Kinh hoàng vụ thảm sát ở Liên Khê: Chuyện bây giờ mới kể

ANTĐ - Trong lịch sử chống thực dân đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ, khi nhắc đến các vụ thảm sát kinh hoàng, nhiều người nghĩ ngay tới vụ thảm sát Mỹ Lai  (Quảng Ngãi) ngày 16-3-1968 tại Quảng Ngãi và vụ thảm sát Lâm Động (Hải Phòng) trong 2 ngày 13 và 14-2-1949 mà ít ai biết đến vụ thảm sát kinh hoàng đầu tiên do thực dân đế quốc Pháp gây ra vào các ngày 26, 27 và 28 Tết Âm lịch (tức 7, 8 và 9-2-1949) tại núi đá Bờ Hồ. 72 người con của xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em đã bị giết chết thê thảm. Duy nhất một em bé lên 8 tuổi tên Mạc Đăng Sú may mắn sống sót... 
Thiêu chết 30 người trong núi
72 người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã bị giặc Pháp lùa về chân núi Bờ Hồ tàn sát dã man, trong đó 30 người bị thiêu chết trong hang núi phần lớn đều là người già, phụ nữ và trẻ em chạy trốn; ngoài ra không ít phụ nữ sau khi bị giặc bắt cũng được bọn chúng đưa về đây hãm hiếp, rồi dùng dao cắt cổ. 

Đây là vụ thảm sát đẫm máu đầu tiên trên mảnh đất Hải Phòng vào 3 ngày đen tối nhất: ngày mồng 7, 8 và 9-2-1949 (tức 26, 27 và 28 tháng Chạp, Âm lịch, giáp Tết Nguyên Đán). Duy nhất cậu bé lên 8 tuổi tên Mạc Đăng Sú (SN 1941) đã may mắn sống sót với vết bỏng lớn trên cơ thể để lại di chứng nặng nề do trúng lựu đạn cháy của những tên lính Âu- Phi.

Kinh hoàng vụ thảm sát ở Liên Khê: Chuyện bây giờ mới kể ảnh 1
Tấm bia ghi tội ác của đế quốc Pháp được người dân và chính quyền xã Liên Khê xây dựng vào năm 1986 tại chân núi đá Bờ Hồ


Giờ, ông Sú trở thành nhân chứng sống của vụ thảm sát cách đây 65 năm về trước.

Xét về mức độ tàn ác, vụ thảm sát Liên Khê được người dân nơi đây coi là vụ thảm sát đau thương nhất trong lịch sử Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống giặc Pháp mà ít ai biết đến, hơn cả vụ thảm sát 108 người tại xã Lâm Động, cùng huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) vào ngày 13, 14-2-1949. 

Theo lịch sử đảng bộ xã Liên Khê (1945-1985), ngày 7-2-1949 (tức 26 Tết Âm lịch), giặc Pháp huy động một lực lượng lớn, gồm 1 trung đoàn quân Âu Phi, có máy bay, pháo lớn và ca nô yểm trợ, mở cuộc càn quyét vào địa bàn xã Liên Khê nhằm xóa sổ khu Nguyễn Hải gồm các xã: Liên Khê, Lưu Kiếm, Minh Tân do đồng chí Quốc Lan và Nguyễn Văn Hạ chỉ huy. Khi ấy, toàn đại đội có gần 200 người, được trang bị 15 súng trường, một số ít lựu đạn, mìn, còn lại vẫn là các vũ khí thô sơ.

Mới tờ mờ sáng, địch không tiến quân theo đường bộ sợ bị quân ta mai phục nên đã chia quân làm 2 mũi tiến theo đường sông, rồi ào ào đổ bộ vào. Trước thế và lực của kẻ thù lực lượng của ta cùng nhân dân vừa đánh trả, vừa rút vào các hang động trên núi cố thủ, ẩn nấp.

Kinh hoàng vụ thảm sát ở Liên Khê: Chuyện bây giờ mới kể ảnh 2
Giờ đây, ngoài tiền hỗ trợ của nhà nước 180 nghìn đồng/tháng, ông Mạc Đăng Sú mưu sinh bằng nghề mộc tại gia


Ngay trong giờ đầu giao chiến, 7 tên lính Pháp đã bị tiêu diệt, nhiều tên khác bị thương. Tuy nhiên, quân đông, vũ khí hiện đại, quân địch đã nhanh chóng đánh chiếm hầu hết các làng mạc, chiếm lĩnh các điểm cao để dễ bề khống chế quân ta.

