Ký ức về Bác trong lòng người cận vệ xưa

ANTĐ - Suốt 10 năm thực thi nhiệm vụ bảo vệ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, cũng chừng ấy năm, ông được vinh dự theo chân Bác đi khắp mọi miền của tổ quốc. Qua những chuyến đi đó, ông học được rất nhiều đức tính cao đẹp từ con người của Bác, để rồi hôm nay, dù Bác đã ra đi nhưng những đức tính đó vẫn ngấm sâu vào tâm hồn của người cận vệ.
 Bức hình ông Thưởng chụp lưu niệm với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo năm 1968 (ông Thưởng ngồi bên cạnh Bác, trên tay bế một cháu nhỏ)
Bức hình ông Thưởng chụp lưu niệm với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo năm 1968
(ông Thưởng ngồi bên cạnh Bác, trên tay bế một cháu nhỏ)



Niềm vinh hạnh 10 năm theo chân Bác

Ông Lê Minh Thưởng (SN 1941, trú tại xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) sinh ra trong một gia đình thuần nông tại vùng đất Nghi Thịnh. Sau khi học xong cấp 2 trường làng, ông Thưởng tình nguyện làm đơn đi nghĩa vụ quân sự nhưng không thành. Ấp ủ ước mơ được đóng góp sức mình vào công cuộc giải phóng đất nước vẫn ngày đêm thôi thúc ông, năm 1959, ông được tuyển vào công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng). Cũng trong năm đó, ông được đơn vị cho đi học tại trường C500.

Một năm sau, ông Thưởng tốt nghiệp ra trường và được điều về công tác tại cục cảnh vệ với nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. Khỏi phải nói, khi nhận nhiệm vụ mới, ông Thưởng vui mừng đến độ nào. Vậy là từ nay ông sẽ được làm việc gần Bác và đặc biệt là ông lại đảm nhận việc bảo vệ cho Người. Nhiệm vụ lớn lao và vô cùng quan trọng, ông cũng thấy thật tự hào vì ông được Đảng và nhân dân tin tưởng. Ban đầu, khi mới về, ông Thưởng được phân công trực gác ở vòng ngoài, một thời gian sau, ông được phân công trực tiếp bảo vệ Bác. Ông Thưởng chia sẻ về niềm vui ngày chính thức làm cận vệ cho bác, từng câu nói của ông hào hứng như chúng vừa mới xảy ra hôm qua, dù đã 43 năm trôi qua: “Tôi không thể kể hết niềm vui sướng của mình trong cái ngày mà tôi được phân làm cận vệ cho Bác, bảo vệ Bác chính là được bảo vệ cả Tổ quốc. Tôi thấy mình thật may mắn, đó là một vinh hạnh của cả đời tôi”.

Hạnh phúc xen lẫn với nhiều lo lắng, bởi ông Thưởng cũng sợ rằng mình không làm tròn trách nhiệm của mình để ảnh hưởng đến cả đất nước. Do đó, mỗi ngày làm việc, ông đều cố gắng hoàn thành thật tốt công việc của mình. Suốt 10 năm theo chân bảo vệ Bác, chừng đó thời gian cũng giúp ông có cơ hội ở bên Bác nhiều hơn và học được nhiều điều từ Bác.

Suốt 10 năm theo chân Bác cùng là thời gian để ông Thưởng có cơ hội hiểu rõ hơn về Bác. Và giờ đây, khi sống trong thời bình, ông Thưởng vẫn không quên hình bóng của người cha già dấu yêu. Trong căn nhà nhỏ của mình, ông vẫn dành riêng một gian để bày những búc ảnh và những kỷ vật mà ông giữ được trong thời gian làm việc cạnh Bác. Đối với ông, những bức ảnh đó như là những báu vật vô giá mà "dù nhà có nghèo rớt mồng tơi mà có người ta trả giá cao để mua" ông cũng không bao giờ bán. Ông thường ngồi lặng yên trong căn phòng đặc biệt này mỗi khi ông nhớ về quá khứ. Đến nay, dù đã vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Thưởng vẫn giữ được phong thái của người bộ đội cụ Hồ, nhanh nhẹn, tháo vát. Hàng ngày, dù làm bất cứ việc gì, ông cũng đều lấy chuẩn mực đạo đức sống của Bác khi xưa làm kim chỉ nam. Vì lẽ đó, trở về làng quê Nghi Thịnh, hỏi đến ông Lê Minh Thưởng ai cũng đều biết, không phải vì ông giàu hay nổi tiếng vì lý do nào mà vì ông là một trong rất ít người có được niềm vinh hạnh bảo vệ Bác Hồ.

Hình ảnh Bác qua ký ức của người cận vệ xưa

Ông Thưởng ôn lại kỉ niệm xưa qua những bức ảnh

Được ở bên cạnh, làm cận cho Bác thực chẳng dễ dàng. Đến nay, trong tâm trí của ông Thưởng vãn nhớ như in những kỷ niệm về Bác Hồ trong suốt những tháng ngày theo chân Bác. Khi mới vào làm việc gần Bác, ông Thưởng còn khá nhút nhát, thấy vậy Bác nói: “Con người ta sợ nhất là giấu dốt, nếu biết chuyện gì thì cứ nói, không biết thì hỏi, đừng im lặng giấu dốt. Con người như thế đã dốt lại còn dốt hơn và mang tiếng tự cao, tự đại”.

