việc, mà mỗi người một việc phối hợp nhịp nhàng như thoi đưa. Lễ được diễn ra từ sớm đến giữa trưa, khi tan mây tan sương mới toại nguyện. Lễ vật và củi đun chín lễ vật mang từ nhà vào để phục vụ hành lễ.  Những gốc đại thụ được chọn làm mâm, những tảng đá rêu phong được chọn làm nơi đặt lễ. Và điều linh thiêng đối với dân bản, đi chân đất là cách để hòa tiếng nói của con người vào thiên nhiên. 

Truyền thuyết kể rằng, người thiếu nữ Hà Nhì đã thầm yêu trộm nhớ một chàng trai trên đỉnh Nhìu Cồ San mây trắng. Một ngày hẹn ước vào mùa xuân, cô gái ngang qua rừng già Lao Chải thấy nhành hoa tươi sắc đã vin cành bẻ hái. Và từ đó chẳng bao giờ thấy cô gái trở về bản nữa. Và cũng kể từ khi ấy, bản Hà Nhì luôn chìm trong ngàn mây, đời đời gắn với đại ngàn. Và kể từ đó, ngày cúng rừng, nữ giới không được bén mảng đến rừng thiêng. Vì không muốn làm đau cây lá, bản chỉ cho phép người hành lễ đi chân đất vào rừng thiêng. Mỗi người có mặt đều phải gọi xuân, gọi mây tạ ơn rừng thiêng bằng tiếng của đồng bào mình. Lễ vật tạ ơn rừng gồm gà, lợn, rượu, bánh chưng… mỗi người trong bản đóng góp mang đến. Sau lễ thiêng kết thúc, lộc rừng được chủ tế ban cho rừng già, rượu thơm một chén tưới cây, còn lại người bản thưởng thức ngả nghiêng trong bữa tiệc giữa ngàn mây. Lễ tạ ơn rừng cũng là dịp đón xuân, người Hà Nhì kính lễ bằng tiếng nói của bản, như tiếng nói vô thanh hòa vào thâm u rừng già mà bao đời qua dân bản vẫn coi trọng việc tạ ơn rừng như một triết lý sống...

Thiên nhiên ở Y Tý lúc mờ ảo, lúc trong trẻo

Nơi “3 trời” Y Tý

Ra khỏi rừng thiêng, bất chợt những áng mây bồng bềnh như nâng bước ta đến nơi tiên cảnh - Y Tý. Rồi bỗng cái nắng trở nên trong trẻo trước biển mây. Y Tý là thế, ẩn chứa nhiều huyền bí. Có người gọi nơi ấy là tiên cảnh. Lại có người cất tiếng, nơi ấy có “3 trời” để yêu thương. Giờ những cô gái, chàng trai bản Hà Nhì vẫn chọn nơi ấy để thương yêu nhau. Bao giờ cũng vậy, sau lễ cúng rừng của bản, những chàng trai cô gái dường như cảm nhận được việc linh thiêng của bản đã được rừng già minh chứng, thế nên họ mang xuân tràn lên nẻo đường, nhành cây. Những bông hoa rừng để lại là “vết tích” minh chứng nơi hẹn gặp một tình yêu. Ở Y Tý không có nhiều loài hoa nở vào dịp xuân về như nơi thị thành, nhưng những đóa sam sa mang sắc tim tím, lan rừng hoang dại vương trên đất như một cách đánh dấu ở trời yêu. 

Y Tý trong ngàn mây giờ đã vắng tiếng ngựa gõ vào núi thậm thịch. Người bản lạ dần tiếng ngựa thồ và quen dần tiếng động cơ nổ điếc tai (Win Tàu). Cầm chén rượu ngô thơm nồng bên bếp lửa, ông Pu Chê Xa, 58 tuổi, ở bản Lao Chải Xa hóm hỉnh bảo: “Ngày xưa mình cũng hẹn vợ mình lên đỉnh Nhìu Cồ San, nhưng khi ấy đi bằng ngựa chứ không bằng xe máy như thanh niên ngoài bản bây giờ. Giờ đây trai, gái yêu nhau còn đưa nhau phóng xe về mãi thành phố Lào Cai tặng nhau quà cáp”. 

Mùa xuân, người bản nơi biên cương thường quây quần bên bếp lửa và trao nhau những chén rượu nồng bên ánh lửa bập bùng. Chuyện của một năm, vui buồn, trên trời, dưới bản rồi cũng qua đi. Một năm lại bắt đầu bằng buổi lễ tạ ơn rừng, và đó cũng là dịp đón xuân của bản Hà Nhì. Ngoài trời, sương đêm tý tách trên cành lá. Đó là tiếng thiên nhiên thì thầm gọi xuân về bản. Đỉnh Nhìu Cồ San đã bao mùa rừng thay lá, đã chứng kiến những đôi uyên ương chắp cánh, xây cuộc sống mới làm bản Hà Nhì thêm đông vui. 

Bên cầu Thiên Sinh

Người già bản Lao Chải đã quen hình ảnh người chiến sỹ biên phòng Y Tý đứng nghiêm chào mốc chủ quyền Việt Nam. Đó là cột mốc mang số 87 và được đặt trang trọng bên chiếc cầu Thiên Sinh. Từ nơi “3 trời” đến cầu Thiên Sinh khoảng 15km chạy theo con đường nhỏ men triền đồi. Giờ con đường mòn lên cây cầu linh thiêng được giới trẻ thường tìm đến chọn làm nơi chứng giám cho tình yêu. Sau những ngày gặp gỡ nơi mây trời Nhìu Cồ San, những chàng trai, cô gái đã “ưng cái bụng” tìm đến nơi thiêng liêng này để giữ trọn lời chung thủy. 

Thượng úy Lê Văn Đàn - Đồn biên phòng Y Tý, Bát Xát giải thích rằng, sở dĩ gọi vậy là vì cây cầu rất đặc biệt. Cầu chỉ ngắn chừng 1m, trước đây là một tảng đá tự nhiên bắc qua khe sâu hun hút, phía dưới là dòng suối Lũng Pô gầm gào tung bọt trắng. Từ hàng nghìn năm trước, qua sự vận động kiến tạo địa chất, khối đá khổng lồ đã bị nứt ra tạo thành khe được gọi là Thiên Sinh - tức trời sinh. Đây cũng là biên giới giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Từ dưới nhìn lên thấy vách đá dựng đứng gần 100m, giữa khe sâu mang dòng nước đổ xuống ào ạt. Những tảng đá lớn, nhỏ được dòng nước mài giũa nhẵn bóng đủ các hình thù tầng tầng, lớp lớp. Có lẽ chính vì sự kỳ vĩ này mà dòng suối đón nhận nước từ khe Thiên Sinh mới có tên gọi Lũng Pô, tức rồng thiêng ở thượng nguồn Bát Xát. 

Mảnh đất thiêng liêng nơi biên cương của Tổ quốc luôn có người lính vượt qua gian nan để cùng bản làng cất lên bài tình ca người lính. Tôi thoảng lặng bên cột mốc chủ quyền bằng đá hoa cương mang số 87, rồi cảm nhận được điều thiêng liêng trong phút nghiêng mình trên đỉnh cao, gió hú. Dòng suối nhỏ dưới chân cầu Thiên Sinh vẫn trong veo, và rì rào chảy mãi, theo nhịp bước tuần tra của những người lính làm nhiệm vụ trên biên cương.