Trung đội dân quân du kích do đồng chí Nguyễn Thi chỉ huy vừa đánh địch, vừa rút quân vào hang Bờ Hồ, Cập Ke. Dựa vào định hình thuận lợi của hang đá, mỏ đá, cây cối um tùm để ấn nấp mà đánh địch.

Đến gần trưa, giặc Pháp tức tối vì không thực hiện được kế hoạch mà chúng đặt ra “đánh nhanh, quét sạch”. Sau khi phát hiện một số du kích quân và nhân dân ẩn nấp trong hang Bờ Hồ, chúng tổ chức vây chặt quả núi. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch trở lên cam go, quyết tử. Không kêu gọi được quân ta ra hàng, giặc Pháp điên cuồng trả thù bằng cách lùng sục, bắt bớ, sát hại đồng bào. Hơn 10 người gồm: các cụ già, phụ nữ và trẻ nhỏ bị chúng bắt được, dẫn giải ra chân núi Bờ Hồ hãm hiếp, bắn giết dã man. 8 người khác bị địch cho vào rọ, buộc túm lại mang ra cầu Phúc Liệt thả trôi sông; phụ nữ trẻ và con gái làng sau khi bị hãm hiếp, những tên lính Âu- Phi dùng dao cắt cổ. Làng mạc, nhà cửa bị giặc Pháp phóng hỏa; gà, lợn, châu bò cũng bị chúng cướp đi hoặc bắn chết ngoài đồng.

Kinh hoàng vụ thảm sát ở Liên Khê: Chuyện bây giờ mới kể ảnh 3
Ngoài các vết sẹo bỏng lớn ở bụng, lưng, đùi trái, vết bỏng ở chân phải khiến cả bàn chân ông bị biến dạng, mất khả năng cử động...


Ngay trong ngày đầu chiến đấu, Tiểu đội trưởng Trần Văn Cống một mình gan dạ bám trụ lại cửa hang nơi chân núi chiến đấu, nhằm kìm chân địch, không cho bọn chúng có cơ hội đột nhập vào bên trong đã anh dũng hy sinh sau khi tiêu diệt được 3 lính Pháp da đen. Ngoài tấm gương dũng cảm của tiểu đội trưởng Cống, tại trận đánh núi Bờ Hồ xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng khác như: đồng chí Đoàn Thị Đầm, nữ Đảng viên Chi bộ Đảng, phụ trách Hội Phụ nữ cứu quốc xã, đảm nhiệm cứu thương, trúng đạn của địch trong khi bò từ hang này sang hang khác để băng bó vết thương cho các chiến sĩ, du kích quân hy sinh…

Đêm xuống, quân Pháp đưa máy nổ tới chân núi chạy, phát điện tiếp tục cuộc bao vây, lùng sục. Trong đêm tối, một số chiến sĩ và du kích của ta đã anh dũng đột phá vòng vây thoát ra ngoài.

Bước sang ngày 8-2 địch vẫn bị kìm chân ở ngoài núi. Cay cú, bọn chúng sử dụng những tên chỉ điểm tiếp tục tìm và bắt được hàng chục phụ nữ, người già và trẻ em đang ẩn trốn ở khu vực khác đưa đến chân núi Bờ Hồ tra khảo, hành quyết. Một vài người dân giả câm, giả điếc để không khai ra nơi ẩn lấp, hoạt động của Việt Minh đã bị những tên lính Pháp ác ôn banh mồm, dùng dao găm cắt cổ, khoét cổ họng, rút lưỡi… Sau khi giết hại vô số dân thương vô tội, bọn chúng cheo xác lên các cây cổ thụ để thị uy, hòng lung lay tinh thần đấu tranh của quân và dân Liên Khê.

Kinh hoàng vụ thảm sát ở Liên Khê: Chuyện bây giờ mới kể ảnh 4
Mặc dù một chân bị biến dạng nhưng ông Sú cùng với một cựu lão thành cách mạng 84 tuổi của xã vẫn tình nguyện được đưa phóng viên tiếp cận hang sâu trong lòng núi đá Bờ Hồ


Dã tâm hơn, chiều cùng ngày, giặc Pháp đưa quân vào thôn Quỳ Khê thu gom tre, gỗ, rơm, rạ; phá ngôi đình 5 giam của làng lấy gỗ, rồi mang tất cả ra chất thành các đống lớn xung quan chân núi, các cửa hang, tưới xăng đốt cháy đùng đùng.

