Kỳ 3: Lưới lửa phòng không Hà Nội

(ANTĐ) - Trước cuộc tập kích ồ ạt này, các nhà quân sự Mỹ vẫn đinh ninh rằng: Hà Nội sẽ không thể đứng vững trước sức mạnh của một Hirôsima không có bom nguyên tử.

Hà Nội tháng chạp 1972:

Kỳ 3: Lưới lửa phòng không Hà Nội

(ANTĐ) - Trước cuộc tập kích ồ ạt này, các nhà quân sự Mỹ vẫn đinh ninh rằng: Hà Nội sẽ không thể đứng vững trước sức mạnh của một Hirôsima không có bom nguyên tử.

>>> Kỳ 1: Lấy thịt đè người

>>> Kỳ 2: Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Xác máy bay B52 ở trên đường Hoàng Hoa Thám
Xác máy bay B52 ở trên đường Hoàng Hoa Thám

Quả là họ tính toán không nhầm. Với sức tàn phá của lượng thuốc nổ chứa trong 90 chiếc B52 trút xuống (khoảng 2.430 tấn bom) trong một đêm thì Hà Nội sẽ chỉ còn là đống gạch vụn. Lẽ nào cái thảm cảnh của Hirôsima ngày 5-8-1945 lại trở lại với Hà Nội đêm 18-12-1972?

Giờ phút chờ đợi này đã lâu. Các trắc thủ đài rađa U35 không rời mục tiêu. Mắt Tích như dán chặt vào màn hiện sóng. Bước đi của “đàn voi” đã được xác định rõ ràng: Vào đánh Hà Nội! Tích run lên vì xúc động. Hà Nội, trái tim của Tổ quốc đang đập những nhịp đập thiêng liêng vì cả nước, là hiện thân của văn hóa Việt Nam, tinh thần, khí phách Việt Nam! Từ nơi ấy các anh đã ra đi với một quyết tâm bảo vệ Hà Nội… Tích vội hét lên trong máy: B52 đang bay vào Hà Nội, phương vị…

Diễn biến tưởng như đơn giản, song các anh đã phải trải qua bằng chặng đường rèn luyện vô cùng gian khổ đẫm mồ hôi và nước mắt. Những ngày nắng rộp da trên bệ máy, những đêm thao thức không ngủ chỉ vì một thao tác máy chưa thành. Sự hy sinh của cả kíp trắc thủ của Đại đội 12 Đoàn Sông Mã trên đèo Lý Hòa, Quảng Bình năm trước, rồi bài học xương máu ở Hải Phòng đêm 16-4-1972. Nó được bắt đầu từ buổi trưa hôm ấy, khi những tốp F4 từ biển bay vào với độ cao gần 10 cây số. Một số đài rađa phát hiện có dải nhiễu giống nhiễu B52. Hoang báo “có B52” lập tức được truyền đi, các trận địa tên lửa vào vị trí chiến đấu. Hàng chục quả đạn được phóng lên. Kết quả bằng không.

Sau cú lừa ngoạn mục, đêm đó B52 vào dội bom Hải Phòng mà không bị phát hiện. Nhưng sự kiện ấy cũng chưa làm các anh phẫn uất bằng có một đêm giữa tháng 6-1972, nghĩa là sau “cái nhục” Hải Phòng không lâu, một chiếc B52 bằng một đường bay không lấy gì làm lắt léo, đã dễ dàng vượt qua mạng lưới rađa bay vào vùng trời Hà Nội rải truyền đơn rồi trở về căn cứ bình an vô sự.

Sau hai lần liều lĩnh trót lọt, thăm dò sự tinh nhạy của những “mắt thần” bảo vệ miền Bắc, giới quân sự Mỹ tuyên bố “máy bay B52 có thể đánh bất kỳ mục tiêu nào ở Bắc Việt Nam”. Lời tuyên bố đó là sự thách đố lực lượng phòng không của ta.

Vậy mà giờ đây nó lại hiện nguyên hình “những tên sát nhân” trước màn hiện sóng của các anh…

Phát hiện chính xác của Tích được báo ngay về Hà Nội. Từ sở chỉ huy Bộ tổng Tham mưu, còi báo động phòng không toàn thành phố vang lên.

35 phút sau lệnh báo động, tức là lúc 19h45, chiếc B52 đầu tiên mang mật danh “Than Củi” dẫn đầu cả tốp 90 chiếc mò tới vùng trời ngoại vi Hà Nội. Lập tức chúng được tên lửa ta “nghênh tiếp”.

