Kỳ thú nẻo đường xuân Tây Bắc (3):

Lạ lùng chuyện cả bản khua chiêng, gõ trống đi... ăn trộm ngày Tết

ANTĐ - Đi ăn trộm ngày Tết không những không sao mà còn được nghênh đón như vị “thần chiến thắng”.
Con rể “ăn trộm” bí đỏ nhà…mẹ vợ.

Đêm đông buông xuống trên vùng biên giới Mồ Sì San, Phong Thổ, Lai Châu như kéo bức màn băng giá phủ lên núi rừng. Tiết trời miền biên viễn lạnh đến mấy cũng không ngăn nổi một “vụ” trộm đình đám trong đêm.

Cả bản khua chiêng, gỗ trống đi...ăn trộm ngày Tết

Như định được ý đồ của những “tên” trộm láu cá, ông Tẩn Văn Phùng, nhà ở dưới thung lũng bản Séo Hồ Thầu, đã cắt cử con cái ra góc vườn “đón lõng” rình trộm. Bà vợ của ông Phùng thì lăm le tay gậy, đứng canh những treo thịt lợn trên gác bếp…

Bà còn đang chuẩn bị sẵn sàng “ngăn chặn” tên trộm thì ngoài vườn đã có tiếng gậy đập túi bụi xuống đất, sau đó tiếng người vượt rào loạt soạt tẩu thoát. Bị mất “của” người con trai canh vườn hô hoán lớn như báo hiệu với người thân trong nhà để cảnh giác, bà mẹ sơ ý chạy ra khỏi hiên bếp nghe ngóng một tích tắc quay vào thì, ôi thôi, những treo thịt đã bị cắt mất già nửa…

Bên này núi, dối diện nhà ông Phú là nhà bà Tả Mẩy, đang ầm lên vì vừa bắt được “thằng” trộm. Bà Tả Mẩy đang đong rượu ra bát để “xử lý” tên “trộm” bị túm gọn khi đang lấy cắp bí đỏ trong vườn. “Muốn gì thì muốn, phải uống cho hết bát rượu mới được trình  bày”- bà Tả Mẩy quả quyết. Nói xong, cả nhà phá lên cười vì “tên trộm” chính là con rể nhà bà. “Ai cũng thế, phạt tuốt”- bà Tả Mẩy rót rượu cho “tên” trộm đến lử đử tại nhà. 

Bà Tả Mẩy, gác... trộm

Đã là ăn trộm thì ai lại ầm ĩ. Ở Mồ Sì San góc trời Tây Bắc này thì khác. Đi ăn trộm phải khua chiêng, gõ mõ, thanh la cho cả bản biết. Ai bắt được trộm thì phạt tới phạt lui… bằng rượu.  Lại nữa, chẳng gì vui hơn, đã không bắt được trộm thì chớ, nhà ông Tẩn Văn Phùng còn bị “trộm” phạt vạ vì tội không trông được nhà cẩn thận.

Chẳng là, sáng hôm sau, “chiến lợi phẩm” mà những người ăn trộm được đêm qua đến từng nơi “gây án” để ghép lại, nếu đúng thì gia đình đó bị trộm phạt ngược lại cho kỳ say mềm mới thôi. Phạt cho đến say mờ mắt nhìn đâu cũng thấy núi, thấy rừng. Sáng ra, gia đình nhà ông Phùng say như chưa bao giờ được say. Bởi vì tên trộm mang miếng thịt đến, chắp ghép vào phần thịt còn lại ở trên gác bếp nhà ông vừa khít đến từng chân bì, thớ thịt. “Phạt là phải, vì cái tội trông nhà mất cảnh giác”- cả đoàn người đồng thanh, rồi phá lên cười khoái chí…

Cả bản đều là… kẻ cắp

Trong tiềm thức và quan niệm của đồng bào Dao đỏ ở Mồ Sì San, Phong Thổ, Lai Châu. Tục du xuân bằng cách đi ăn trộm đã có từ nghìn năm trước. Và chỉ diễn ra trong ngày Tết. Đêm trong ngày Tết thì vui hơn bao giờ hết. Vui từ mảnh vườn đến gác bếp. Vui từ trong lùm cây, đến tảng đá bên đường. Bởi đó là những nơi “ẩn” của tên trộm. Cả bản đi ăn trộm. Con ăn trộm của bố, em ăn trộm của anh, tóm lại cả bản ai cũng là “kẻ cắp” trong ngày Tết. Tục là thế, nhưng ăn trộm cũng phải có quy củ của nó, ai mà lạm dụng làm thành của tư thì bản không thèm nhìn mặt, nhà có việc không ai đến giúp, mà điều quan trọng là xui cả năm lên rừng vấp ngã, xuống nước cá chạy.

Bắt được... trộm rồi

Hương ước của bản không có, nhưng tục đã qua nghìn mùa lá vàng rụng. Vậy ai ai cũng tuân thủ như một. Của cải lấy trong đêm chỉ là rau, củ quả, và thịt treo gác bếp... Ai động chạm vào đồ khác, coi như tội phạm thật, cứ không phải cuộc chơi nữa, mà đã là tội phạm thì không những bị bản “cạch” mặt mà còn bị mang ra chính quyền, công an xử lý.

Người Dao đỏ ở Mồ Sì San trọng khách, trọng chủ. Những gì thuộc về tục của đồng bào thì họ tối thượng đề cao, gìn giữ.  Du xuân mà “ăn trộm” được nhiều thứ vào tối hôm đó, thì coi như cả năm hên. Gia chủ nào mà bị thiệt nhiều rượu, do bị “trộm” phạt lại là cả năm xui xẻo.

"Xử lý" tên trộm dám xẻo thịt treo trong bếp

Chính vì thế mà những đêm “ăn trộm” du xuân ở Mồ Sì San, Phong Thổ vui đến nghiêng ngả chủ khách. Bởi “phi vụ” này cả người mất của lẫn những người “ăn trộm” chẳng hề giận nhau mà chỉ chuốc những bát rượu xuân để hả hê cười trong vòng tay của những người dân bản. Du xuân trên nẻo Tây Bắc, lạc vào “đám ăn trộm” thì đồng nghĩa với một năm may mắn, để có sức khỏe như cây trên núi, cá dưới khe. Tục thật giản dị, nhưng ắt phải có bởi đó chính là xuân ở nơi ven trời Tây Bắc.

(Còn nữa)