 Hàng trăm quả lựu đạn cháy được chúng ném vào phía bên trong các cửa hang lớn, nhỏ mà chúng nghi ngờ có người ẩn nấp. Ngọn lửa lớn rừng rực như muốn biến quả núi đá Bờ Hồ thành một lò “nung vôi” khổng lồ. 30 đồng bào là con em của xã Liên Khê đang ẩn nấp trong hang đã bị thiêu chết. Duy nhất còn một bé trai 7 tuổi Mạc Đăng Sú nửa người bị dính lựu đạn cháy của giặc may mắn sống sót.

Chiều 28 Tết, giặc Pháp rút khỏi địa phương, những người dân còn sống vội vàng ra khu vực núi Bờ Hồ tìm xác người thân để chôn cất.

Tổng cộng 72 người, trong đó hơn 40 người là phụ nữ và trẻ em đã bị giặp Pháp hãm hiếp, giết hại dã man trong và ngoài núi. Nhiều gia đình bị giặc tàn sát không còn một ai sống sót như: gia đình ông Thụ, gia đình ông Phiêu, gia đình ông Mẽ…

Vụ thảm sát kinh hoàng xảy ra đối với người dân xã Liên Khê trở thành vụ thảm sát đầu tiên trên đất Hải Phòng với mức độ tàn sát dã man nhất, tiếp đến là vụ thảm sát 108 người tại xã Lâm Động sau đó đúng 1 tuần.   

Phần lớn những người bị giết đều ở 2 thôn: Thụ Khê và Thiểm Khê; nhà cửa vườn tược, con vật nuôi cũng bị phóng hỏa đốt, phá tan hoang…
Gặp lại nhân chứng 7 tuổi năm xưa
Qua thông tin chỉ dẫn của chính quyền sở tại và người dân trong xã, phóng viên tìm gặp“cậu bé” may mắn sống sót năm xưa. Dưới lán tôn lợp tạm cạnh ngôi nhà cấp 4 rộng hơn 10m2 được xây bằng gạch ba banh bên trục đường của xã là một người đàn ông tuổi đã cao, nước da ngăm đen, thấp đậm với một bên chân bị “biến dạnh” đang cặm sẻ gỗ, đóng đồ cho khách. Không ai khác chính là “cậu bé” Mạc Đăng Sú giờ đã ở cái tuổi 73.

Kinh hoàng vụ thảm sát ở Liên Khê: Chuyện bây giờ mới kể ảnh 5
Hang núi đá Bờ Hồ là nơi người dân Liên Khê và du kích quân trú ẩn, chiến đấu chống thực dân đế quốc Pháp xâm lược


Thấy có khách vào, ông Sú vội vàng khoác tạm chiếc áo cũ kỹ, rồi mau miệng mời nước. Biết phóng viên đề cập đến vụ thảm sát cách đây 65 năm, cướp đi 72 người con của xã, ông Sú ngồi trầm ngâm, rồi cởi lòng mình tâm sự.  

Ông nói, cứ mỗi khi ký ức sống dậy, ông Sú lại rớt nước mắt vì cảnh  người thân, dân làng bị giặc giết. Nhiều đêm, ông Sú ú ớ gọi tên bố, tên mẹ trong giấc mơ, rồi giật mình tỉnh giấc. 6 người thân yêu nhất của ông, gồm: ông bà, bố mẹ, 2 em đã vĩnh viễn nằm lại nơi núi đá Bờ Hồ. 

Vụ tàn sát diễn ra khi ông còn quá bé nhưng những gì xảy ra với bản thân và gia đình mình, ông Sú cố quên nhưng không sao quên được...