Ở thời điểm xảy ra cuộc chiến đấu, lực lượng phòng không Hà Nội chỉ có Sư đoàn 361, với 4 trung đoàn cao xạ, 2 trung đoàn tên lửa (48 bệ phóng). Trung đoàn 261 đã nhận lệnh đi B, song chưa lên đường ở lại tham chiến. Một số đơn vị đi nhận nhiệm vụ ở các chiến trường khác. So với hồi tháng 11-1967, lực lượng phòng không ta lúc này là khá mỏng, nhưng điều gì đã xảy ra?

Rober Woll, viên đại úy phi công đi trong đội hình ấy nhiều năm sau vẫn còn kinh hoàng, viết: “… Tên lửa đất đối không bắn như pháo hoa lên máy bay ném bom (B52). Từ khi tiến vào mục tiêu, anh xạ thủ của tôi đếm được 32 tên lửa Sam bắn vào, hoặc ít ra cũng bay sát máy bay của chúng tôi. Chiếc máy bay thứ hai trong tốp mất liên lạc, nhưng không ai có thì giờ tìm hiểu nó”.

Chiếc máy bay ấy lẽ nào không phải là đống phế liệu đang xếp ở khuôn viên Bảo tàng Quân chủng Phòng không – Không quân, ngày ngày có hàng trăm lượt người đến xem? Đó là chiếc B52 đầu tiên bị tên lửa ta bắn hạ trên bầu trời Hà Nội. Chiến công của Tiểu đoàn 59 đặt trận địa dưới chân thành Cổ Loa. Lịch sử dường như có sự trùng lặp thú vị giữa chuyện xưa và nay, khi quả tên lửa mang dáng mũi tên đồng bắn cháy B52 giữa bầu trời Thủ đô Hà Nội.

Máy bay B52 bốc cháy trên bầu trời Hà Nội
Máy bay B52 bốc cháy trên bầu trời Hà Nội

Trận địa hôm nay màu xanh đã phủ kín. Dấu tích của trận đánh lịch sử cũng chìm sâu trong bộn bề nếp sống thời bình. Bao lớp người kế tiếp nhau trong niềm tự hào truyền thống đơn vị.

Chiến thắng của Tiểu đoàn 59 có sức cổ vũ các đơn vị lập công. Vài giờ sau, trận địa bến phà Chèm của Tiểu đoàn Đinh Thế Văn lại bắn rơi một B52 khác. Nếu như con ác điểu bị Tiểu đoàn 59 bắn rơi cách trận địa 3 cây số thì lần này Tiểu đoàn 77 lại bắt nó phải rơi tại chỗ. Đây là một trận đánh đẹp, hiệu quả cao.

Cùng phối hợp nổ súng, các trận  địa cao xạ của bộ đội và tự vệ Hà Nội đã “bóc” dần “tấm áo giáp” máy bay chiến thuật cho tên lửa nhận rõ đối thủ tiêu diệt. Nhiều máy bay chiến thuật có đi mà không có về, trong đó phải kể đến chiếc F111A hiện đại nhất của không quân Mỹ bị tổ tự vệ của các nhà máy thiêu cháy bằng 19 viên đạn lúc 21h ngày 22-12.

Để có đủ đạn cho các trận địa tên lửa chiến đấu, các đơn vị kỹ thuật đã phát huy sáng kiến cải tiến quy trình lắp ráp đạn, mỗi dây chuyền sản xuất tăng từ 8 quả lên 20-22 quả một ngày đêm. Các anh các chị làm việc quên cả hiểm nguy, mồ hôi trộn nước mắt.

Bằng bom đạn, kẻ địch muốn dìm Hà Nội vào đêm đen. Nhưng dòng điện từ Nhà máy điện Yên Phụ vẫn tỏa sáng. Những cán bộ kỹ thuật, thợ điện cùng bám sát “trận địa” quyết tâm không để vầng sáng thiêng liêng tắt dù chỉ vài phút. Hơn ai hết họ hiểu rằng cái vầng sáng vẫn đêm đêm bừng lên từ Thủ đô Hà Nội là niềm tin của tất cả mọi người dân Việt Nam và bạn bè trên thế giới. Nhằm làm cho chúng ta không còn liên lạc được với bạn bè thế giới, chúng đánh phá đài phát thanh Mễ Trì. Liên tiếp trong 4 trận đánh phá, chúng đã ném trên 200 quả bom, song “Tiếng nói Việt Nam” chỉ tạm dừng trong 9 phút và tin đầu tiên khi phát trở lại là tin: “Hôm nay Hà Nội bắn rơi tại chỗ 2 máy bay B52 Mỹ”.

Nhưng có lẽ man rợ nhất là việc dội bom hủy diệt các khu đông dân: Khâm Thiên, An Dương, Bệnh viện Bạch Mai… Bao nhiêu người chết, bao nhiêu ngôi nhà bị sập, bài bút ký này xin không nhắc lại.

(Còn nữa)

Bút ký: Lê Văn Vọng