Một lần vào Tết năm 1964, ông Thưởng cùng các đồng chí khác cùng Bác đi chợ Đồng Xuân để tìm hiểu về nguồn lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho người dân ăn Tết. Để không bị phát hiện, mọi người phải hóa trang cho Bác phòng trường hợp xấu có thể xảy ra. Ông Thưởng có nhiệm vụ đi xem đường trước. Hôm đó trời mưa, lúc vào chợ, Bác đi xem quầy lương thực, thực phẩm. Lại hàng thực phẩm tự do Bác hỏi cô bán thịt 1 cân bao nhiêu tiền nhưng lại nói giọng Nghệ An. Cô bán thịt cứ nhìn chằm chằm vào mặt Bác vì nghe giọng nói quen quen. Nếu không có sự nhanh trí của đồng chí Phạm Lệ Ninh (Trưởng phòng bảo vệ Bác) thì chắc chắn Bác sẽ bị lộ. Lúc đó nhanh như chớp, đồng chí Ninh tiến lên phía trước và hỏi lại bằng giọng Bắc khiến cô bán thịt không để ý nữa.

Một lần nữa, trên đường đi công tác tại Thanh Hoá, khi phát hiện Bác về, người dân ùa ra vậy kín cốt để một lần được thấy Bác bằng xương bằng thịt. Ông Thưởng cho biết: “Đi cùng Bác để bảo vệ, thực ra chúng tôi không sợ có ai ám sát nhưng chỉ sợ dân mình biết ai cũng ra sức chen vào để được thấy Bác mà thôi”. Trong suốt những chuyến đi đó, đi đến đâu Người cũng rất giản dị, không quan cách và sống rất gần gũi nhân dân. Lần Bác vào thăm xưởng sản xuất nông cụ Thanh Hoá, những công nhân làm việc tại đây khi biết Bác vào thăm đã bỏ dụng cụ làm việc ào chạy về phía Bác. Những người đi theo bảo vệ Bác như ông Thưởng phải vô cùng vất vả mới đưa được Bác ra khỏi vòng vây.


Đọc báo và chăm sóc cây cảnh là niềm vui của ông Thưởng khi về già

Chính từ những lần được gần Bác, ông Thưởng lại được Bác bày dạy cho những điều hay lẽ phải. Lần đầu tiên được bảo vệ Bác đi bộ, ông Thưởng được Bác dạy rằng: “Cùng đi thì phải nói chuyện, làm như vậy quãng đường sẽ ngắn lại. Việc gì biết thì nói, không biết thì phải hỏi, đừng dấu, im lặng làm thinh. Hiểu cái gì nói cho mọi người nghe. Im lặng có thể là dốt, là tự kiêu...”. Dù đi đến đâu, trong chuyện ăn uống Bác cũng rất giản dị. Nhiều địa phương, thấy Bác về nên thiết đãi tiệc, nhưng Bác không vừa lòng. Bác nói: "khi đất nước còn khó khăn mọi thứ đều phải tiết kiệm thì bản thân một người cán bộ phải gương mẫu thực hiện để người dân lấy đó mà noi theo".

Sau khi Bác qua đời, ông Thưởng lưu lại Phủ chủ tịch 1 năm để bàn giao công việc, sau đó ông được điều về làm việc tại cục cảnh sát hình sự. Năm 1980, ông lại được luân chuyển về phòng cảnh sát hình sự Nghệ Tĩnh với chức vụ đội trưởng đội săn bắt cướp. Trong quãng thời gian công tác với nhiệm vụ mới, ông Thưởng và đồng đội đều lập được nhiều chiến công làm bao tên tội phạm khét tiếng một thời phải nể phục. Năm 1990, ông Lê Minh Thưởng về hưu với quân hàm trung tá, suốt thời gian hoạt động, ông Thưởng nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.

Thoáng chút trầm ngâm, ông Thưởng bộc bạch: “Có ở gần Người mới biết được cái tâm của Người như thế nào. Người quả thực là vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước, là kho tàng vĩ đại của dân tộc ta, lớp hậu sinh có học hết cả đời cũng không thấm nhuần hết đạo đức của Người”. Vì lẽ đó, khi về với cuộc sống thường nhật, ông Thưởng cũng học tập theo tấm gương đạo đức của Bác, sống giản dị và luôn quan tâm mọi người. Đặc biệt, thế hệ con cháu trong gia đình, ông Thưởng đều răn dạy theo tấm gương của Bác. Những câu chuyện về chặng đường hoạt động của Bác như một kho tàng truyện mà cứ mỗi lúc rảnh rỗi, hay khi có đông con cháu ông Thưởng lại kể cho các con, cháu cùng nghe. Khi đó, con người ông như thực sự sống lại giai đoạn ấy. Nghe lời cha, ông, con cháu trong gia đình ông Thưởng lại lấy chuẩn mực đạo đức của người để học tập và noi theo.