"Sáng sớm ngày 26 tháng Chạp Âm lịch (tức vào 7-2-1949) bất ngờ địch mở cuộc càn quét lớn vào xã, bố tôi đưa mọi người sơ tán vào hang núi đá Bờ Hồ ẩn nấp. Đến trưa, địch phát hiện, bao vây quả núi, rồi đốt lửa, hun khói vào các cửa hang. Ông ấy chạy ra khỏi cửa hang để đánh lạc hướng địch liền bị chúng phục kích bắn chết. Giặc Pháp ném lựu đạn cháy vào trong hang nơi gia đình tôi trú ấn, khiến nhiều người bị bỏng nặng, trong đó có tôi. Tôi bảo mẹ tôi đưa các em tháo chạy ra ngoài nhưng bà cũng bị thương nặng nên không thể. Kết cục, cả nhà tôi bị giặc Pháp giết chết hết cả, ngoại trừ tôi đau đớn quá nên chạy ra cửa hang bị một tên lính Pháp da trắng cao lớn đứng chặn gần đó bắt được, đưa xuống núi. Có lẽ thấy tôi gầy còm, người bị bỏng nặng nên bọn chúng không giết mà còn cho ăn.

Khi đó, tôi thấy dưới chân núi nơi tôi được đưa xuống có rất đông lính da đen, da trắng đeo súng, nói cười hô hố và vô số xác người dân bị giết gần đó, máu nhuộm đỏ cỏ cây.

Sau đó, ông được tận mắt chứng kiến cảnh các tên lính da đen hãm hiếp phụ nữ, rồi dùng dao cắt cổ, rút lưỡi nhiều người già, trẻ em...", ông Sú rùng mình nhớ lại. 

Ngày 9-2-1949, khi quân Pháp rút đi, ông Sú được cụ ngoại tìm thấy đang nằm thoi thóp gần chân núi Bờ Hồ, nửa cơ thể bị bỏng nặng nên vội vàng đưa về nhà chữa chạy, nuôi nấng. Tuy nhiên với vết bỏng lớn, ông Sú vĩnh viễn mất đi bàn chân trái của mình.
Bia căm thù đã mòn và lòng người vẫn đợi…
Sau sự kiện 72 người dân trong xã Liên Khê, trong đó quá nửa là người già, phụ nữ, trẻ em bị thực dân Pháp hãm hiếp, giết hại dã man tại chân núi đá Bờ Hồ. Để khắc cốt ghi xương, chính quyền và nhân dân trong xã đã xây dựng tấm bia ghi tội ác của đế quốc Pháp ngay tại nơi này vào năm 1986, đồng thời là để giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước.

Kinh hoàng vụ thảm sát ở Liên Khê: Chuyện bây giờ mới kể ảnh 6
Đến thời kỳ khánh chiến chống đế quốc Mỹ, hang núi đá Bờ Hồ tiếp tục được quân đội ta sử dụng để tập kết vũ khí, khí tài…


Năm tháng qua đi, giờ màu xanh của sự sống đã trở lại; dưới chân núi là các vườn tược được nhân dân cải tạo trồng chuối, trồng na xanh tuơi tốt che khuất một góc bia tưởng niệm căm thù giặc Pháp.

Bia xây hình trụ, cao khoảng 3m đã bị bào mòn, rêu phong phủ kín quá nửa. Trên mặt trụ hướng ra con đường dân sinh được khắc dòng chữ: “Tại nơi đây đã xảy ra cuộc tàn sát dã man. Bọn đế quốc Pháp trong ba ngày 26, 27 và 28 tháng Chạp, năm 1948 đã giết hại 72 người dân. Tội ác của chúng nhân dân ta khắc sâu đời đời” nét còn, nét đứt.

Trao đổi với ông Phạm Văn Nhập, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), ông Nhập cho biết, đó là tấm bia người dân trong xã tự bỏ tiền, bỏ công cùng chính quyền xã xây dựng lên cách đây 28 năm, ghi tội ác của thực dân Pháp đã tàn sát người dân trong xã trong trận càn quét đầu năm 1949, giết hại 72 người dân, trong đó quá nửa là người già, phụ nữ và trẻ em. 

Hiện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Liên Khê mong muốn duy nhất được nhà nước ghi nhận và công nhận Núi đá Bờ Hồ là di tích lịch sử cách mạng thời kỳ chống đế quốc Pháp và là nơi diễn ra vụ thảm sát đẫm máu 72 người con của xã.

Cũng theo vị Phó chủ tịch Nhập, từ ngày đó trở đi, hàng năm cứ đến ngày 26 Tết Âm lịch, dân làng Liên Khê tổ chức “giỗ trận” cho những người bị địch giết và các chiến sĩ du kích đã anh dũng hy sinh.